Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp đòi trả lại trạm T2 sau một tháng bị dừng thu phí

Doanh nghiệp sở hữu trạm thu phí T2 "kêu" sụt giảm nguồn thu sau hơn một tháng dừng thu phí và đề nghị trả lại dự án cho Nhà nước.

Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ hỗ trợ việc thu phí hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 91. 

Trong văn bản ký ngày 24/6, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án để nhà đầu tư trả nợ ngân hàng.

880 tỷ đồng để bỏ trạm T2

"Trong trường hợp không có phương án nhận lại dự án thì nhà đầu tư đề nghị Chính phủ hỗ trợ phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỷ đồng) và chi phí xây dựng quốc lộ 91B (khoảng 480 tỷ đồng). Dự án chỉ thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng quốc lộ 91", doanh nghiệp nêu trong văn bản.

Nói về nguyên nhân đưa ra đề nghị này, nhà đầu tư cho biết cách đây hơn một tháng, Bộ GTVT đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động thu phí tại trạm thu phí T2 do các tài xế tụ tập phản đối suốt nhiều ngày.

tra lai tram thu phi T2 anh 1
Vị trí đặt trạm T2 khiến người dân từ An Giang đi TP.HCM hoặc Kiên Giang, dù chỉ sử dụng 300 m đường quốc lộ 91 nhưng vẫn phải trả phí cho toàn tuyến. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Theo nhà đầu tư, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng trong hơn một tháng qua. Nếu không có phương án xử lý sớm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng. Nhà đầu tư có nguy cơ chuyển nhóm nợ xấu.

Dự án được Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị đầu tư hơn 1.651 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 277,5 tỷ đồng. Tiền vay thêm chiếm 83% tổng giá trị đầu tư. Tính đến cuối tháng 5, dư nợ còn lại là 1.204 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm, doanh thu thu phí chỉ đủ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và bảo trì dự án. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhà đầu tư vẫn chưa được nhận, hơn nữa phải chịu thuế VAT trên giá vé sử dụng đường bộ.

Thống kê chênh lệch thu chi tài chính của dự án BOT quốc lộ 91 sau 3 năm khai thác cho thấy chủ đầu tư bị âm hơn 99 tỷ đồng.

Trạm nào cũng đòi trả thì khó cho Nhà nước

Trao đổi với Zing.vn chiều 2/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết ông vẫn chưa nhận được văn bản trên của doanh nghiệp (văn bản có đề nơi nhận gồm cả Bộ GTVT). Tuy nhiên, ông cho rằng việc giải quyết nằm trong tổng thể các dự án BOT chứ không chỉ riêng một trạm. Không phải doanh nghiệp cứ đề xuất trả trạm là Nhà nước phải theo.

tra lai tram thu phi T2 anh 2
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Ảnh: Ngọc Tân.

"Nếu trạm nào cũng đòi trả thì khó cho Nhà nước, thậm chí dẫn đến mất cơ chế BOT. Những rủi ro phát sinh thì nhà đầu tư cũng phải chịu chung chứ đâu phải cứ nói trả trạm, nói vậy thì ai cũng muốn làm BOT", Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 cho biết hợp đồng BOT doanh nghiệp ký với Chính phủ không phải "lời ăn lỗ chịu" mà chủ đầu tư được định mức lãi 12% một năm.

Dù đề nghị của doanh nghiệp gây khó khăn cho Nhà nước, các chuyên gia cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ GTVT. Bộ là cơ quan có chức năng phê duyệt, thẩm định vị trí đặt trạm để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư và không gây bức xúc cho người dân.

Ngày 25/5, Bộ GTVT chỉ đạo tạm dừng hoạt động thu phí tại trạm thu phí T2 sau khi bị người dân phản đối gay gắt. Cơ quan chức năng sẽ kiểm đếm lưu lượng xe để điều chỉnh chính sách miễn giảm phí cho các đối tượng khác nhau.

Trạm T2 vốn đặt ra để thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B từ An Giang đi TP Cần Thơ. Điểm vô lý là phương tiện không đi TP Cần Thơ, chỉ sử dụng vài trăm mét đường để đi Kiên Giang hoặc TP.HCM nhưng vẫn phải nộp phí cho toàn tuyến.

Nói về bức xúc của người dân, nhà đầu tư thừa nhận việc thu phí "hở" không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho người sử dụng.

Vì sao Bộ GTVT chấp thuận đặt trạm T2 tại vị trí gây bức xúc?

Bộ GTVT chủ trương xây tuyến đường tránh TP Long Xuyên để người dân lên cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều vấn đề về tiến độ.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm