Khác với SEA Games, ASIAD luôn bị đánh giá là đấu trường quá tầm với thể thao Việt Nam. Thực tế các kỳ ASIAD gần đây cho thấy các vận động viên Việt Nam tham dự ASIAD gặp nhiều khó khăn trong việc tranh chấp huy chương vàng.
ASIAD 2014 không thành công
Bằng chứng là đoàn thể thao Việt Nam kể từ ASIAD 2002 tại Busan vẫn chưa thể vượt qua mốc thành tích 4 tấm huy chương vàng giành được ở một kỳ Đại hội. Từ đó tới nay, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam dần đi xuống với 3 huy chương vàng ở Doha 2006, 1 huy chương vàng ở Quảng Châu 2010 và cũng chỉ có duy nhất 1 tấm huy chương vàng tại Incheon 2014.
Nếu nhìn vào số huy chương bạc của thể thao Việt Nam, có thể cảm nhận sự tiếc nuối của các vận động viên khi họ đã suýt chút nữa chạm đền "vàng". Tại Icheon 4 năm trước, chúng ta có tới 10 huy chương bạc. Con số này tại Quảng Châu 2010 là 17.
Nếu tính tổng số huy chương tại Đại hội năm 2014, chúng ta có tổng cộng 36 tấm, ngang bằng với CHDCND Triều Tiên (xếp thứ 7 toàn chung cuộc). Tuy vậy, CHDCND Triều Tiên có tới 11 tấm huy chương vàng, trong khi con số này của Việt Nam chỉ là 1 tấm thuộc về Dương Thúy Vi. So với Thái Lan, số huy chương vàng của họ năm ấy là 17, tức nhiều hơn cả tổng số huy chương vàng mà thể thao Việt Nam giành được trong lịch sử tham dự ASIAD (11).
Nhìn chung, ASIAD 2014 tại Incheon không phải là một kỳ Đại hội thành công với thể thao Việt Nam, và năm 2010 tại Quảng Châu cũng vậy. Đây vừa là nỗi buồn, cũng vừa là động lực để những người làm thể thao, những vận động viên, huấn luyện viên nỗ lực và quyết tâm hơn nữa cho ASIAD 2018 này.
Sẽ khác trên đất Indonesia
Tại ASIAD 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch chỉ đặt chỉ tiêu 3 huy chương vàng toàn đoàn, tức là gấp 3 lần so với 2 đại hội gần nhất.
Tuy nhiên, ASIAD lần này có thể chứng kiến sự khởi sắc ở một số môn thể thao, trong đó có cả những môn thể thao Olympic. điền kinh, bơi lội hay đua xe đạp.
Ở môn điền kinh, vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đang lãnh trách nhiệm mang vàng về cho thể thao Việt Nam. Còn nhớ tại ASIAD 2014, Thu Thảo đã suýt nữa vắng mặt và chỉ được tham dự vào giờ chót, nhưng đã bất ngờ mang về tấm huy chương bạc cho thể thao Việt Nam. Sau 4 năm, cô gái có biệt danh "Thảo bò vàng" đã tiến bộ rất nhiều.
Mới đây cô đã giành tấm huy chương vàng ở giải vô địch nhảy xa châu Á, trước đó còn là tấm huy chương vàng SEA Games. Đặc biệt, thành tích tốt nhất của Thu Thảo là 6,68 m, thậm chí còn bỏ xa thành tích đoạt huy chương vàng tại ASIAD 2014 tới 13 cm.
Ở bơi lội, chúng ta có thể đặt niềm tin vào Nguyễn Thị Ánh Viên - người đã phá 3 kỷ lục SEA Games và giành tới 8 huy chương vàng tại Malaysia năm ngoái. Tại ASIAD 2014, Ánh Viên cũng lần đầu tiên mang về huy chương cho thể thao Việt Nam tại ASIAD dù chỉ là màu đồng. Sau 4 năm miệt mài tập huấn tại Mỹ, người hâm mộ kỳ vọng "tiểu tiên cá" sẽ đổi màu huy chương tại ASIAD tới đây.
