Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn là nước xuất khẩu lượng nông sản lớn hàng đầu trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam thực tế vẫn còn manh mún, ứng dụng khoa học công nghệ chậm, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.
Trước thực trạng đó, ý tưởng về nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững buộc hộ nông và doanh nghiệp phải cùng chung tay.
Từ những hoài nghi ban đầu
Tiến sĩ Christine Daugherty - Phó chủ tịch chương trình Nông học bền vững toàn cầu của PepsiCo cho biết, khó khăn lớn nhất của việc triển khai mô hình nông nghiệp mới cho nông dân chính là sự tin tưởng của nhà nông.
Người nông dân thường có xu hướng tin vào những kinh nghiệm thực tiễn và sự từng trải. Việc áp dụng mô hình tiên tiến mang ý nghĩa tích cực nhưng vẫn là buộc họ phải thay đổi, bỏ đi những kinh nghiệm trong suốt thời gian dài, nên sự hoài nghi là không thể tránh khỏi.
Tiến sĩ Christine Daugherty - Phó chủ tịch chương trình Nông học bền vững toàn cầu của PepsiCo chia sẻ những khó khăn khi triển khai mô hình sản xuất mới cho nông dân. |
“PepsiCo tin rằng không gì có thể thuyết phục người nông dân, ngoại trừ cái tâm của doanh nghiệp trong việc cải thiện đời sống nông hộ và những kết quả cụ thể từ mô hình mới. Do đó, trong suốt những năm đầu triển khai mô hình, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn lực và tài chính, tạo ra các trang trại kiểu mẫu (demo farm), cũng như chương trình công tác xã hội tại địa phương… Tất cả hoạt động ấy nhằm tìm kiếm sự đồng hành và niềm tin từ những đối tác đặc biệt này”, tiến sĩ Christine Daugherty chia sẻ thêm.
Đến niềm tin vào khoa học
Thành quả sau những nỗ lực xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững của PepsiCo, là đời sống người nông dân ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã có nhiều khởi sắc, điển hình như câu chuyện của anh Phan Văn Trị.
Trước khi tiếp nhận và triển khai mô hình nông nghiệp bền vững, gia đình anh quanh năm sống dựa vào nương rẫy, trồng rau củ quả các loại. Từ khi tham gia dự án, được đội ngũ kỹ sư nông học của PepsiCo hướng dẫn kỹ thuật canh tác, gia đình anh đã cải thiện được năng suất, thu được giá trị kinh tế cao hơn.
Anh Trị tự hào khoe thành quả của mình khi áp dụng mô hình nông nghiệp bền vững. |
“Hưởng lợi từ việc phát triển kinh doanh, gia đình tôi đã sắm sửa đầy đủ tiện nghi, con cái học hành nên người. Con gái lớn của tôi có bằng tiến sĩ kinh tế nông nghiệp, còn con trai đang học ngành hàng không bên Đức”, anh Trị hạnh phúc chia sẻ.
Gia đình anh Trị là một trong 600 hộ nông dân của tỉnh Lâm Đồng và Đak Lak có cuộc sống ngày càng cải thiện và tốt hơn nhờ trồng khoai tây theo dự án.
Cụ thể, hai giống khoai tây FL2215, FL2027 được áp dụng tại Lâm Đồng giúp tăng 50-100% năng suất so với giống truyền thống. FL2215 và FL2027 còn có khả năng kháng sâu bệnh tốt, hạn chế tối đa lượng thuốc phun, giúp bảo vệ tính lành cho đất. Sau mỗi vụ thu hoạch, những dưỡng chất dư thừa từ cây khoai tây đọng lại trong đất giúp bà con luân canh cây lúa đạt sản lượng cao.
Chưa nói đến câu chuyện của nhiều năm sau, chỉ tính riêng hơn 10 năm thực hiện, định hướng về nông nghiệp của PepsiCo đã cho thấy những quả ngọt nhất định.
Từ xuất phát điểm là nhu cầu về chuỗi cung ứng nguyên liệu khoai tây để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chủ lực là khoai tây Poca, PepsiCo Foods Việt Nam đã tìm đến người nông dân Việt. Sau 10 năm gắn bó, một mô hình kinh doanh bền vững đã hình thành và phát huy hiệu quả.
Thông qua mô hình phát triển vùng nguyên liệu bền vững, PepsiCo đã nội địa hóa hơn 70% nguyên liệu khoai tây, không còn phải nhập ngoại hoàn toàn như thời kỳ đầu kinh doanh mảng thực phẩm.
Ông Nguyễn Đức Huy - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam chia sẻ về ý nghĩa của dự án. |
Đại diện PepsiCo cho biết doanh nghiệp rất tự hào vì dự án đã cải thiện đời sống của những người nông dân và gia đình họ. Thành công này cũng góp phần tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp tiếp tục xây dựng nhiều mô hình phát triển nông nghiệp bền vững cho Việt Nam trong tương lai.