Đo đẳng cấp doanh nhân Việt bằng... xe đạp trăm triệu
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, xe đạp trở thành nơi thể hiện đẳng cấp khéo léo và kín đáo... Những chiếc xe đạp có trị giá hàng trăm triệu đã trở thành thú chơi mới của nhiều doanh nhân Việt Nam.
Những nhóm chơi xe đạp tại Hà Nội và TP.HCM thu hút sự tham gia của hàng trăm người, với rất nhiều kiểu chơi. Có nhóm chuyên đạp buổi sáng như một bài tập thể dục với cung đường cố định hoặc thay đổi tùy hứng, cũng có nhóm thích đạp xe buổi tối để thư giãn sau một ngày làm việc, lại có những nhóm chuyên tâm vào xe địa hình cuối tuần rủ nhau ra bờ sông tập luyện, có nhóm lại đặt mục tiêu cho mình là phải “tam đỉnh” - leo lên được đền Thánh Gióng, Tam Đảo và rừng quốc gia Ba Vì trong cùng một ngày...
Giới doanh nhân chơi xe đạp vì khỏe, vì vui và còn vì… đẳng cấp! |
Tuy nhiên, khác với một số dân công sở bỏ xe máy chuyển sang xe đạp hoặc xe đạp điện vì xăng tăng giá và dùng xe như một phương tiện di chuyển hàng ngày, giới doanh nhân chơi xe đạp vì khỏe, vì vui và còn vì... đẳng cấp.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, xe đạp trở thành nơi thể hiện đẳng cấp khéo léo và kín đáo, thay vì những chiếc ôtô siêu sang ồn ào và dễ gây chú ý trước đây. Với nhiều doanh nhân hiện nay, ngoài việc sở hữu một hoặc vài chiếc xe ôtô, họ còn cần một chiếc xe đạp "xịn". Đi chiếc xế tỷ đồng là chuyện rất thường, chả ai để ý đến, tuy nhiên sở hữu “xế độp” trăm triệu thì khác chứ.
Bên cạnh việc mua những dòng xe có tên tuổi như Piranello, Specilized hay Fuji..., “chất chơi” còn được thể hiện qua cách dựng xe cũng như phụ kiện đi kèm. Tại Hà Nội và TP.HCM, sự hiện diện của những chiếc xe đạp trị giá tới cả trăm triệu đồng không còn là hiếm. Chẳng hạn một chiếc Pinarello Dogma Movistar với dàn đầu Most talon carbonn, bộ chuyển động Super Record Tittan 2X11S, vành Campagnolo Bora Ultra đôi, Selle Teknologika... được một khách hàng Hà Nội đặt mua với giá ngót nghét 300 triệu đồng.
Theo anh Thái, quản lý cửa hàng Quang Anh Bike trên phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), thường phải mất một tháng để đặt mua và nhập về những chiếc xe dựng theo yêu cầu của khách hàng về Việt Nam. Những chiếc xe đạp cao cấp này chủ yếu được mang về bằng cách xách tay, với chi phí vận chuyển từ 500 đến 1.000 USD (khoảng 10 triệu đến 20 triệu đồng).
Bên cạnh chiếc xe dựng theo yêu cầu với đồ thửa nhập từ Mỹ, Italia, Nhật, dân chơi còn thể hiện đẳng cấp bằng các phụ kiện có tên tuổi như kính Oakley, đồng hồ công-tơ-mét, đo nhịp tim Sigma, găng tay, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo Exustar, mũ bảo hiểm Prowell, bộ đèn sáng như xe ôtô của Sigma, AKSLEN, túi & phụ kiện xịn của Topeak, Ibera… với giá bán một bộ full-option (đầy đủ phụ kiện) có khi đến mấy chục triệu đồng.
Thú chơi “xế đạp” cũng rất công phu, việc chăm sóc cũng là một kỳ công với quy trình rất ngặt nghèo với các phụ kiện hóa chất bôi trơn, tẩy rửa đặc thù của các hãng danh tiếng như Finish Line, Chepark... cùng với các dụng cụ chuyên nghiệp dành riêng cho xe đạp của Parktool, Super-B...
Độ chịu chơi của các doanh nhân Việt Nam khiến một số thương hiệu xe đạp nổi tiếng thế giới chú ý và dự định phân phối chính hãng tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường đang bị bao phủ bởi phần lớn là hàng xách tay từ Quảng Châu, Trung Quốc sang, chất lượng không ổn định, thật giả lẫn lộn.
Theo một nguồn tin, thương hiệu xe đạp lâu đời của Nhật - Fuji (trực thuộc tập đoàn ASI - Mỹ) sẽ sớm phân phối chính hãng tại Việt Nam đi kèm cùng nhiều phụ kiện từ các nhà sản xuất hàng đầu như Oval Concept, Sigma, Ibera, Prowell, Chepark, Exustar.
Theo Kienthuc