Tại Hội nghị thủ tướng và doanh nghiệp sáng nay, trong phần phát biểu của mình, đó ông Lê Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết chi phí là điều mà doanh nghiệp nào cũng quan tâm. Doanh nghiệp bức xúc nhất về gánh nặng chi phí hiện nay, bao gồm chi phí chính thức và phi chính thức.
Chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả từ việc đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, chứng chỉ hành nghề, tiếp cận đất đai, vốn vay ngân hàng… Ông Thân đánh giá nguyên nhân của việc doanh nghiệp phải tồn nhiều chi phí không chính thức đến từ phía các cơ quan Nhà nước.
Công chức, viên chức không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Doanh nghiệp phải đi đêm, của công chia đôi, của nhà chia ba.
Ông Thân cũng chỉ ra một trong các nguyên nhân của việc công chức “thờ ơ” với doanh nghiệp là do chế độ tiền lương thấp, nên họ tìm kiếm cách kiếm thêm. Ngoài ra, cũng đến từ phía một số doanh nghiệp chạy theo quan hệ, đi đêm, đi ngầm để có lợi thế trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp muốn chi để “được việc”, dù biết là sai trái.
Chi phí không chính thức làm cho doanh nghiệp không biết đường nào mà thoát ra, làm giảm sức cạnh tranh, chán nản.
Gánh nặng chi phí không chính thức làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: VGP. |
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao Nghị quyết 35 với các mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể.
Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ giữ vững tinh thần: "Trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi", nhiều bộ, ngành, địa phương... đã vào cuộc quyết liệt và có chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, người đứng đầu VCCI cho rằng chi phí kinh doanh của Việt Nam đang cao nhất trong khu vực gây khó cho doanh nghiệp. Cái doanh nghiệp không cần là hỗ trợ, đặc biệt là tài chính, càng không nên hỗ trợ bằng can thiệp hành chính.
Doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh lành mạnh, nền tư pháp bảo vệ cho họ an toàn.
Chính phủ cần thực hiện chủ trương không hình sự hóa quan hệ hành chính. Doanh nghiệp vẫn lo về sự thay đổi chính sách, nỗi lo "ông nói gà, bà nói vịt, sớm năng chiều mưa". Từ đó dẫn đến tình cảnh doanh nghiệp lo vì đứng trước ngã ba đường chính sách.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp. Nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp thì đến Boeing cũng không thể làm được máy bay tại Việt Nam.
“Thể chế nào thì doanh nhân đó, nếu thể chế minh bạch thì doanh nhân sẽ mạnh dạn đầu tư, người dân sẽ bỏ tiền khởi nghiệp. Chính phủ và doanh nghiệp cùng liêm chính, Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp sáng tạo đó là hành trang để chúng ta đồng hành cùng nhau”, ông Vũ tiến Lộc chia sẻ.
Trong khi đó đối với các cơ quan bộ ngành, địa phương cần phải hiểu rõ tinh thần của Nghị quyết 35 là đồng hành cùng doanh nghiệp. Bởi thế nên việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp cũng phải đồng hành, tránh tình trạng nhiều cơ quan trả lời doanh nghiệp theo cách chỉ giải thích mà chẳng giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đem đến thông điệp doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được trao đổi thẳng thắn về việc mà họ quan tâm.
Theo bà Nga, kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển ở mọi ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm, khuyến khích hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu. Bà cho rằng doanh nghiệp kinh tế tư nhân xứng đáng có được.
Về chủ trương không hình sự hóa các quan hệ hành chính kinh tế, tại Hội nghị năm ngoái, Thủ tướng đề cập như một trong những tinh thần lớn nhất, Nghị quyết 35 cũng thể hiện rõ. Chủ trương này, theo bà Nga, giúp doanh nghiệp sẵn sàng dấn thân, thử thách cái mới. Doanh nghiệp cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chinh đáng, dám nghĩ dám làm, khai thác những lĩnh vực tiên phong, giải phóng sức lao động để tăng cường phát triển.