Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, những góp ý của doanh nghiệp làm bật 3 trọng tâm, trước hết là vấn đề thể chế. Hệ thống chính sách và quy định hiện hành với TP.HCM như chiếc áo đã chật, cần sớm tháo gỡ. Vấn đề thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội. Vấn đề thứ ba là có nguồn nhân lực tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, hành động quyết liệt đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Hội nghị có sự tham gia của 24 doanh nghiệp cùng thảo luận, đóng góp ý kiến. |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xác định mục tiêu phát triển đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như cả nước. Đến năm 2030, TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế và xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - đại diện lãnh đạo Sovico và HDBank - chia sẻ chứng kiến cách làm mới của thành phố khi huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham dự hội nghị, đóng góp ý kiến. Nữ tỷ phú cho biết dù có nhiều thách thức, nhưng với những nguồn lực và động lực, thành phố sẽ hiện thực hóa các kế hoạch.
Chủ tịch Sovico đóng góp 10 sáng kiến phát triển TP.HCM. |
Chủ tịch Sovico kiến nghị thành phố tiếp tục phát triển, nâng hạng thị trường chứng khoán, từ mức 5,8 triệu tỷ đồng - tương đương khoảng hơn 250 tỷ USD. “Cùng nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành phố có thể đưa mức này lên trên 100%, thậm chí 120% GDP quốc gia và sánh vai thị trường tiên tiến trên thế giới như New York, London, Singapore”, nữ tỷ phú nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Phương Thảo kiến nghị xây dựng TP.HCM là điểm đến du lịch quốc tế đa dạng về tài chính, ẩm thực, văn hóa. Vietjet sẵn sàng tăng lượt khách vận chuyển đến thành phố từ 12,67 triệu lượt năm 2019 lên 15 triệu lượt (với 3,5-4 triệu lượt khách quốc tế) thời gian tới.
Nữ tỷ phú cũng đề nghị thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích kinh tế tư nhân gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp công nghệ cao, công ty khởi nghiệp…
Về các đề xuất cụ thể, bà Thảo cho biết sẵn sàng hỗ trợ xây dựng kinh tế số, dịch vụ hành chính công qua nền tảng fintech với kinh nghiệm xây dựng, điều hành hệ thống công nghệ lớn hàng trăm triệu người dùng, tuân thủ chuẩn mực quốc tế về công nghệ thông tin. Dịch vụ tài chính ngân hàng trực tuyến cần ưu tiên cho người dân, tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Giải pháp thu ngân sách, thu thuế tự động, dịch vụ hành chính công, thanh toán trực tuyến - cấp độ 4 cần phổ biến đến mọi người dân, kể cả khu vực lao động phổ thông, thu nhập thấp và còn hạn chế về công nghệ.
Tại hội nghị, bà Thảo đề nghị thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích kinh tế tư nhân gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp công nghệ cao, công ty khởi nghiệp… |
Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham Vietnam), các doanh nghiệp quốc tế như MSC Việt Nam, Sojitz Nhật Bản, Công ty KCTC Việt Nam cũng đóng góp giải pháp ở nhiều lĩnh vực kinh tế, hướng đến đưa TP.HCM ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao của người dân đô thị. Hạ tầng cảng biển đặc biệt được nhiều doanh nghiệp quan tâm kiến nghị.
Với vị thế doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo và hướng đến tạo ra giá trị mới tốt đẹp cho hàng triệu khách hàng, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương, bà Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ: “Chúng tôi đã nghiên cứu và rất trân trọng, nhất trí, đánh giá cao các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, thành ủy, UBND TP.HCM. Qua đó, truyền thống đoàn kết, nghĩa tình được phát huy để thành phố đi đầu trong cải cách, đổi mới, xây dựng nơi đáng sống, trung tâm về kinh tế tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực”.
Từ vai trò đối tác của Liên Hợp Quốc, UNESCO, nữ tỷ phú cùng Tập đoàn Sovico đề xuất đồng hành cùng TP.HCM xây dựng nơi sáng tạo trên nền tảng văn hóa, lịch sử truyền thống, đạt các tiêu chí của UNESCO trong mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau hội nghị, thành phố sẽ lập các tổ công tác để tiếp tục làm việc với doanh nghiệp về nội dung cụ thể. Thành phố sẽ lắng nghe, đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình phát triển.
Diễn đàn thu hút sáng kiến, khuyến khích doanh nghiệp lớn hiến kế xây dựng thành phố được tổ chức hàng năm. Đây là cách làm được đánh giá mới. Góc nhìn thực tiễn và tâm huyết của các đại diện doanh nghiệp tiên phong ngày càng phát huy tinh thần chủ động cống hiến trên hành trình phát triển TP.HCM và cả nước, vì một Việt Nam hùng cường.
Bình luận