Không chỉ vậy, niềm tin còn nằm ở Nguyễn Thị Thật của đua xe đạp - người từng giành huy chương bạc ASIAD 2014, ở các môn võ có Nguyễn Duy Tuyến của pencak silat, điền kinh vẫn còn đó Lê Tú Chinh, Quách Thị Lan, wushu có Dương Thúy Vi, bắn súng vẫn còn đó xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người đầu tiên và duy nhất tới nay mang "vàng" về cho Việt Nam tại Olympic.
Và đừng quên đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam. Sau kỳ tích Thường Châu hồi đầu năm, đội bóng của HLV Park Hang-seo vẫn giữ được những cái tên chủ chốt và còn được bổ sung thêm 3 cái tên chất lượng, giàu kinh nghiệm. Olympic Việt Nam đang đứng trước cơ hội tạo thêm những bất ngờ tại đấu trường châu lục.
Sẵn sàng giải đáp những câu hỏi
Đứng trước kỳ ASIAD với nhiều cơ hội và thách thức, không chỉ các huấn luyện viên, vận động viên mà cả người hâm mộ cũng rất hồi hộp, lo lắng. Nhằm giải đáp những thắc mắc của độc giả, người hâm mộ trước thềm ASIAD, ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 cùng vận động viên đấu kiếm Vũ Thành An sẽ có mặt tại Zing.vn để trả lời trực tuyến những câu hỏi mà độc giả gửi về.
Tại buổi trả lời phỏng vấn trực tuyến, ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 sẽ giải đáp những thắc mắc của độc giả xoay quanh quá trình chuẩn bị của các vận động viên, về những khó khăn, thuận lợi của thể thao Việt Nam trước thềm ASIAD và cả những thông tin thú vị với góc nhìn của một người trong cuộc.
Kiếm thủ Vũ Thành An từng giành nhiều thành tích xuất sắc ở sân chơi khu vực và châu lục. |
- 2018-08-13 10:00+0700
- Hà Nội
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Tôi nghe nói An từng có ý định bỏ đấu kiếm, tại sao anh lại có suy nghĩ vậy?
Sau khi tập luyện được 3 năm, lúc ấy mình rất nỗ lực nhưng thành quả chưa mong muốn. Mình quyết định nghỉ để theo con đường khác. Sau đó mình nhận ra đam mê quá lớn và mình muốn quay lại. Mình nhận ra đam mê giúp mình có quyết tâm lớn hơn rất nhiều
-
Nhìn An đẹp trai, nam tính lại có thể hình chuẩn men, chắc phải có nhiều cô thầm yêu trộm nhớ lắm nhỉ?
Mình cũng không biết chính xác là có người nhớ mình hay không. Mình cứ cố gắng sống chan hòa với mọi người. Như vậy, mọi người sẽ thích mình vì tình cảm chứ không phải đẹp trai hay do bề ngoài.
-
Gần như chắc chắn VTV sẽ không mua được bản quyền ASIAD 18, đồng nghĩa với việc khán giả ở Việt Nam sẽ không được xem trực tiếp trên truyền hình. Đặc biệt là với tuyển Olympic Việt Nam, khi sức hút đến từ người hâm mộ quá lớn. Dưới góc độ là một Trưởng đoàn, ông nghĩ sao về điều này?
Có thể nói đây là một điều đáng tiếc và bất khả kháng đối với đoàn thể thao Việt Nam. Về phía đoàn sẽ cố gắng tìm mọi giải pháp liên quan đến công tác truyền thông, khán giả rất mong mỏi được xem những hình ảnh của những VĐV trọng điểm xuất sắc, đặc biệt là đội tuyển Olympic Việt Nam. Đối với VTV, khi đội tuyển Olympic Việt Nam càng sâu vào vòng trong, truyền hình sẽ cần có giải pháp để khán giả cả nước được xem VĐV thi đấu. Đây thực sự là thiệt thòi đối với đoàn khi VĐV phải thi đấu xa nhà, việc đưa thông tin, hình ảnh truyền tải rất khó khăn, đoàn sẽ tìm mọi cách khắc phục.
