Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp cần tham gia cuộc chiến chống hàng giả, nhái

Theo thống kê từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan, năm 2016, cơ quan Hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp, bắt và xử lý 20 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng nhái.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã đưa ra những thông tin chi tiết xung quanh câu chuyện chống hàng giả, hàng nhái này.

- Từ thực tiễn ngăn chặn, xử lý hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) từ phía cơ quan hải quan, ông đánh giá thế nào về tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT hiện nay?

- Chúng tôi chủ yếu quản lý giám sát các hàng hóa xuất nhập khẩu ở cửa khẩu. Năm 2016, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 20 vụ vi phạm SHTT và hàng giả. Hàng hóa vi phạm bị lực lượng hải quan thu giữ phần lớn là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, phụ kiện đèn LED, sản phẩm y tế...

Hành vi buôn lậu, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp, các đối tượng manh động. Hàng lậu, hàng giả đi qua rất nhiều lối mòn, cất giấu qua các khe, hầm, các thùng kín... Thậm chí, các đối tượng vi phạm còn tinh vi hơn, họ dùng hai loại tem, khi đi qua cửa khẩu dùng một loại tem, vào đến đất liền thì dùng một loại tem khác để làm giả thương hiệu, làm giả hàng hóa.

Cong ty Co phan Truyen thong ALO anh 1
Ông Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

- Cùng với những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp như vừa chia sẻ, trong quá trình làm việc, lực lượng chống buôn lậu hải quan còn gặp phải khó khăn gì?

- Một trong những khó khăn chúng tôi gặp phải chính là vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa, thời gian rất dài, kinh phí rất lớn.

Theo quy định, trường hợp xác định được hàng giả, hàng vi phạm SHTT thì người vi phạm sẽ phải chi trả tiền kiểm định. Tuy nhiên, rất nhiều hàng hóa bắt được không có chủ. Trong trường hợp này, các chủ sở hữu quyền có hàng hóa bị làm giả sẽ hỗ trợ cho việc giám định. Nếu không, các đơn vị thực thi phải lấy ngân sách Nhà nước ra để thực hiện. Thực tế, chúng tôi đã gặp không ít vụ việc không xác định được chủ sở hữu cũng không có sự hỗ trợ kinh phí từ phía chủ sở hữu quyền bị xâm phạm.

- Vậy vai trò của doanh nghiệp chân chính trong việc chung tay chống hàng giả, hàng nhái này là gì?

- Các lực lượng chức năng rất cần sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ sở hữu quyền. Thực tế, nhiều sản phẩm hàng hóa sử dụng kỹ thuật hiện đại, nhất là các sản phẩm nổi tiếng thế giới, nếu không có chính doanh nghiệp thẩm định thì rất khó phân biệt.

Vì vậy, khi các đơn vị thực thi bắt được hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp chủ sở hữu quyền đó phải giúp cơ quan chức năng thẩm định. Hoặc trường hợp phát hiện ra hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thực thi. Điều này sẽ hỗ trợ cho các đơn vị thực thi rất nhiều.

Cong ty Co phan Truyen thong ALO anh 2
Ông Nguyễn Văn Thủy trả lời phỏng vấn.

- Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT, theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu?

- Trước hết cần hoàn thiện cơ chế chính sách để lực lượng thực thi có căn cứ để thực hiện. Ví dụ, Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hoá có quy định, hàng hóa nước ngoài nếu đưa vào Việt Nam chưa đầy đủ những thông tin trên nhãn thì được bổ sung bằng nhãn phụ khi đưa ra lưu thông. Nhãn phụ không được trái với nhãn chính.

Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng nhãn chính không có thì làm sao bổ sung bằng nhãn phụ được. Trong trường hợp này, chúng tôi phải cho đi qua và không xử phạt, rất khó cho cơ quan hải quan. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị và chắc chắn đợt tới phải sửa.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng. Giữa hải quan với các cơ quan quản lý thị trường, công an, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, y tế, nông nghiệp... đã có sự phối hợp chặt chẽ. Việc hỗ trợ nhau trong công tác đấu tranh bắt giữ, chia sẻ thông tin là điều rất quan trọng. Không lực lượng đơn lẻ nào có thể làm tốt được nếu không có sự phối hợp và chia sẻ thông tin. Có những trường hợp đi qua cửa khẩu rồi mới xảy ra trong nội địa, nếu nội địa bắt được và chia sẻ thông tin thì chúng tôi sẽ bắt được tại cửa khẩu.

Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân hiểu về vấn đề này. Nếu người dân vẫn sử dụng hàng giả, hàng nhái, vẫn thờ ơ thì cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT vẫn còn là khó khăn, thách thức.

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 9h thứ bảy, phát lại vào 14h chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2.

Chương trình được cập nhật tại website: kinhdoanhvaphapluat.com

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm