Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Doanh nghiệp Mỹ lo ngại chính sách thiếu nhất quán giữa các địa phương

Các doanh nghiệp Mỹ chia sẻ sự lạc quan về hồi phục kinh tế trong bối cảnh sống chung với dịch Covid-19, nhưng mong muốn việc thực thi chính sách nhất quán hơn giữa các địa phương.

Doanh nghiep My tai Viet Nam anh 1

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), hôm 23/11 trình bày kết quả cuộc khảo sát mới nhất với các doanh nghiệp Mỹ về tiềm năng tái mở cửa, hồi phục kinh tế được thực hiện vào một tuần trước đó.

Nội dung cuộc khảo sát liên quan đến trạng thái vận hành doanh nghiệp, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình doanh nghiệp hồi phục và những biện pháp họ mong Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy một viễn cảnh hồi phục kinh tế tích cực, theo bà Tarnowka. Theo khảo sát, đến 99% doanh nghiệp Mỹ lạc quan (ở các cấp độ khác nhau) về khoản đầu tư tại Việt Nam. Chỉ 1% có ý định rút hoặc ngưng kinh doanh về trung và dài hạn.

Hầu hết doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã vận hành với trạng thái từ 60% đến mức bình thường.

Đối với một số doanh nghiệp vẫn còn gặp hạn chế trong việc tái mở cửa, họ dự đoán khả quan quay trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong nửa đầu năm 2022.

Mong chính sách nhất quán

Tại hội nghị "Gặp gỡ Hoa Kỳ" hôm 23/11 giữa đại diện các tỉnh, thành phía nam với các doanh nghiệp Mỹ, Đại biện lâm thời Mỹ Marie Damour ghi nhận 3 nguyên nhân chính làm nên sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam, bên cạnh các vấn đề cần giải quyết.

Đầu tiên là chiến dịch tiêm chủng 80 triệu liều cho người dân cả nước trong ba tháng ngắn ngủi. Đến nay, Mỹ tài trợ 16 triệu liều vaccine cho Việt Nam và 30 triệu USD để hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Đại biện Mỹ cũng ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc khôi phục và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Tinh thần của người Việt Nam cũng là điều quan trọng giúp cho chương trình tiêm chủng toàn quốc thành công, theo lời đại biện Mỹ.

Giám đốc điều hành AmCham Mary Tarnowka cho biết kết quả khảo sát các doanh nghiệp Mỹ phản ánh một sự hồi phục tích cực của kinh tế Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Đỗ Quyên.
Doanh nghiep My tai Viet Nam anh 2
Doanh nghiep My tai Viet Nam anh 2

Giám đốc điều hành AmCham Mary Tarnowka cho biết kết quả khảo sát các doanh nghiệp Mỹ phản ánh một sự hồi phục tích cực của kinh tế Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Đỗ Quyên.

Bà Damour cho biết Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. "Các liên kết chuỗi cung ứng không phải một chiều, mà Việt Nam cũng nhập những mặt hàng nhập từ Mỹ hỗ trợ quá trình xuất khẩu, cùng xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu", đại biện Mỹ nói.

Tán thành nhận định về chiến dịch tiêm chủng, Giám đốc điều hành AmCham Mary Tarnowka khẳng định đây là ưu thế cạnh tranh của Việt Nam để hồi phục và phát triển kinh tế.

Trong quá trình phục hồi và sống chung với dịch bệnh, bà Tarnowka cho biết doanh nghiệp Mỹ mong muốn chính quyền các cấp ban hành và thực thi chính sách nhất quán.

Trao đổi thêm với Zing, bà Tarnowka nói: "Đôi khi doanh nghiệp gặp phải vấn đề chính sách được thi hành khác nhau giữa các tỉnh, thành. Trong một số trường hợp, mỗi địa phương trong chính các tỉnh, thành thực thi chính sách không đồng nhất".

Bà nhấn mạnh điều quan trọng để Việt Nam tiếp tục hồi phục kinh tế là triển khai một chính sách nhất quán trong việc kinh doanh an toàn, và các tỉnh thành cần phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Ông Jahanzeb Khan, Tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam, cho biết thêm: "Chúng tôi cần lộ trình rõ ràng để tái mở cửa các ngành, như du lịch, và chính sách không tạo thêm sức ép, gánh nặng về mặt tài chính, thuế phí để doanh nghiệp có cơ hội khôi phục trở lại".