-
Thưa Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, khi ASIAD 18 đã rất cận kề ngày khai màn, ông có thể nói tình hình chuẩn bị của các VĐV như thế nào? Liệu có đúng với kế hoạch đề ra ban đầu của ban lãnh đạo hay không?
Cho đến giai đoạn hiện nay, công tác chuẩn bị chuyên môn của đoàn, trong đó của những VĐV xuất sắc, đã hoàn toàn theo đúng kế hoạch đề ra, trong đó có những VĐV đang tập huấn ở nước ngoài đều sang Indonesia theo đúng kế hoạch. Đoàn đã có kế hoạch chuẩn bị, công tác tổ chức và dự phòng khá chi tiết. 2 địa điểm thi đấu tại Indonesia tương đối xa, trong khi vấn đề giao thông ở Indonesia cũng gặp nhiều trở ngại nên đoàn Việt Nam đã chuẩn bị các phương án để đáp ứng được nhu cầu di chuyển của các VĐV. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng của các VĐV cũng được chú trọng. Thức ăn ở Indonesia còn khá xa lạ với các VĐV Việt Nam nên đã được đoàn thể thao chuẩn bị kỹ lưỡng.
-
Ngoài đấu kiếm ra anh còn chơi môn thể thao nào nữa không
Ngoài đấu kiếm, mình có chơi thêm Akido. Nó là hiệp khí đạo. Bởi vì nó giúp ích rất nhiều cho đấu kiếm và cho cuộc sống. Khi mình tập môn này, mình cảm giác rất hợp. Trong đấu kiếm, tinh thần rất quan trọng. Nếu hồi hộp, vội vàng, nóng giận thì rất bất lợi. Tập Akido giúp cái "Tâm" mình thoải mái hơn rất nhiều. Trong kiếm đạo, người ta bảo "Tâm" phải tĩnh như dòng nước.
-
Ở kỳ ASIAD 18, Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu đoạt ít nhất 3 tấm HCV. Chỉ tiêu lần này không khác gì kỳ ASIAD 14 tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc), nhưng chúng ta chỉ giành được 1 tấm HCV đến từ VĐV Dương Thúy Vi (Wushu). Ông có nghĩ đây là chỉ tiêu khả thi cho đoàn thể thao nước ta? Và liệu sẽ có một thất bại nữa hay không?
Mỗi kỳ ASIAD, thể thao Việt Nam đều đặt chỉ tiêu rõ ràng. Trong những kỳ ASIAD vừa qua, chúng ta đạt 2 HCV tại ASIAD 2010 và 2014, chỉ tiêu cần phải cao hơn khả năng có thể đạt được. ASIAD là đấu trường cấp châu lục, các môn thể thao Olympic trở nên khó khăn. Chúng ta gặp nhiều hạn chế khi không thể có được với các tầm vóc, khả năng so với châu lục về sức mạnh, sức nhanh, sức bền.
Thể thao Việt Nam cần tìm ra giải pháp để đạt được thành tích cao. Mỗi một kỳ cần chỉ tiêu để phấn đấu, Việt Nam đặt mục tiêu có một môn Olympic đạt HCV, còn môn ASIAD đạt 3 HCV trở lên. Sau khi rà soát toàn bộ lực lượng, chúng ta có cơ sở để đặt chỉ tiêu 3 HCV ở các môn Olympic như điền kinh, bơi lội bắn súng, cử tạ, karatedo, hoặc các môn ASIAD như Wushu, Pencak Silat. Vấn đề đặt ra là làm sao để các VĐV thi đấu ở khả năng cao nhất. Sau khi lượng hóa, có thể coi đây là một kỳ ASIAD Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhất từ trước đến nay.
