Chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết dịch Covid-19 đang khiến chuỗi vận chuyển và cung ứng bị gián đoạn và đứt gãy.
Các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng bộ tại các địa phương cũng gây khó cho doanh nghiệp ngành logistics.
Đại diện VLA kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Công thương về việc ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông, đồng thời, không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung.
VLA cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương xem xét ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho các lao động trực tiếp làm dịch vụ logistics ở các cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, làm các thủ tục xếp dỡ hàng hóa để đảm bảo hoạt động logistics được liên tục trong chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng đặc biệt tại các cảng quốc tế.
Ngành logistics có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch. Ảnh: Chí Hùng |
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng ngành thủy sản đã xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản phải gác lại nhiều đơn hàng, hiện tượng mất đơn hàng đã xuất hiện do sản xuất “3 tại chỗ” không đáp ứng được yêu cầu.
VASEP đề xuất cần có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về việc thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp và của cơ quan y tế địa phương.
Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ" ở các địa phương.
Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị có hỗ trợ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp…
Bốn hiệp hội khác gồm Dệt may Việt Nam, Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Mỹ Nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM cũng kiến nghị tới Thủ tướng mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm miễn phí cho người lao động.
Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Ông cho rằng việc phân bổ nguồn vaccine hợp lý, ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm, phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế… sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.