Hàng trăm hộ nông dân tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đang dở khóc dở mếu, thua lỗ nặng do lỡ đổ vốn vào nuôi lươn không bùn. Trong khi đó, các nhà cung cấp lươn giống trong bể ximăng (nuôi lươn không bùn) cho rằng lỗi thuộc về nông dân.
Mua 1,7 tấn giống, bán 1,5 tấn thịt
Hơn ba tháng sau khi bán tống bán tháo đàn lươn, ông T. (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vẫn chưa hết sốc vì chỉ trong một thời gian ngắn mà bao nhiêu vốn liếng tích cóp của hai vợ chồng trong mấy chục năm và tiền vay thêm của anh em đã tan thành mây khói. Dẫn chúng tôi đi xem những bể ximăng trống trơn mà cách đây hơn nửa năm từng là niềm hi vọng “đổi đời” của gia đình, ông T. cho biết: “Cũng may vợ tôi thông cảm, không trách móc gì, nếu không có khi tan cửa nát nhà”.
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 6/2013 khi ông T. xem chương trình truyền hình giới thiệu mô hình nuôi lươn không cần bùn ở một trang trại tại Hóc Môn (TP.HCM). Nghe giới thiệu cách nuôi đơn giản mà hiệu quả cao, ông bàn với mấy anh em trong công ty việc đầu tư trại nuôi lươn.
Trại nuôi lươn ở Thủ Đức bỏ không vì thua lỗ. |
Để chắc chắn, ông T. đã đến tận nơi sáng tạo ra mô hình nuôi lươn này để nghiên cứu. Nghe ông chủ trại đảm bảo bao tiêu toàn bộ lươn thịt bán ra với lợi nhuận khá cao, ông T. quyết định đầu tư. “Họ bảo có rủi ro gì, đầu vào họ đảm bảo, đầu ra họ bao tiêu, bao nhiêu số liệu về con giống, thức ăn, giá bán rõ ràng như thế thì còn lo gì”, ông T. nhớ lại.
Nhóm ông T. đã thuê một miếng đất rộng 850 m2 tại Hóc Môn với giá 24 triệu đồng/năm, rồi đầu tư xây hệ thống 30 bể ximăng kiên cố, khoan giếng công nghiệp... theo đúng hướng dẫn với tổng đầu tư 400 triệu đồng. Đầu năm nay, ông mua hơn 1,7 tấn lươn giống loại 20 con/kg hết 459 triệu đồng. Ngoài việc thuê người chăm sóc, ông T. còn đi chợ đầu mối Bình Điền mua cá vụn về nuôi lươn.
“Nhìn lươn nhao nhao khi thả thức ăn xuống, tôi nghĩ ngày làm giàu còn không xa”, ông T. kể. Nhưng kỳ lạ là sau một tháng rồi hai tháng mà tổng trọng lượng lươn không hề tăng so với lúc mua lươn giống. Ông T. liên lạc với chủ trại lươn giống nhưng được giải thích quanh co và đưa một loại thuốc gì đó không rõ bảo ông cho lươn uống. Tuy nhiên, lươn vẫn không tăng trọng nên sau đợt cân của tháng thứ ba, ông T. đành gọi người tới bán đổ bán tháo lươn để cắt lỗ. “Tổng cộng lươn bán ra chỉ có 1,5 tấn, tức là ít hơn 200 kg so với lươn giống. Nhưng lúc mua là mua lươn giống với giá 270.000 đồng/kg, còn khi bán thì bán với giá lươn thịt chỉ 110.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí, tôi bị lỗ trên 700 triệu đồng”, ông T. cho biết.
Cách nhà ông T. không xa, chị H. cũng bức xúc cho biết sau hơn năm tháng nuôi lươn, tổng số tiền mà chị H. lỗ trên 40 triệu đồng mà không hiểu vì sao. “Tôi chăm sóc lươn đầy đủ, lươn ăn khỏe và không có con chết mà sao trọng lượng lươn không tăng đáng kể so với lúc mua giống”, chị H. thắc mắc.
Đây là hai trong số hàng trăm hộ dân tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương lâm vào cảnh thua lỗ nặng ngay từ lứa đầu tiên nuôi lươn theo mô hình không cần bùn trong bể ximăng.