-
Xuất phát điểm là cầu thủ bóng đá, nhưng lại thành danh với đấu kiếm. Có phải hồi xưa anh chơi vị trí thủ môn không
Ngày xưa mình có tham gia đá bóng, tập cho CLB Hà Nội. Nhưng tuổi trẻ lại rất ham chơi. Khi tuyển bắt đầu tập trung, mình quyết định sẽ nghỉ. Lúc đấy mình chỉ muốn chơi chứ không muốn tập. Ngày xưa mình từng chơi vị trí tiền đạo.
-
Công tác chuẩn bị của đội tuyển Olympic Việt Nam hiện tại đến đâu rồi và hàng ngày đội có báo cáo tình hình về cho lãnh đạo đoàn không, thưa ông Phấn?
Trong giai đoạn vừa qua, sau thành công tại VCK U23 châu Á, hiệu ứng U23 Việt Nam có thể nói là "kinh khủng", tạo nên một hiệu ứng tốt với bóng đá Việt Nam. CĐV coi đội tuyển Olympic Việt Nam là một lực lượng đặc biệt tham dự ASIAD, nên tình hình của đội tuyển sẽ được thông tin ngay lập tức về cho lãnh đạo đoàn.
Ví dụ trong ngày hôm qua 12/8, sau khi nắm được thông tin tại Indonesia của đội tuyển, lãnh đạo đoàn đã tìm mọi cách giải quyết sân tập cho Việt Nam. HLV Park Hang-seo là một HLV đặc biệt, luôn thận trọng khi dẫn dắt cầu thủ. Sau thành công tại Thường Châu, HLV Park và Ban huấn luyện cũng gặp nhiều áp lực tại ASIAD này, từ việc tuyển chọn số lượng cầu thủ xuống còn 20 cái tên. Có thể nói, toàn bộ đội công tác chuẩn bị và đoàn tiền trạm không thấy có vấn đề gì, chỉ gặp phải chuyện sân tập.
-
Thành An từng thua VĐV người Hàn Quốc. Bây giờ gặp lại anh có tự tin sẽ giành chiến thắng không?
Nếu nói công bằng, đây là đối thủ số 1 thế giới. Năm 2014, mình gặp họ ngay vòng 1/16. Trong đấu kiếm rất khó nói, đây là đối thủ mạnh. 4 năm trước, gặp anh ta, mình khó có niềm tin vào chiến thắng nhưng bây giờ thì khác. Hiện nay mình có sự tự tin rất cao.
-
Olympic Việt Nam đang bị chủ nhà làm khó về sân bãi tập luyện. Đoàn có hạ chỉ tiêu cho đội không ạ?
Đương nhiên là không. Đây không phải là điều đặc biệt, xa lạ gì với các VĐV khi ra nước ngoài thi đấu. Chúng tôi đã chỉ đạo đoàn tiền trạm và đội công tác chuẩn bị tìm mọi cách để Olympic Việt Nam có sân tập để rèn luyện một cách tốt nhất.
-
Việc chuẩn bị các điều kiện ăn, ở, chế độ đảm bảo dinh dưỡng cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Indonesia như thế nào?
Chế độ dinh dưỡng theo quy định của Nhà nước, đóng 50 USD/người/ngày cho đoàn. Tuy nhiên, như đã trao đổi, đối với các VĐV Việt Nam, đặc biệt là các VĐV trọng điểm, đoàn có những phương án đảm bảo dinh dưỡng để tập luyện để bước vào cuộc đấu lớn tại ASIAD. Về nguyên tắc, nước chủ nhà khi đăng cai phải đảm bảo dinh dưỡng cho VĐV các đoàn. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều phải chuẩn bị phương án về mặt dinh dưỡng, ví dụ như đoàn Trung Quốc có bếp ăn riêng, giúp đoàn có dinh dưỡng tốt nhất.
