Doanh nghiệp nhập khẩu hạt hướng dương 'khốn đốn' vì tin đồn
Cơ quan chức năng kết luận, các mẫu hạt hướng dương được kiểm nghiệm không có tồn dư chất độc hại nhưng hoạt động kinh doanh mới phục hồi 70%.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại và dịch vụ Bách Linh, doanh nghiệp lớn nhất khu vực miền Bắc về nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hạt hướng dương Chacheer.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, một số trang báo điện tử của Trung Quốc đưa tin cơ quan chức năng TP. Tô Châu, Triết Giang (Trung Quốc) lấy mẫu, kiểm tra hạt hướng dương trên thị trường và phát hiện 7 loại có chứa chất phèn nhôm và bột talc có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Theo bà Hương, người tiêu dùng có thể hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm của những doanh nghiệp đã có thương hiệu, uy tín với những công bố về chất lượng sản phẩm, được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định khi sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hạt hướng dương Chacheer. |
Ngay lập tức, doanh nghiệp đã vào cuộc, thông tin trao đổi với nhà sản xuất sản phẩm hạt hướng dướng mang thương hiệu nổi tiếng Chacheer để biết rõ vấn đề. Theo thông tin từ nhà sản xuất, các sản phẩm mà báo giới Trung Quốc nhắc đến và nghi vấn có các chất gây teo não, nguy cơ gây ung thư cùng một số hội chứng sức khỏe khác cho người dùng đó là những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thông tin từ phía Cục an toàn thực phẩm cho biết, Cục đã lấy 34 mẫu hạt hướng dương tại 5 tỉnh, thành phố trọng điểm để kiểm nghiệm, kiểm tra an toàn như thông tin cảnh báo. Trong đó, riêng miền Bắc có tới 4 tỉnh là Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn. Tuy nhiên, quá trình kiểm nghiệm và giám sát kết quả cho thấy không phát hiện tồn dư các chất độc hại nào.
Người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm hạt hướng dương có bao bì, nhãn mác đầy đủ để đảm bảo an toàn hơn khi sử dụng. |
Theo bà Hương, cơ quan chức năng quản lý đã vào cuộc rất kịp thời nhưng vẫn còn chậm. Chính tâm lý chờ đợi, hoang mang kéo dài khi chưa rõ kết luận của cơ quan chức năng đã làm cho doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.
Mặc dù vậy, việc vào cuộc của cơ quan chức năng là một chuyện, ý thức của người tiêu dùng tự nâng cao nhận thức và sử dụng các sản phẩm chính hãng, của các doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín, chất lượng sản phẩm lại là chuyện hoàn toàn khác.
“Không có lý gì mà các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, thương hiệu phát triển ở khắp các nước mà họ lại làm sản phẩm của mình kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia ảnh hưởng sức khỏe cho người dùng. Ngược lại, để có sản phẩm được bán ở khắp mọi nơi, cả ở thị trường Việt Nam, hãng sản xuất hạt hướng dương Chacheer đã phải thực hiện rất nhiều các chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng cho sản phẩm. Khi nhập về Việt Nam, ngoài các giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch nông sản của nước ngoài, sản phẩm còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam. Có được những “thủ tục” như vậy là chuyện không dễ dàng gì, rồi sau đó, sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường” - bà Hương cho biết.
Người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm trước khi dùng. |
Cũng theo bà Hương, để lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn, sức khỏe khi sử dụng hạt hướng dương, người tiêu dùng cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thông tin nơi sản xuất, nhập khẩu đầy đủ. Đọc kỹ hạn dùng trên bao bì sản phẩm. Các thông tin về sản phẩm, thành phần dinh dưỡng, chế biến cũng đã được in trên nhãn phụ sản phẩm. Các hướng dẫn cách dùng, cách bảo quản cũng được nhà sản xuất, nhập khẩu khuyến cáo nên người tiêu dùng phải quan tâm.
Ngoài ra, khi không dùng hết có thể gói kỹ lại để khi dùng tiếp được đảm bảo chất lượng hơn. Không riêng gì sản phẩm hạt hướng dương mà còn nhiều loại nông sản khác, nếu không bảo quản đúng cách, chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo thậm chí có thể là nguồn cơn để cho côn trùng, nấm mốc phát sinh.
Theo Chất Lượng Việt Nam