Theo Financial Times, trong nhiều năm qua Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng của các ngành công nghiệp Ấn Độ. Xuất khẩu Trung Quốc sang Ấn Độ tăng từ 3% tổng nhập khẩu của quốc gia Nam Á hồi năm 2000 lên 14% trong năm nay, theo thống kê của Motilal Oswal.
Ngành dược phẩm Ấn Độ mua 70% nhiên liệu từ Trung Quốc, trong khi thị trường điện thoại di động hoàn toàn nằm trong tay các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Xiaomi. Khoảng 25% phụ tùng xe hơi nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau vụ đụng độ tại biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc bùng lên và lan rộng tại Ấn Độ. Chính quyền nước này cũng công bố hàng loạt biện pháp cắt giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc. New Delhi chặn hàng Trung Quốc ở cửa khẩu, cấm 59 ứng dụng Trung Quốc và đang xem xét tăng thuế lên hàng Trung Quốc.
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc lan rộng tại Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ - đại diện của 70 triệu thương nhân - kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc từ giữa tháng 6. Việc thông quan smartphone và dược phẩm Trung Quốc bị hoãn lại ở các cửa khẩu từ tháng 6.
Ngành công nghiệp Ấn Độ cũng quyết liệt hành động. Mới đây, JSW Group, một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ, tuần trước tuyên bố sẽ cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 400 triệu USD năm ngoái xuống 0 USD trong hai năm tới.
Chủ tịch JSW Sajjan Jindal cho biết sẽ hợp tác với các nhà sản xuất địa phương và chấp nhận chuyện chi phí kinh doanh tăng. "Chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong vài tháng tới khi chuyển đổi. Nhưng về lâu dài, tôi tin chắc chúng tôi sẽ kinh doanh thuận lợi hơn, bởi đảm bảo được nguồn cung chất lượng cao ngay trong nước", Chủ tịch Jindal nhấn mạnh.
Ông A Sakthivel, Chủ tịch Hội đồng Quảng bá Xuất khẩu Hàng may mặc Ấn Độ, cho biết các doanh nghiệp thành viên đặt mục tiêu tìm kiếm nguồn cung thay thế Trung Quốc trong vòng 6 tháng tới. "Chúng tôi hi vọng cuộc khủng hoảng này là cơ hội của Ấn Độ", ông lạc quan.
Ông Pawan Munjal, Chủ tịch Hero MotoCorp, tuần trước tiết lộ đã tìm được nhà cung cấp trong nước thay cho đối tác Trung Quốc. Dù vậy, giới phân tích nhận định Ấn Độ sẽ phải chấp nhận một số tổn thương kinh tế khi quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi này.
Ông Harsh Goenka, Chủ tịch RPG, giải thích: "Quan điểm của chúng tôi là thực tế và tìm giải pháp thay thế bởi điều đó có lợi về mặt kinh doanh. Đây không phải là chuyện tinh thần dân tộc cực đoan".
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp dịch vụ Ấn Độ cũng đang quyết liệt tẩy chay Trung Quốc. Theo Nikkei Asian Review, mới đây Hiệp hội Chủ Khách sạn và Nhà hàng Ấn Độ tuyên bố đã ra lệnh cấm 3.000 doanh nghiệp thành viên tiếp nhận khách Trung Quốc.
Hiệp hội này có trong tay khoảng 75.000 phòng khách sạn giá rẻ ở thủ đô Ấn Độ. Đại diện hiệp hội cũng cho biết đã yêu cầu doanh nghiệp thành viên không sử dụng đồ nội thất và nhà bếp nhập khẩu từ Trung Quốc.