Về chỗ ở, đoàn Việt Nam đều sinh hoạt tại làng thể thao ở Jakarta và Palembang. Ở Jakarta được xây mới trong một khu giống đại học, các khu phòng ở có 3 người/phòng, phòng nhỏ, sinh hoạt đảm bảo, nhưng phải theo quy định chung. Đoàn Việt Nam được phân ở tòa nhà số 7, tòa cuối cùng trong làng thể thao. Tuy nhiên, theo báo cáo, tòa nhà này không được đánh giá tốt so với tòa nhà khác. Còn Palembang từng tổ chức SEA Games, khu nhà ở về cơ bản không có vấn đề gì.
-
Anh An ơi, để thành công trong môn đấu kiếm cần có những gì ngoài đam mê ạ?
Để thành công, cần rất nhiều yếu tố. Đam mê quan trọng, nhưng khổ luyện cũng rất quan trọng. Đầu óc cũng rất quan trọng. Trong thi đấu, nhiều vận động viên có lợi thế thể thình, tốc độ. Sau quá trình rèn luyện 5-10 năm, thì các tố chất trên không hơn nhau nhiều. Khi đó, mình có thể đoán trước được đường kiếm của đối thủ.
-
Anh An đã bao nhiêu lần cầm cờ cho Đoàn TTVN? Theo anh người cầm cờ cần có những đặc điểm gì?
Hiện tại mình có 3 lần cầm cờ cho đoàn TTVN nếu tính cả ASIAD sắp tới. Lần đầu tiên mình được cầm cờ, đó là niềm hạnh phúc, rất khó tả và bất ngờ. Lần nào mình nhận được tin, cũng rất bất ngờ, nhưng vừa hạnh phúc, vừa là áp lực. Theo mình, để cầm cờ cần nhiều yếu tố. Ví dụ mình không bị vướng vào ngày thi đấu.
-
Thưa ông Trần Đức Phấn. Ánh Viên có khoảng bao nhiêu phần trăm cơ hội giành HCV khi nội dung 400 m hỗn hợp có mặt 2 VĐV hàng đầu đến từ Nhật Bản( Yui Ohashi hạng 1 thế giới , Sakiko Shimizu hạng 10)?
2 VĐV Nhật Bản luôn được Đoàn thể thao Việt Nam cập nhật thông số chuyên môn, giúp ban huấn luyện và VĐV Ánh Viên nắm được thông tin của đối thủ để có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thi đấu. Tuy nhiên, 2 VĐV Nhật Bản rất mạnh tại châu Á.
Ở nội dung 400 m, Ánh Viên đã phấn đấu rất nhiều tại các cuộc thi và kiểm tra. Nếu có chút may mắn, Ánh Viên mới có thể giành huy chương khi chỉ số chuyên môn, thành tích qua các kỳ thi đấu vẫn thấp hơn so với 2 VĐV Nhật Bản. Ánh Viên vẫn nhận được sự kỳ vọng khi là một trong 3 VĐV hàng đầu châu Á về cự ly 400 m hỗn hợp.
-
Nhìn lại quá trình chuẩn bị và đẳng cấp của từng VĐV trong đoàn thể thao Việt Nam. Theo ông, những VĐV nào có khả năng lớn nhất để mang về tấm HCV cho chúng ta?
Chúng ta có hơn 10 VĐV của hơn 8 môn thể thao, vẫn là những cái tên quen thuộc: Hoàng Xuân Vinh bắn súng, Ánh Viên môn bơi, Thu Thảo điền kinh, Thạch Kim Tuấn, Trịnh Văn Vinh của cử tạ. Tôi vẫn xin nhắc lại, thành tích của các VĐV này là huy chương ở cấp độ thế giới, còn tại ASIAD vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, các VĐV cần phải phấn đấu mới có thể vượt qua.
Chúng ta không có nhiều VĐV tranh tài giành thành tích cao. Đây là áp lực rất lớn với Đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không chuyển áp lực này cho các VĐV, bởi họ cần phải tâm lý thoải mái mới có thể thi đấu một cách tốt nhất.
