Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đăng bài viết trong đó dẫn lời nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng, một loạt công ty kinh doanh hàng tiêu dùng của Hàn Quốc đang gia tăng đầu tư và mở thêm nhiều chi nhánh tại Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động làm ăn của họ ở Trung Quốc đã chạm giới hạn.
Dịch chuyển trọng tâm sang Việt Nam
Yonhap nhận định, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có 60% ở độ tuổi dưới 30, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ.
Trung tâm thương mại Lotte tại Hà Nội. |
Một báo cáo gần đây của Cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại của Hàn Quốc cho hay, Chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Việt Nam, để bù đắp cho hoạt thương mại của Hàn Quốc đang trì trệ, đồng thời coi Việt Nam là một cơ hội tốt đối với các công ty Hàn Quốc.
Tập đoàn CJ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giải trí đến đồ ăn uống, đã có bước khởi đầu sớm và vào năm 1998 đã mở một văn phòng tại Việt Nam.
Năm 2012, Chủ tịch tập đoàn Lee Jay-hyun tuyên bố sẽ xây dựng “CJ thứ ba” tại Việt Nam sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện CJ đang tham gia bảy lĩnh vực kinh doanh và giữ vị trí hàng đầu trong ba lĩnh vực là làm bánh, mua sắm tại nhà và rạp chiếu phim.
Vào tháng 2/2016 vừa qua, CJ đã thâu tóm một nhãn hiệu kim chi nổi tiếng ở Việt Nam là Ông Kim’s. Một tháng sau đó, họ lại mua 4,08% cổ phần của tập đoàn chế biến thịt Vissan của Việt Nam và đang có kế hoạch mua thêm nữa.
Hiện CJ sản xuất khoảng 700.000 tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm. Theo nhiều quan chức của CJ, tập đoàn này đã bắt đầu để mắt tới ngành chăn nuôi của Việt Nam. Năm ngoái, CJ hợp tác với công ty Sumitomo của Nhật bản để bước chân vào thị trường Việt Nam.
CJ tiết lộ sẽ tiếp tục đầu tư tích cực vào nhiều ngành tại Việt Nam và mở rộng quy mô đầu tư để nâng cao vị thế trên thị trường Việt.
Bước chân của các “ông lớn”
Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, thăm nhà máy sản xuất giày của công ty Taekwang (Hàn Quốc) vào ngày 9/2/2016. |
Ngoài CJ, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc là Lotte và Shinsegae cũng đang củng cố chỗ đứng của họ tại Việt Nam. Tuần trước, Lotte Mart mở chi nhánh thứ 12 của mình tại quận Gò Vấp, TP HCM.
Sau khi tiến vào thị trường Việt Nam năm 2008, Lotte đã có mức doanh số bán hàng lên tới 217 tỷ won (tương đương 190 triệu USD) vào năm ngoái.
Ngoài việc mua lại thương xá Diamond Plaza, tập đoàn này tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên thị trường Việt Nam với việc mở Lotte Center Hanoi, trong đó có Lotte Mart, Lotte Department Store và Lotte Hotel.
Bên cạnh đó, Lotte cũng đang xây dựng một thành phố sinh thái thông minh bao gồm một khu mua sắm cùng với các khu nhà ở và văn phòng tại TP HCM.
Tập đoàn Shinsegae cũng đang tiến vào Việt Nam với chuỗi bán lẻ giá rẻ E-Mart. Chi nhánh đầu tiên của Shinsegae đã được mở vào cuối năm ngoái tại quận Gò Vấp. Việt Nam là chuỗi bán hàng thứ 2 của Shinsegae tại thị trường nước ngoài, sau Trung Quốc. Các quan chức của E-Mart cho biết họ có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang Việt Nam trong thời gian tới.