Hai tuần qua, ngoại trừ ổ dịch tại huyện Đông Anh tiếp tục có ca dương tính mới, 29 quận, huyện và thị xã còn lại của Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Các ca mắc mới chủ yếu trong khu cách ly (gồm các F1 và người nhập cảnh). Ngày 10/6, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP đang cân nhắc nới lỏng một số hoạt động thiết yếu.
Nhiều doanh nghiệp du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống cho biết đã chịu thiệt hại lớn vì tác động của dịch Covid-19. Họ đều nóng lòng được mở cửa trở lại để kinh doanh, phục hồi, đưa cuộc sống TP trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết các doanh nghiệp vận tải đang cố gắng cầm cự bằng cách thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Theo ông, hậu quả đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với doanh nghiệp vận tải hành khách, du lịch thê thảm hơn rất nhiều các lĩnh vực khác.
Nhiều doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi, lái xe nhiều người phải nghỉ việc không lương. Ảnh: Phạm Trường. |
Vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống đều đuối sức
"Doanh nghiệp vận tải theo hợp đồng, du lịch gần như đóng băng, thậm chí nhiều đơn vị phải dừng hoạt động vì thu không đủ chi", chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam mô tả. "Được trở lại hoạt động là điều các doanh nghiệp vận tải mong chờ nhất lúc này", ông Quyền chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc vùng 1, Tập đoàn Mai Linh, nói với Zing rằng hiện các doanh nghiệp taxi chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Đơn cử như Công ty Mai Linh, doanh thu giảm 60%. Kể từ đầu tháng 5, nhân viên công ty chỉ được hơn 1,7 triệu đồng cho 15 ngày lao động.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - cũng cho biết việc Hà Nội giãn cách xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ông đánh giá việc Hà Nội nới lỏng một số dịch vụ là một phương án rất cấp thiết trong thời điểm này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi Hà Nội đã kiểm soát dịch rất tốt so với các địa phương khác.
Phương án cần thiết lúc này là để các doanh nghiệp tái hoạt động, tự kinh doanh phục hồi sản xuất.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Mặt khác, các cơ chế chính sách hỗ trợ từ chính phủ chưa đạt hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp. "Do đó, phương án cần lúc này là để các doanh nghiệp tự kinh doanh, mua bán phục hồi sản xuất, đảm bảo vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất", ông nhấn mạnh.
Với ngành du lịch, dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa đã bị ngưng trệ.
"Các doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội mong chờ từng ngày được phép hoạt động trở lại", bà Nguyễn Phương Thùy - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) - nói với Zing.
Bà Thùy cho biết đợt dịch Covid-19 bùng phát, khách của công ty này hủy toàn bộ tour, số lượng hủy lên đến 158 khách dịp 30/4 và gần 700 khách trong dịp hè (tháng 5 và 6). Tương tự, lúc này rất nhiều doanh nghiệp du lịch khác đang gặp khó vì dòng tiền.
Bà cho rằng khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chính quyền TP nên triển khai biện pháp nơi nguy cơ cao có thể áp dụng Chỉ thị 16, 16+, nơi kiểm soát tốt tình hình nên nới lỏng biện pháp chống dịch.
Cam kết đảm bảo phòng chống dịch
Doanh thu gần như không có trong khi vẫn phải chi phí trả tiền thuê nhân viên, mặt bằng và tiền trả lãi suất ngân hàng là khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội là được mở cửa trở lại và vẫn đảm bảo phòng dịch nghiêm ngặt.
Bà Kim Hoàn - đại diện chuỗi khách sạn A25 - cho hay 8 khách sạn của doanh nghiệp này ở Hà Nội đã phải đóng cửa, 90% nhân viên nghỉ việc. "Khi mở cửa trở lại lượng khách sẽ giảm mạnh, nhưng điều đó còn may mắn hơn là phải tiếp tục đóng cửa, trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải trả", bà nói.
"Nếu được mở cửa, các khách sạn của A25 sẽ cam kết đảm bảo, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch như giữ khoảng cách, thông điệp 5K của Bộ Y tế…", bà khẳng định.
Tương tự, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê tại Hà Nội cũng mong muốn được sớm hoạt động trở lại. Đại diện chuỗi thương hiệu Laika Cafe ở Hà Nội cho biết doanh nghiệp cũng đang mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại.
Phố Tây Tạ Hiện đìu hiu, các quán nhậu vỉa hè đóng cửa. Ảnh: Đức Anh. |
"Từ cuối tháng 5 đến nay chúng tôi đã phải đóng cửa 11 cửa hàng trên toàn hệ thống và tạm cho nhân viên nghỉ việc. Khi chính quyền TP Hà Nội cho phép mở cửa, chúng tôi cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định phòng dịch theo chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Bộ Y tế”, đại diện thương hiệu này chia sẻ.
Liên quan đến lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội - cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát.
Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, có thể TP sẽ ưu tiên các hoạt động kinh doanh ăn uống trước, rồi hoạt động thể dục thể thao, từng bước nới lỏng loại hình kinh doanh, dịch vụ như karaoke, quán bar, massage...