-
Anh An ở SEA Games đã có nhiều thành công, giành nhiều HCV nhưng anh ra ASIAD thì thấy có khác biệt gì giữa 2 đấu trường? Tâm lý khi tham dự SEA Games và ASIAD có khác nhau?
Để so sánh ASIAD với SEA Games thì khoảng cách cực kỳ lớn. Ở SEA Games, chỉ có vài nước được gọi là mạnh như Thái Lan, Philippines. Ra ASIAD, còn có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong..., có khoảng 10 người, trong đó 4 người là trong top 16 thế giới. Tương quan là cực kỳ lớn.
Tâm lý khi tham dự SEA Games là bắt buộc phải có vàng, nhưng ASIAD thì phải cố gắng hết sức từng bước một để tiến sâu nhất có thể. Mỗi đấu trường có một kiểu áp lực riêng. ASIAD bắt buộc có huy chương, nhưng SEA Games bắt buộc có vàng, không thể nói đấu trường nào áp lực hơn.
-
Môn đấu kiếm còn mới ở Việt Nam quá, Anh đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của nó?
Nhiều người còn hỏi mình tại sao không có CLB. Nó có những đặc thù riêng mang tính an toàn. Nhưng mình đi Hàn Quốc, các nước châu Âu, họ dạy đấu kiếm rất nhiều ở trường học, công ty. Các nước ấy, các nhà điều kiện hay cho con họ học. Mình nghĩ ở Việt Nam rất có tiềm năng phát triển.
-
Ông có thể tiết lộ chế độ khen thưởng cụ thể đối với những VĐV giành huy chương tại ASIAD 18?
Đối với các VĐV đạt HCV tại đại hội, chúng ta sẽ thưởng nóng 300 triệu đồng cho mỗi VĐV, còn đối với HCB và HCĐ lần lượt là 30 triệu và 20 triệu đồng. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là bởi các đơn vị đồng hành hỗ trợ, tài trợ thưởng nóng tại ASIAD căn cứ vào thành tích thực tế. Số lượng HCV tại ASIAD đang rất khiêm tốn, nên các đơn vị tập trung vào VĐV giành HCV để tạo động lực phấn đấu.
Một số đơn vị đồng hành còn đến Indonesia để cổ vũ và chuẩn bị kinh phí thưởng thêm cho các VĐV, đặc biệt HCV đầu tiên hoặc HCV cuối cùng. Do số tiền vận động tài trợ được phải cân đối với số lượng huy chương dự kiến, nên HCB và HCĐ sẽ thấp hơn nhiều so với HCV.
-
Tại ASIAD 18, một số môn như kurash, soft tennis, golf, bóng rổ 3x3,… đi theo hướng kinh phí địa phương hoặc kinh phí tự túc. Theo ông, khả năng giành huy chương của những môn này thế nào?
Đối với các môn đi theo hướng xã hội hoá, đoàn Việt Nam có khả năng giành được huy chương ở một số môn như kurash, jujitsu... Còn các môn khác như soft tennis, golf, bóng rổ 3x3, ... các VĐV Việt Nam còn ở khoảng cách khá xa so với châu Á. Có chăng là giành được các HCB và HCĐ, nhưng HCV là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, những bộ môn này, ví dụ như bóng rổ hiện tại ở Việt Nam đang chuẩn bị rất tốt để đi theo hướng chuyên nghiệp, các trường học đang chuẩn bị đưa môn này vào học đường. Việc các VĐV Việt Nam tham dự ASIAD sẽ khuyến khích phát triển những môn thể thao này tại nước nhà.
-
Thành An đặt mục tiêu gì tại ASIAD năm nay và Olympic 2020 liệu bạn có thể dành huy chương không?
