Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo phát hiện thêm mỏ khí Kèn Bầu có trữ lượng lớn tại lô 114 của bể Sông Hồng nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam.
Mỏ Kèn Bầu với trữ lượng sơ bộ 230 tỷ m3 khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ condensate, dự kiến được khai thác vào năm 2028. Với sản lượng lớn hơn mỏ Cá Voi Xanh (150 tỷ m3) và lô B (176 tỷ m3), mỏ Kèn Bầu có thể trở thành một siêu dự án tiếp theo của PVN theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV.
Giếng KB-2X tại lô 114. Ảnh: PVN. |
Báo cáo phân tích của KBSV nhận định Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) sẽ được hưởng lợi chính từ việc gia tăng sản lượng của mỏ Kèn Bầu do vai trò độc tôn trong lĩnh vực phân phối khí trong nước.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) và Tổng Công ty Khoan dầu khí (PVD) có thể sẽ nhận được các hợp đồng xây dựng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công), khai thác dự án mới này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những triển vọng tích cực trong dài hạn. Trong khi đó, KBSV lưu ý việc cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí suy giảm trong ngắn hạn.
Thực tế thời gian qua chứng kiến nhiều doanh nghiệp họ dầu khí sụt giảm lợi nhuận do gặp khó khăn từ các yếu tố khách quan.
Tại PV Gas, doanh thu thuần quý II đạt 15.630 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế giảm tới 56% còn 1.710 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp lý giải giá dầu Brent bình quân quý II giảm tới 39,3 USD/thùng so với cùng kỳ năm trước, làm giá bán các sản phẩm của PV Gas giảm tương ứng, kéo theo lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ.
Tại PVD, lợi nhuận quý II cũng giảm mạnh 46% còn 61 tỷ đồng do giảm hiệu suất sử dụng giàn khoan, tăng chi phí liên quan hoạt động tại nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đánh giá chung về triển vọng ngành dầu khí, KBSV duy trì mức trung lập với những yếu tố tiêu cực ngắn hạn của giá dầu khi mỏ Kèn Bầu sẽ chưa được khai thác cho đến năm 2028.