Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổ nghìn tỷ đồng làm... quảng trường

Người dân Tiền Giang không khỏi bức xúc khi biết thông tin năm 2016 tỉnh không có vốn để khởi công các công trình phục vụ dân sinh.

Thế nhưng quảng trường ngốn cả nghìn tỷ đồng vẫn được ưu tiên cấp vốn.

Ở cuối đường Hùng Vương, cách trung tâm TP Mỹ Tho chưa tới 2 km có một khu đất trống bạt ngàn rộng hơn 32 ha đã được giải phóng mặt bằng và bơm cát san lấp gần xong.

Đó là dự án quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1. Chỉ tính số liệu được ghi trong năm quyết định đầu tư của UBND tỉnh có liên quan đến dự án này thì vốn đầu tư đã hơn 900 tỷ đồng, kể cả khu tái định cư.

Đó là chưa kể các công trình dự kiến xây dựng trên quảng trường này hiện giờ chưa có thiết kế, chưa có quyết định đầu tư.

Phải có bộ mặt nghìn tỷ

Mặc dù biết rõ năm 2016 không có vốn để đầu tư những công trình phục vụ dân sinh cấp thiết theo đề nghị của các địa phương và sở - ngành, nhưng UBND tỉnh vẫn chi tới 112 tỷ đồng tổ chức đấu thầu thi công đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống điện tại quảng trường trung tâm.

Kết quả lựa chọn nhà thầu đã được công bố ngày 1/12 và sẽ thi công vào đầu năm 2016.

Nông dân chăn thả bò trên khu đất dự án quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang.
Nông dân chăn thả bò trên khu đất dự án quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang.

Giải thích việc này, ông Trần Thanh Đức (Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) nói quảng trường trung tâm là công trình trọng điểm của tỉnh đã xác định từ nhiệm kỳ trước. Đây là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của nhân dân và là bộ mặt của TP Mỹ Tho.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Thông (Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư) cũng nói việc xây dựng quảng trường là cần thiết nhằm hình thành trung tâm sinh hoạt chính trị, giao lưu văn hóa, vui chơi, lễ hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, công trình này còn thúc đẩy sự phát triển TP Mỹ Tho trở thành đô thị loại I - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng.

Theo UBND tỉnh, dự án quảng trường giai đoạn 1 có 601 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng số tiền chi bồi thường để thu hồi đất là hơn 457 tỷ đồng.

Đến nay đã có 569 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường và giao mặt bằng tương đương 95% diện tích. Tỉnh đã chi 422 tỷ đồng bồi thường cho người dân. Trong năm 2015, nhà thầu đã bơm cát san lấp mặt bằng với kinh phí 37 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay dự án quảng trường trung tâm giống như một “thảo nguyên” bạt ngàn. Rất nhiều nông dân hằng ngày đến đây cắt cỏ mang về cho gia súc ăn. Một số người còn lùa bò đến đây chăn thả, không lo bị lạc.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - ấp Long Hòa A, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, đang chăn thả bò trên khu đất quảng trường cho biết bị giải tỏa trắng gần 3.000 m2 đất và nhà để làm quảng trường.

Gia đình ông đã giao mặt bằng gần hai năm nay và phải đi ở trọ do khu tái định cư đến nay vẫn chưa làm xong. Không có đất làm chuồng nên ông phải cho đàn bò ở tạm dưới gầm cầu. Cũng vì thế mà một con bê vừa lọt lòng mẹ bị rơi xuống kênh chết ngạt.

Sau đó, ông Hùng phải đưa đàn bò đi gửi và hằng ngày lùa ra quảng trường cho ăn cỏ.

“Phải chi tỉnh đừng làm quảng trường thì gia đình tôi đâu có khổ như bây giờ. Bị giải tỏa, tiền bồi thường không mua được đất khác để sản xuất, không có nhà ở”, ông Hùng buồn bã.

Chuyện cấp bách... phải chờ

Trong khi đó, một công trình rất cấp thiết đối với người dân Tiền Giang hiện nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang vẫn “án binh bất động”, trong khi bệnh viện cũ xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu.