ASIAD là giấc mơ của mình, mình muốn có huy chương. Tuy rất khó, nhưng mình sẽ thi đấu với tinh thần cao nhất. Mình hy vọng sẽ từng bước, từng bước môt đạt được mục tiêu. Hiện mình đang ở cửa dưới, nếu đặt mục tiêu cao quá thì sẽ bị áp lực. Khi gặp những đối thủ mạnh hơn, mình sẽ có tâm lý khác với những đối thủ yếu. Mình sẽ cố gắng ăn từng kiếm, từng kiếm một chứ không đề ra là phải thắng họ với tỷ số bao nhiêu.
Đỉnh cao của một vận động viên là được đi Olympic và giành huy chương. Tất cả sự chuẩn bị của mình đều hướng tới Olympic và cố gắng giành huy chương.
-
An dự đoán thế nào về kết quả của đoàn ở ASIAD lần này?
Mình không thể nắm rõ được mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam. Có nhiều nội dung mình không nắm rõ. Riêng về đấu kiếm, các vận động viên đều quyết tâm làm những điều mà những năm trước chưa thể thực hiện được. Mình có những người bạn bên điền kinh, silat. Đấy là những môn mình rất quan tâm.
-
VĐV Việt Nam luôn có tình trạng bị các trọng tài xử ép. Chắc chắn khi giải đấu được tổ chức trên đất nước Indonesia, điều này khó mà tránh khỏi. Liệu năm nay khi bị xử ép thì chúng ta có những biện pháp gì về vấn đề trọng tài?
Vấn đề trọng tài là chuyện thường xuyên xảy ra, đặc biệt là trong các cuộc thi đối kháng như võ thuật, có yếu tố liên quan đến cảm tính. Chúng tôi đã nhắc nhở các VĐV cần phải tuân thủ về mặt chuyên môn, bên cạnh đó cũng đưa ra những giải pháp liên quan đến công tác trọng tài, ví dụ như cử các trọng tài Việt Nam tham dự để có kênh trao đổi. Nhưng đối với ASIAD và Olympic, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào ban chuyên môn, đặc biệt là tổ trọng tài.
Ngoài ra, Việt Nam còn có quyền kháng nghị trong trường hợp các VĐV khi bị xử ép. Tuy nhiên, việc kháng nghị này cũng cần phải cân nhắc, vì có thể dưới con mắt của chúng ta hay khán giả, các VĐV Việt Nam đang bị xử ép, nhưng các trọng tài khác có thể phân tích chuyên môn theo hướng khác. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các trọng tài Việt Nam ở các môn đối kháng phải xem xét thật kỹ, khách quan, tránh tình trạng bị xử ép. Tuy nhiên tôi vẫn tin tưởng kỳ ASIAD 18, vì trong những năm vừa qua, hiện tượng này không phổ biến, thường xuyên khiến chúng ta phải quan tâm.
-
Thất bại nào khó nuốt nhất đối với An cho tới giờ?
Đến bây giờ, kỷ niệm đáng tiếc nhất khiến mình buồn nhất là ASIAD 2014, mình thua vận động viên người Hàn Quốc. Lúc đấy và đến bây giờ, anh ấy vẫn là số 1 thế giới.
-
Chào Vũ Thành An..với tư cách là người cầm quốc kì đại diện cho dân tộc Việt Nam tham dự ASIAD, anh có tự tin giành tấm huy chương vàng cho đoàn Việt Nam không?
Mình có rất nhiều áp lực khi được chọn là người cầm cờ. Mình phải thể hiện được những bản sắc, khí thế của người Việt nam khi cầm cờ. Trong các môn đối kháng như đấu kiếm, không có tự tin giành huy chương thì sẽ không bao giờ giành chiến thắng. Mình luôn phải giữ sự tự tin trước mọi đối thủ.
-
Ngoài đặt chỉ tiêu về tấm huy chương, Đoàn thể thao Việt Nam còn nhắm đến các mục tiêu cụ thể gì nữa để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơn trong những năm tiếp theo, cụ thể là Olympic 2020?
