Sáng 12/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi cả nước đã gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân và đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, tích cực về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: VGP. |
"Với kết quả chống dịch vừa qua trên cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình, dù phải trải qua một thời gian rất khó khăn", Thủ tướng nói.
Ông cho biết theo các tiêu chí đánh giá trong hướng dẫn của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát, nhất là tại những tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam.
"Đây là một sự cố gắng của toàn dân, toàn quân, trong đó tôi đánh giá rất cao tinh thần của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân", Thủ tướng ghi nhận.
Chia sẻ dấu ấn của năm 2021, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh về những ảnh hưởng, khó khăn chưa từng có do Covid-19 gây ra. Ông nhận định đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động.
Song với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", cộng đồng doanh nhân rất phấn khởi, quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI. Ảnh: VGP. |
Nhìn nhận quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, Chủ tịch VCCI cho biết các doanh nghiệp mong mỏi cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.
Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình” , ông Công nói.
Cho rằng hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức, Chủ tịch VCCI khẳng định cộng đồng doanh nghiệp xác định “trong nguy có cơ”, lấy dịch Covid-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.
Bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG) cho rằng việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết. Bà đánh giá những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, mong muốn sớm mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất, có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.