Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đổ xô cúng sao, giải hạn là mê tín'

Trước thực trạng năm nào người dân cũng đổ ra đường cúng sao La Hầu giải hạn ở Hà Nội, nhiều độc giả chỉ trích rằng đây là hành động quá mê tín.

Nhiều bạn đọc thể hiện bức xúc hoặc thở dài ngao ngán trên Zing.vn. “Thời đại này rồi mà vẫn còn mê tín hay cuồng tín”, bạn đọc có nickname Kỳ Nhông Stup viết.

Một người khác đặt câu hỏi: “Sao người dân bây giờ mê tín quá vậy?. Không làm việc xấu thì sao xấu đã tự giải. Trong Phật giáo không có khái niệm dâng sao giải hạn".

Trước những hình ảnh Zing.vn ghi lại vào tối 15/2 ở chùa Phúc Khánh, một độc giả bình luận: "Làm sao phải khổ sở ngồi ngoài đường? Theo tôi làm phước, phóng sinh, cúng dường, bố thí là tốt nhất. Tránh làm việc ác, nên làm việc thiện". 

Người dân ngồi ngoài đường làm lễ ở Hà Nội đã trở nên quen thuộc vào mỗi dịp đầu năm mới hoặc rằm tháng bảy.

Ảnh: Hoàng Hà. 

Bạn Hà Vũ nhận xét, nếu làm lễ thì vào chùa, hàng nghìn người ngồi ngoài đường cầu khấn, chưa biết được lộc gì đã thấy có thể nhiễm lạnh, tai nạn giao thông. “Cầu như vậy rồi về nhà bình an được chăng? Cứ sống tốt, sống đúng lương tâm, không làm điều thất đức là đã hết hạn vận vào người”. 

Một ý kiến khác cho rằng, tín ngưỡng thì bình thường nhưng đừng có mê tín. “Ở đời có luật nhân quả, tốt nhất giữa người với người nên thiện. Ngoài ra còn phải có chân và có nhẫn. Chân là nói thật không lừa dối nhau. Nhẫn là trước những mẫu thuẫn mọi người nhường nhịn. Thiện là là mọi người đối xử hòa nhã với nhau. Hỏi cuộc sống như vậy có gọi là hạnh phúc không?”, Hoàng Anh viết.

Độc giả khác nhìn nhận việc cúng giải hạn không thể nói là mê tín hay không. Nhiều người làm việc này để cho bản thân cảm thấy thanh thản, bình an. Họ chỉ đang tìm kiếm sự bình an về mặt tinh thần chứ không phải cứ đi giải hạn thì mình sẽ chắc chắn an toàn. Việc làm này chủ yếu là giúp tâm thanh tịnh, hướng thiện.

Lý giải lễ giải hạn hàng năm có hàng nghìn người dự, bạn Hưng Nguyễn nhận định đây là hành động để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, còn Phật giáo không nói về việc này. 

Anh Nghiêm cho rằng, việc cúng sao chủ yếu chỉ là để giữ gìn tín ngưỡng, văn hóa truyền thống. “Cầu mà có tài, được lộc, thoát hạn thì mấy chùa chiền, miếu mạo đã bị tư nhân hoá làm của riêng hết rồi, đâu đến lượt người dân sì sụp khấn vái. Chỉ mong giữ lấy cái tín ngưỡng, văn hoá dân tộc là đủ”.

Một luồng ý kiến khác không chỉ trích việc mê tín, nhưng cũng thể hiện quan điểm không tin vào cúng sao giải hạn, chỉ cần sống tốt thì vận may tự nhiên sẽ đến.

Theo Vũ Thành Huy, mỗi người cứ sống cho tốt, không làm điều gì thất đức thì trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng, bình an, cần gì phải đua nhau giải hạn. Thấy người ta đi cúng giải hạn viết tên lên giấy rồi đốt mất vài trăm nghìn.

“Ngày xưa chẳng giải hạn vẫn sống khỏe. Bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa. Ai cũng được giải hạn thì tốt quá, nhưng cuộc sống xã hội chẳng nói trước được, điều gì đến sẽ đến, cứ để tự nhiên thôi. Tôi chỉ cúng cầu may mắn bình an cho gia đình mọi người là hạnh phúc”, anh Huy viết.

Hàng nghìn người ngồi ngoài đường giải hạn sao La hầu

Để giảm thiểu vận đen xảy ra đối với những người mang sao La hầu trong năm mới Bính Thân, các nhà sư chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) đã tổ chức lễ giải hạn, tối 15/2.


Vi Trần tổng hợp

Bạn có thể quan tâm