Lỗi do người nuôi?
Trao đổi với chúng tôi, đa số hộ nuôi lươn không bùn đều cho biết đã mua lươn giống tại trang trại Sơn Ca (Hóc Môn). Chúng tôi đã liên hệ với chủ trang trại này để tìm hiểu nguyên nhân thua lỗ của bà con. Trong ngày đến thăm trang trại, chúng tôi chứng kiến hàng chục khách hàng đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau tham quan để đầu tư nuôi lươn.
Trả lời về trường hợp một số hộ nuôi lươn thất bại, ông Sơn cho biết đã bán lươn giống và chuyển giao mô hình kinh doanh này cho hơn 2.000 hộ nuôi trên khắp cả nước với tỷ lệ thành công lên đến 80 - 90%. Những mô hình thất bại chủ yếu là do người dân không biết cách chăm sóc. “Các trường hợp thất bại có thể do thời tiết, khâu chăm sóc hay nguồn thức ăn vướng urê, hàn the, chưa kể nhiều người đã làm sai so với thiết kế mà chúng tôi hướng dẫn”, ông Sơn nói.
Lý giải hiện tượng có người mua 30 kg giống nuôi mấy tháng sau bán được 32 kg lươn thịt, ông Sơn cho rằng là do người nuôi không tuân thủ quy định tách đàn mà trang trại hướng dẫn. “Sau khi mua về một tháng, người nuôi phải tách đàn, những con to để riêng và con bé để riêng, tránh trường hợp những con to sẽ ăn con bé hoặc lươn to chèn lươn nhỏ không lớn được”, ông Sơn giải thích.
Tuy nhiên, ông D. - một người nuôi lươn tại Đồng Nai - bác bỏ lý do này khi cho biết đã mua 200 kg lươn giống loại 40 con/kg từ trang trại Sơn Ca, cũng tách đàn lươn sau một tháng như hướng dẫn nhưng kết quả vẫn lỗ hơn 60 triệu đồng. “Không chỉ tuân thủ tất cả yêu cầu kỹ thuật, tôi còn nhờ người quen trong ngành dinh dưỡng chăn nuôi tư vấn về thức ăn nhưng cũng thất bại dù được những người mua lươn thịt khẳng định tôi đạt kết quả tốt nhất trong tất cả các trại lươn không bùn mà họ từng biết”, ông D. nói.
Theo ông D., sau khi rà soát lại toàn bộ quy trình nuôi, ông và cả những người am hiểu kỹ thuật khác đều nhận thấy nguyên nhân dẫn đến thất bại là con giống không đảm bảo, thậm chí bị trộn lẫn giữa lươn còi. “Sau một tháng nuôi, từ 200 kg giống chúng tôi đã phải loại ra 60 kg lươn nhỏ hơn, nhưng dù có chăm sóc cỡ nào thì số lươn này cũng không lớn được, bởi chúng không phải là lươn giống mà là lươn còi đã bị trộn lẫn”, ông D. nói.
Do đó, ông D. khẳng định muốn có lời từ mô hình này trước hết phải có nguồn con giống đảm bảo chất lượng. “Nhưng cũng không có lời quá như trang trại Sơn Ca quảng cáo được”, ông D. cho biết.
Sẽ hạn chế bán lươn giống
Ông Đoàn Kim Sơn cho biết hiện trang trại của ông mỗi năm bán ra trên 1.200 tấn lươn thịt và 40 tấn lươn giống.
Để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, ông Sơn cho biết phải làm giống lươn ở bốn trang trại tại TP.HCM, Tiền Giang và hai trại của hai học trò (ông Sơn giới thiệu là giảng viên Đại học Nông lâm TP.HCM).
Trước nhiều thông tin cho rằng mô hình nuôi lươn trong bể ximăng không đạt hiệu quả như quảng cáo, ông Sơn cho biết đang mở rộng trại lươn, liên kết với một số hộ vệ tinh thân thiết để nuôi lươn thịt và hạn chế bán giống ra bên ngoài.
“Chúng tôi chỉ bán giống cho những người có kinh nghiệm và thành công để tránh rủi ro”, ông Sơn nói.