Theo quy hoạch, bệnh viện này có quy mô 1.000 giường với trang thiết bị y tế hiện đại, tổng mức đầu tư 2.350 tỷ đồng. Công trình sẽ được xây dựng tại khu Đồng Sen thuộc xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho rộng 10 ha đã có sẵn mặt bằng, không phải giải tỏa.

Tuy nhiên, mấy năm qua tỉnh “cầu viện” Bộ Kế hoạch - đầu tư và các tổ chức nước ngoài để vận động tài trợ vốn ODA nhưng không có kết quả. UBND tỉnh cho biết đã đăng ký xin hỗ trợ vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư bệnh viện này giai đoạn 2016 - 2020, nhưng khả năng có vốn là rất thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng số vốn 2.350 tỷ đồng đầu tư bệnh viện tương đương đầu tư quảng trường trung tâm.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc đầu tư bệnh viện phục vụ nhân dân là chắc chắn. Còn đầu tư vào quảng trường chỉ được hình thức bên ngoài, hiệu quả không cao.

Nếu phân kỳ đầu tư xây dựng bệnh viện trong 5 - 6 năm, tức mỗi năm chỉ phân bổ chừng 500 tỷ đồng, có lẽ hiện giờ bệnh viện đã có hình hài rồi. Việc này hoàn toàn nằm trong khả năng ngân sách của tỉnh.

Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang ngày 10/12, đại biểu Lê Dũng công bố một thông tin đau lòng: “Toàn tỉnh còn hơn 3.000 người có công chưa được hưởng chính sách nhà ở. Hàng trăm căn nhà xuống cấp nặng, sắp sập trong khi tuổi của họ đã cao, không còn sống bao lâu nữa. Tôi thấy xót xa lắm”.

Theo ông Trần Thanh Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh, để xây dựng mới và sửa chữa nhà cho người có công cần khoảng 115 tỷ đồng.

Đây không phải số tiền quá lớn nhưng giải quyết thế nào thì tỉnh sẽ bàn. Ở bên dưới hội trường lập tức có tiếng xì xào: “Tạm dừng gói thầu làm đường, điện quảng trường thì đủ xây nhà cho hơn 3.000 hộ này chứ có gì mà bàn”. Rất nhiều đại biểu gật gù đồng tình.

Ông Trần Thanh Đức thừa nhận không thể tránh khỏi tình trạng đầu tư dàn trải. Ban thường vụ Tỉnh ủy vừa có chỉ đạo rà soát, báo cáo tất cả dự án, công trình đang và sắp đầu tư.

Tỉnh ủy sẽ đánh giá những công trình nào quan trọng để tiếp tục đầu tư, công trình nào chưa cấp thiết sẽ tạm dừng.

Ông Trần Long Thôn, trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, cũng xác nhận Tỉnh ủy sẽ sớm xem xét lại các dự án, công trình.

Chắc chắn những công trình chưa thật sự cấp thiết sẽ được tạm dừng để ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ an sinh xã hội.

Riêng về dự án quảng trường trung tâm, ông Thôn cho biết cũng có một số ý kiến đề nghị kêu gọi xã hội hóa đầu tư những hạng mục còn lại. Nếu không kêu gọi được sẽ xem xét chọn thời điểm phù hợp để đầu tư.

Quảng trường sẽ tiêu tốn gần 2.200 tỷ đồng

Theo quyết định 1733 ngày 24/7/2012 của UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quảng trường trung tâm tỉnh có quy mô 44 ha, trong đó có bảo tàng, thư viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể dục thể thao, sân lễ, công viên cây xanh, bãi xe, hạ tầng kỹ thuật..., tổng vốn đầu tư (khái toán) khoảng 2.189 tỷ đồng.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 (vốn hơn 1.000 tỷ đồng) gồm: bồi thường, giải tỏa hơn 457 tỷ đồng; xây khu tái định cư 16 ha (khoảng 242 tỷ đồng); san nền, đường giao thông, điện, cấp thoát nước (150 tỷ đồng); khu quảng trường quy mô 3,5 ha (dự kiến 250 tỷ đồng).

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151214/do-nghin-ti-dong-lam-quang-truong/1020151.html

Theo Vân Trường/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm