Ngày 25/9, tại cuộc họp báo về đường chuyên dụng BOT phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp, tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) tổ chức, ông Bùi Thanh Trúc, Tổng giám đốc Donacoop, nói lực lượng chức năng cần thanh tra, đánh giá lại giá trị thi công, chất lượng, cách thức thu phí để đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Người dân căng băng rôn và đặt các chướng ngại vật chặn đường Đinh Quang Ân vào ngày 19/9. Ảnh: Ngọc An. |
Theo ông Trúc, đường chuyên dụng hiện nay có thể không đảm bảo cho lưu lượng xe ra vào các mỏ ngày càng tăng. Chủ đầu tư cần mở rộng đường lên 4 làn xe ôtô và bổ sung các biện pháp thoát nước, chống sạt lở mùa mưa bão.
Đại diện các mỏ đá cho rằng cách xây dựng đường chuyên dụng BOT và thu phí này sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho chủ đầu tư nhưng gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp khai thác đá.
Một chủ doanh nghiệp khai thác đá cho biết đoạn đường thông xe kỹ thuật dài chỉ hơn 5 km. Mặt đường hẹp, 2 làn xe tránh nhau khó khăn nên gây ùn ứ giao thông.
Xe tải chở đá lưu thông trên đường chuyên dụng. Ảnh: Ngọc An |
Ông Bùi Thanh Trúc phản ánh đường chuyên dụng chưa đầu tư xong nên các doanh nghiệp khai thác đá buộc phải cho xe tải chạy trên đường Đinh Quang Ân (xã Phước Tân) để ra đường Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, ngày 8/9, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm các phương tiện trên 2 tấn chạy vào đường này. Người dân sau đó căng băng rôn, đặt chướng ngại vật, cử người chốt chặn nên xe tải của các doanh nghiệp không thể lưu thông, gây thiệt hại về kinh tế.
Khu vực người dân chặn xe tải. Ảnh: Google Maps |
Về việc cấm xe tải trên 2 tấn vào đường Đinh Quang Ân, ông Từ Nam Thành, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai nói rằng đường này do TP Biên Hòa quản lý và đặt biển cấm.
“Chúng tôi ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Sở GTVT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai có phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Đường chuyên dụng BOT phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) được thông xe kỹ thuật vào ngày 15/9. Tuyến này có chiều dài thiết kế 7,5 km, nối các mỏ đá khu Tân Cang với quốc lộ 51 và do Công ty cổ phần đầu tư BOT An Thuận Phát làm chủ đầu tư.
Bất ngờ thay đổi hình thức đầu tư
Ông Bùi Thanh Trúc, Tổng giám đốc Donacoop, cho biết năm 2009, đường chuyên dụng cho các xe khai thác đá được quy hoạch và kinh phí dự kiến do các doanh nghiệp đóng góp. Từ khi có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các doanh nghiệp chờ đợi sự triển khai suốt nhiều năm liền.
Đến năm 2015, HTX An Phát do ông Đỗ Tịnh làm Chủ nhiệm (ông Tịnh là chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, thời điểm đó bà Thanh giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh) được cấp giấy chứng nhận đầu tư con đường với tổng vốn trên 130 tỷ đồng. Sự việc này các doanh nghiệp khai thác đá không được mời họp lấy ý kiến nên không hề biết.
Ông Trúc nói: “Trước đó đã thống nhất kinh phí xây dựng đường chuyên dùng do doanh nhiệp bỏ ra, vì sao tỉnh bất ngờ chuyển sang xây dựng theo hình thức phí BOT. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề vì sao có việc thay đổi đơn vị đầu tư mà không lấy ý kiến của các chủ mỏ đá”.