Đối với Olympic 2020, mục tiêu của thể thao Việt Nam là có nhiều VĐV tham dự hơn, trong đó đặc biệt các môn thể thao cơ bản như điền kinh và bơi lội. Ngoài ra còn có môn mới là karatedo, Việt Nam có đủ điều kiện phấn đấu có thêm VĐV tham gia. Chúng tôi mong muốn điền kinh sẽ có ít nhất 3 VĐV vượt qua vòng loại, bơi lội có thêm VĐV. Một số môn thi đấu cơ bản khác từng tham dự đấu trường Olympic sẽ được tiếp tục duy trì. Tại Olympic, giành huy chương là rất khó, vẫn cần dựa vào bắn súng, cử tạ.
Olympic là đấu trường có sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới rất mạnh, thành tích tốt, Việt Nam chỉ giành huy chương thôi đã vô cùng khó khăn. Từ cơ sở phấn đấu số lượng VĐV tham dự sẽ là động lực để có huy chương tại Olympic. Nói chung, cấp độ châu lục vẫn là đấu trường phù hợp nhất với khả năng thể chất, nguồn lực đầu tư của các VĐV Việt Nam.
-
Nhìn An rất hạnh phúc với bạn gái. An có thể chia sẻ chuyện tình của 2 người được không vậy Chúc 2 bạn hạnh phúc nhé.
Mình quen bạn gái ở trung tâm, cũng biết nhau rồi. Một thời điểm 2 người tự nhiên có cảm giác nảy sinh tình cảm và yêu nhau. Chắc bọn mình sẽ cưới trong 1-2 năm nữa. Bạn gái của mình trước tập môn bắn súng đĩa bay.
-
Nhiều ngày qua báo chí vẫn nói về mục tiêu của Olympic Việt Nam nhưng tôi vẫn chưa biết cụ thể chỉ tiêu của đoàn giao cho đội là gì. Mong ông Phấn có thể chia sẻ nhiệm vụ cụ thể đoàn giao cho đội bóng nam và nữ được không?
Đội tuyển bóng đá nam Olympic tham dự ASIAD với vai trò hoàn toàn khác so với đầu năm tại Thường Châu, Trung Quốc. Lực lượng Oympic Việt Nam lần này tham dự là U23+3, nên có nhiều quốc gia mạnh tham dự World Cup, trình độ chuyên môn cao. Vậy nên chúng tôi chỉ đặt chỉ tiêu cho đội Olympic là đạt được thành tích tốt nhất, không đặt ra mục tiêu cụ thể gì vì có thể sẽ đánh giá không sát. Bóng đá Việt Nam so với châu lục còn nhiều hạn chế so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn QuốcTrung Đông. Không thể nói là chúng ta vào đến chung kết vòng chung kết U23 châu Á là tại ASIAD sẽ phải vào bán kết hoặc hơn. Trong bóng đá không có logic, chỉ nên đặt mục tiêu để đội thi đấu tốt nhất. Còn với bóng đá nữ, trình độ của chúng ta so với châu lục còn thua kém nhiều nên chỉ giành mục tiêu là thi đấu qua vòng bảng, vào vòng trong đến đâu hay đến đó. Có thể nói, đặt mục tiêu cho bóng đá là rất khó, không nên dựa vào thành tích đã có.
-
Ông đánh giá như thế nào về lực lượng của các quốc gia Đông Nam Á tham dự ASIAD 18?
Đối với các nước trong khu vực, hiện nay mạnh nhất vẫn là Thái Lan với các nội dung Olympic và ASIAD rất mạnh, luôn là top đầu của Đông Nam Á tại ASIAD. Tại ASIAD, Indo chuẩn bị rất tốt do là nước chủ nhà và còn thi đấu ở nhiều môn thể thao khác mà chúng ta không có. Ngoài ra, theo thông tin chúng ta nắm được, các nước như Malaysia và Singapore cũng chuẩn bị chu đáo ở một số môn trọng điểm.