Hai ngày qua, con đường dẫn vào nhà đại úy Nguyễn Cảnh Cường (thôn 18B, xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An) ảm đạm, u buồn hơn bao giờ hết.
Những cơn mưa rả rích vẫn tiếp tục. Từ lúc nghe tin đại úy Cường cùng 12 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi vượt lũ vào vùng sạt lở ở Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế), bà con hàng xóm cùng đồng đội thay nhau đến động viên, chia sẻ và lo liệu tang lễ để đón linh cữu của sĩ quan trẻ về bên gia đình.
Ông Nguyễn Cảnh Anh đau xót khi nghĩ về con trai vừa hy sinh. Ảnh: Đ.V. |
Ngồi thất thần bên di ảnh con trên bàn thờ đã được lập sẵn trước nhà, ông Nguyễn Cảnh Anh (59 tuổi, bố đại úy Cường) nghẹn ngào, nước mắt cứ rơi khi có người hỏi về con trai vừa hy sinh.
Trên tay người bố luôn cầm chặt chiếc điện thoại cũ. Thỉnh thoảng ông lại mở Zalo xem những dòng tin nhắn con trai gửi về trước lúc gặp nạn. Trong đó, còn có lời ông động viên, nhắc nhở đại úy Cường: “Bão đang vào con à, trong ấy mưa lớn không, con nhớ cẩn thận”. Nhưng tin nhắn ấy không được hồi đáp.
“Từng là lính, tôi biết đó là nhiệm vụ của cháu, nhưng nỗi đau mất con lớn quá, như cắt từng khúc ruột…”, người đàn ông tỏ vẻ mạnh mẽ vẫn không thể giấu nổi hàng nước mắt rơi trên gò má.
Là gia đình có truyền thống quân ngũ, anh Cường thi đậu vào Đại học Thông tin liên lạc khi học hết cấp 3, với mong muốn nối nghiệp ông nội và bố mẹ. Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh được phân công về Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
Sau nhiều năm công tác, anh Cường được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2.
Ông Anh kể hơn một tháng qua con trai phải trực và đi các vùng thiên tai nên ít về thăm nhà. Đợt mưa lũ vừa qua, anh Cường được tăng cường vào Thừa Thiên - Huế và cùng lãnh đạo Quân khu 4 đi hỗ trợ người dân.
Những dòng tin nhắn, hình ảnh mà đại úy Cường gửi về cho bố trước lúc gặp nạn. Ảnh: Đ.V. |
Chiều 12/10, đại úy Cường nhắn tin về cho bố kể anh đang trên xe lội nước cùng đoàn công tác của lãnh đạo Quân khu 4 và chính quyền địa phương vào vùng sạt lở Rào Trăng 3 để tìm kiếm người mất tích. Do đường ngập, sạt lở nặng nên xe không đi được, phải đi bộ.
"Thấy con nhắn sắp vào vùng rừng núi, sóng yếu, xong nhiệm vụ rồi con sẽ về. Tôi chỉ kịp động viên con cố gắng, cẩn thận. Nào ngờ, đó là lần cuối bố con tôi được nói chuyện với nhau", nước mắt người bố lại rơi khi nhắc về con.
Biết con đi vào vùng nguy hiểm, cả đêm ông Anh cùng vợ và con dâu không thể chợp mắt. Cùng lúc này, qua báo đài, ông biết đoàn cứu hộ ở Rào Trăng 3 gặp nạn khi đang nghỉ ở Trạm kiểm lâm 67.
Linh tính, ông Anh như chết lặng sau khi biết tin. Ông vội liên lạc với đồng đội, đơn vị của con mới biết anh Cường là một trong 13 người mất tích, cùng đoàn với thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.
Hơn hai ngày dõi theo công tác cứu nạn, vợ và con dâu khóc ngất, còn ông vẫn mong phép màu đến với những người gặp nạn.
Khi cả 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ lần lượt được tìm thấy, niềm hy vọng mong manh ấy bắt đầu vụt tắt.
Theo người thân, đại úy Cường cưới vợ chưa đầy một năm. Khi cả hai chưa kịp có con thì anh gặp nạn.
Với người dân thôn 11B, sự hy sinh của đại úy Cường cùng 12 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu hộ là một mất mát quá lớn. Trong cơn mưa chưa ngớt, mọi người chờ giây phút đón chàng sĩ quan trẻ trở về đất mẹ.