Đọ ‘núi tiền' mặt khổng lồ của đại gia Việt
Trong khi nhiều doanh nghiệp vất vả vay từng đồng vốn ngân hàng thì không ít đại gia Việt lại sở hữu “núi” tiền mặt khổng lồ.
Tổng công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) là một trong các doanh nghiệp sở hữu “núi tiền mặt” khổng lồ. Tại thời điểm 31/12/2012, tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của Sabeco lên tới 5.500 tỷ đồng, chỉ thua một số doanh nghiệp dầu khí và Masan Group.
Tuy nhiên, đầu năm nay, lượng tiền mặt này giảm khoảng 1.400 tỷ đồng xuống “chỉ” còn 4.100 tỷ đồng do Sabeco trả cổ tức tỷ lệ 22% bằng tiền mặt. Dù giảm nhưng đây vẫn là con số rất lớn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đói vốn.
Sabeco dồi dào tiền mặt là do kết thúc năm 2012, tổng doanh thu của Sabeco đạt hơn 25.100 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm trước, lợi nhuận ròng đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 17%.
Sở hữu lượng tiền mặt khủng hơn, vào thời điểm cuối năm 2012, Masan Group (MSN) có 7.459 tỷ đồng. Con số này trong năm 2013 có thể giảm đi dù MSN không trả cổ tức. Tiền mặt MSN hao hụt vì công ty này thực hiện hàng loạt các vụ M&A triệu đô.
Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) mới là “ông lớn” dẫn đầu về lượng tiền mặt. Hết quý I/2013, tiền và các khoản tương đương tiền của GAS đạt hơn 14.534 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 12.393 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2012.
Nhiều doanh nghiệp sở hữu "núi" tiền mặt. |
GAS được xem là hiện tượng trên sàn chứng khoán khi liên tiếp công bố các khoản doanh thu khủng, lợi nhuận khủng và cả cổ tức khủng. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi GAS dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk-VNM) cũng có khoản tiền mặt ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2013 đã được hợp nhất, dư tiền và tương đương tiền trong quý I của VNM tăng thêm 380 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.633 tỷ đồng. Lượng tiền mặt lớn hơn lãi sau thuế 1.530 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) thường xuyên có khoản tiền mặt rất lớn. Hết quý I/2013, tiền và các khoản tương đương tiền của PVS là hơn 6.683 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với cuối năm trước.
Kết thúc ngày 31/3/2013, tiền và các khoản tương đương tiền của tổng công ty cổ phần phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) là 5.808 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.
Ngoài ra, còn rất nhiều công ty khác như SSI, HAG, VND ,.. đều có lượng tiền mặt lên tới cả trăm tỷ đồng. Điều đặc biệt, không chỉ những “ông lớn” mới sở hữu tiền mặt khủng, nhiều doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn cũng gây ngạc nhiên khi chẳng buồn đoái hoài tới vốn ngân hàng.
Ví dụ, công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) chỉ lãi 24,11 tỷ đồng trong quý 1/2013 nhưng lượng tiền mặt tồn quỹ lại lên tới gần 232 tỷ đồng, chiếm 72,7% tổng tài sản của công ty tại cùng thời điểm. Công ty bột giặt NET có số dư tiền và tương đương tiền gần 125 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn điều lệ.
Tiền mặt lớn, nợ lớn
Có nhiều tiền mặt đồng nghĩa với việc khả năng xoay sở của các doanh nghiệp linh hoạt hơn. Đây là điều đáng tự hào của các doanh nghiệp kể trên. Thế nhưng, điều đáng chú ý chính là rất nhiều doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn lại sở hữu khoản nợ vượt trội.
Cuối năm 2012, tổng số nợ ngắn hạn và nợ dài hạn của GAS lên tới hơn 21.000 tỷ đồng. Sau 3 tháng hoạt động, số nợ này giảm mạnh nhưng vẫn rất cao, hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn.
Chênh lệch giữa tiền và nợ của PVS cao hơn rất nhiều so với GAS. Trong khi có 6.683 tỷ đồng, PVS lại gánh tổng nợ lên tới hơn 13.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng vừa qua, PVS đã kịp trả 200 tỷ đồng cho chủ nợ. Tuy nhiên, chi phí lãi vay của PVS cũng rất lớn, lên tới 43 tỷ đồng.
Tình hình tại DPM dễ chịu hơn khi lượng tiền mặt nhiều gấp 5 lần nợ. Tổng nợ dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp này “chỉ” là hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi tiền mặt lên tới 5.808 tỷ đồng. Quý I, DPM phải trả lãi vay 29 tỷ đồng.
Có lượng tiền mặt 1.633 tỷ đồng nhưng VNM cũng phải trả lãi tương đối lớn cho số nợ 3.717 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, đạt 3.657 tỷ đồng. Trong quý I, chi phí tài chính của VNM là hơn 20 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp còn lại cũng phải trả hàng chục tỷ đồng tiền lãi vay trong quý cho ngân hàng và các chủ nợ khác. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhỏ lại “sống khỏe” bằng vốn tự có.
Tính đến cuối quý I/2013, HGM có số dư nợ ngắn hạn 24 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải trả, phải nộp khác. Số dư vay nợ ngắn hạn lẫn dài hạn cuối quý 1/2013 đều bằng không.
NET cũng là một trong số ít các công ty không gặp áp lực tài chính dù tiền mặt dồi dào. Trong quý 1/2013, NET không vay nợ ngân hàng, dư nợ gần 62 tỷ đồng chủ yếu là tín dụng của người bán và thuế, phí phải nộp khác.
Theo VTC