Bà Tarnowka cũng lưu ý vấn đề cấp thị thực nhập cảnh cho nhà chuyên môn nước ngoài, dẫn ra trường hợp First Solar có vốn đầu tư hàng tỷ USD và đang trông đợi 300 chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.

"Nếu Việt Nam muốn kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, chính quyền cần điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân nước ngoài trong quá trình phê duyệt xuất nhập cảnh", bà Tarnowka nói.

Ông KJ Ung, Giám đốc điều hành First Solar Việt Nam, cho rằng để đạt được khôi phục trong các ngành đặc thù, nhà máy phải nâng cao kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.

"Ngành sản xuất và các cơ quan chức năng cần tập trung hơn nữa vào quy trình nhập cảnh dành cho chuyên gia nước ngoài - quy trình tốn khá nhiều thời gian và chi phí", ông nói.

Tín hiệu tích cực của vùng kinh tế phía nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM và các tỉnh miền Nam trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh cũng như chương trình tiêm chủng đầy đủ cho người dân. Ông thay mặt Chính phủ Việt Nam cảm ơn phía Mỹ bởi những hỗ trợ tích cực trong việc giúp Việt Nam tái mở cửa, phục hồi kinh tế.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cũng nhắc đến nỗ lực của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ trong việc đồng hành cùng Chính phủ chống lại dịch bệnh Covid-19, thông qua việc đầu tư, cùng xây dựng chuỗi cung ứng và trên hết là việc vận động chính phủ Mỹ viện trợ vaccine kịp thời cho Việt Nam.

Trao đổi với các đại diện doanh nghiệp Mỹ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết kế hoạch mở cửa của thành phố dựa trên ba trụ cột chính là y tế, kinh tế và an sinh xã hội. Mục tiêu trên hết và trước hết là vừa bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, vừa khôi phục và bảo vệ sự “khỏe mạnh” của nền kinh tế thành phố.

Theo ông Võ Văn Hoan, TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vui chơi giải trí, giáo dục văn hóa, du lịch, giao thông. Thành phố đang áp dụng bản đồ dịch bệnh để cập nhật tình hình và liên tục thích ứng.

Ngoài ra, ông Hoan cho biết thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, duy trì đối thoại với các doanh nghiệp; tăng cường mở rộng hợp tác liên kết vùng, nhất là các tỉnh phía Nam, giáp TP.HCM về cung ứng hàng hóa, di chuyển lao động, nguyên liệu vật tư cho sản xuất; tăng cường các mối quan hệ hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư...

Tại Long An, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Minh Lâm cho biết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trên 90% và dự kiến đạt 100% trước cuối tháng 11. Tỉnh có 33 doanh nghiệp Mỹ, và đang được tạo điều kiện hoạt động hiệu quả. Long An cũng có nhiều hướng dẫn cho doanh nghiệp về quy trình xử lý, kiểm soát dịch bệnh.

Doanh nghiep My tai Viet Nam anh 3

Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại sự kiện "Gặp gỡ Hoa Kỳ" ngày 23/11. Ảnh: Đỗ Quyên.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương luôn chú trọng đến các nhà đầu tư và việc sản xuất của doanh nghiệp, ngay cả trong lúc bùng phát dịch mạnh nhất.

Ông cho biết Bình Dương đang củng cố lại tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, các tổ y tế cộng đồng ở từng khu phố; tăng cường thuốc điều trị cho F0… Theo đánh giá của chính quyền Bình Dương, sau khi củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, bổ sung trang thiết bị, thuốc men… thì việc sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn.

Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ góc nhìn tích cực với sự hồi phục kinh tế tại Việt Nam cũng như vận hành doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Giám đốc điều hành Pharmacity Chris Blank cho biết đơn vị mở cửa hàng trực tuyến để người dân có thể tiếp cận nhà thuốc dễ dàng, phối hợp với chính quyền để cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khỏe tới người dân.

Ông Walt Power, Giám đốc điều hành The Grand Hồ Tràm, bày tỏ với Zing về sự lạc quan trong sự khôi phục và phát triển của kinh tế Việt Nam sau thời gian gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 vừa qua.

Ông khẳng định đối với một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khó khăn trong thời kỳ đại dịch là không thể tránh khỏi, "nhưng tiềm năng phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới vẫn rất lớn". Đối với doanh nghiệp, dù trong thời gian khủng hoảng dịch bệnh hay bình thường, câu chuyện quản trị vẫn quan trọng.

Bài liên quan

Phạm Linh