Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Nhật ấn tượng với thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử châu Á, Việt Nam được xem là thị trường thương mại điện tử có tiềm năng đối với Nhật Bản, xếp chỉ sau Đài Loan và Trung Quốc.

Cuối 8, phái đoàn Hiệp hội Thương mại điện tử Châu Á (ECAA) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Zalo nhằm thiết lập quan hệ xuyên quốc gia.

Theo đó, phía Nhật Bản đang tìm một thị trường mới, giàu tiềm năng trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử của nước này đang chững lại do dân số già. Ngoài ra, các thị trường lớn như Đài Loan, Trung Quốc không có nhiều khoảng trống do có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tập trung tại đây.

Trước khảo sát tại Việt Nam, phái đoàn từ Nhật Bản đã tìm hiểu thị trường tại một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngay cả thị trường đông dân nhất là Indonesia cũng chưa thật sự phù hợp.

thi truong thuong mai dien tu viet nam anh 1
Đối tác Nhật ấn tượng với nền tảng Zalo có tới 80 triệu người dùng ở Việt Nam.

Theo các đối tác Nhật Bản, Việt Nam được đánh giá là thị trường thương mại điện tử đầy sức hút ở Đông Nam Á. Chỉ riêng nền tảng Zalo với 80 triệu người dùng đã là một lợi thế khi tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ bán, chăm sóc khách hàng.

Theo đánh giá ban đầu từ đoàn Nhật Bản, Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng và phù hợp nhất trong khu vực. Theo đó, sự tăng trưởng ổn định của các trang thương mại điện tử, song song với nền tảng 80 triệu người dùng như Zalo là tín hiệu lạc quan.

Đối tác Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự tương đồng về hành vi mua và bán của người tiêu dùng tại 2 quốc gia cũng là một yếu tố thuận lợi. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động bán hàng ở Việt Nam.

Ông Jongmin Hong, Quản lý trang thương mại điện tử Clara Online của Nhật, so sánh thói quen mua bán hàng qua Zalo của người Việt Nam cũng giống như người Nhật quen thuộc với nền tảng Line.

Hiện tại, với 80 triệu người dùng, nền tảng Zalo đang tích hợp sẵn công cụ bán hàng là Zalo Shop, hệ thống quảng cáo tự động Zalo Ads và nền tảng chăm sóc khách hàng đa phương tiện miễn phí. Theo đó, Zalo không chỉ là kênh phân phối hàng hóa đầy tiềm năng với doanh nghiệp trong nước mà còn là điểm đến mới cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bà Đặng Thủy Hà, Trưởng đại diện công ty nghiên cứu thị trường Nielsen tại Hà Nội, từng cho biết giá trị thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2016 lên tới 4 tỷ USD (tương đương gần 100.000 tỷ đồng). Nielsen cũng cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của thị trường thương mại điện tử Việt Nam là 22%. Đây được đánh giá là con số cao trong khu vực và trên thế giới.

Theo Niesel, 45% dân số Việt Nam đã tiếp cận Internet. 28% người sử dụng Internet đã tiếp cận thương mại điện tử. Trung bình mỗi người Việt sử dụng Internet chi 160 USD cho thương mại điện tử một năm.

Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam có thể cao hơn nhiều con số mà các đơn vị nghiên cứu đưa ra. Cũng theo ông Tuyến, con số tăng trưởng có thể lên đến 30-50%/năm. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm