Liên hệ một khách hàng lâu năm để hỏi về đơn hàng dự kiến cho năm nay, bà Dương Minh Tuệ, Giám đốc tiếp thị và kinh doanh Công ty CP Gỗ Minh Dương, nhận thông tin trì hoãn đơn hàng.
Lý do là chi phí logistics đang tăng quá cao, vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng cuối.
Chỉ đặt hàng khi phí logistics giảm
Mọi năm khách hàng này thường đặt 5-6 triệu USD hàng nội thất vận chuyển thẳng về kho của một chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ, đồng thời thêm khoảng 500.000-600.000 USD hàng về kho riêng của doanh nghiệp để tự phân phối.
Tuy nhiên hiện nay, trong khi chuỗi siêu thị đối tác của họ có thể đặt hợp đồng vận chuyển với giá tốt nên vẫn có thể duy trì đơn hàng, thì lượng hàng lẻ về kho riêng phải tốn đến 25.000 USD cước cho một container đi từ cảng Cát Lái đến Bờ Đông nước Mỹ.
"Họ ước tính giá bán lẻ mỗi cái ghế tăng thêm 30 USD, người tiêu dùng cuối cùng không thể trả mức giá đó nên tạm thời họ không đặt hàng. Họ đang nhờ chúng tôi tìm kiếm đơn vị logistics khác, nếu chi phí thấp hơn họ sẽ đặt hàng", bà Minh Tuệ chia sẻ.
Trao đổi với báo chí tại họp báo ngày 29/3 của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cho biết chi phí logistics đã tăng cao từ năm ngoái đến nay do các yếu tố dịch bệnh và bất ổn chính trị thế giới. Thậm chí, chi phí logistics đang ngang ngửa 50-70% giá trị hàng hóa.
"Người mua đang cân nhắc lại về việc đặt hàng cũng như chậm vận chuyển những đơn hàng đã đặt. Họ muốn tranh thủ lúc giá container rẻ hơn mới chuyển hàng đi. Điều này khiến tồn kho tại doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến dòng tiền", ông Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA chia sẻ với báo chí hôm 29/3. Ảnh: HAWA. |
Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP Furnis - cho biết thông thường các nhà sản xuất đồ gỗ và nội thất tại Việt Nam bán hàng theo phương thức FOB, tức người mua chịu chi phí logistics. Tuy nhiên, các container thường chỉ trị giá 10.000-15.000 USD, trong khi giá cước đi EU đang ở mức 6.000-8.000 USD, đi Mỹ khoảng 10.000-12.000 USD.
"Cước logistics hiện cao hơn 30% so với mức đỉnh năm 2020. Tỷ trọng chi phí logistics trong chi phí nhập khẩu tăng cao khiến giá hàng hóa tăng lên, làm cho sức mua cũng giảm xuống. Các nhà nhập khẩu đang rất đắn đo khi quyết định đặt hàng", ông Sang nhấn mạnh.
Đứng trước bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải mở rộng thị trường và nguồn khách hàng để giải phóng tồn kho và duy trì hoạt động. "Mới cuối năm ngoái đây thôi, chúng tôi còn phải từ chối đơn hàng vì năng lực sản xuất không đáp ứng kịp, thì giờ lại phải tìm cách đẩy hàng đi và kiếm các khách hàng mới", bà Minh Tuệ nói.
Hiện Gỗ Minh Dương đang cùng các doanh nghiệp chế biến gỗ và nội thất khác chuẩn bị cho sự kiện Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022, với kỳ vọng không chỉ kết nối với các khách hàng trong và ngoài nước mới, mà còn với toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu từ khâu nguyên vật liệu đầu vào đến logistics.
Chịu phí cao hay chất lượng hàng đi xuống?
Khác với ngành gỗ và nội thất vốn có thể lưu kho, mặt hàng rau củ quả tươi lại đối diện với bài toán chấp nhận chi phí logistics tăng cao hay để hàng hóa hư hỏng.
Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tại Mỹ cùng ngày, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết trước khi xuất khẩu sang Mỹ, những quả vải thiều được doanh nghiệp thu mua phải di chuyển từ Bắc Giang vào TP.HCM để chiếu xạ.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tươi đến thị trường này chỉ có thể chiếu xạ hàng tại cơ sở Sơn Sơn (TP.HCM), trong khi chờ cơ sở thứ 2 được cấp phép là Toàn Phát (Long An) hoạt động.
Muốn hàng đi nhanh thì phải chịu chi phí cao, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS Vietnam & US
Như vậy, chưa kể quá trình vận chuyển quốc tế, riêng việc vận chuyển nội địa đã ngốn chi phí cao, bởi trái cây tươi buộc phải đi bằng máy bay, vì nếu đi bằng đường bộ thì kéo dài quá lâu, còn bằng đường biển thì công nghệ bảo quản chưa đáp ứng kịp.
"Chúng tôi đã tổ chức được các phương án nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên phương thức này dù sao sản lượng mỗi chuyến cũng ít, chi phí cao, do đó rất cần sự phối hợp của các hãng hàng không", bà Đỗ Linh Nhâm chia sẻ.
Bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS Vietnam & US với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực logistics cũng nhấn mạnh chi phí và thời gian vận chuyển luôn là bài toán đau đầu cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các mặt hàng tươi.
"Muốn hàng đi nhanh thì phải chịu chi phí cao, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt so với các thị trường khác gần Mỹ. Doanh nghiệp đứng trước lựa chọn chi phí logistics cao hay thời gian tiêu thụ hàng hóa ở thị trường đích bị hạn chế", bà Jolie Nguyễn cho biết.
Do đó, bà khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư vào vấn đề bảo quản để có thể chống chịu phần nào với những thách thức trong logistics. Bà cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng khu vực nhà cấp lạnh sơ bộ ngay từ khâu sơ chế, đồng thời chuẩn bị kho lạnh và vận tải lạnh với nhiệt độ tối ưu cho từng mặt hàng để duy trì chất lượng sản phẩm.