Những ngày giãn cách xã hội, show diễn bị hủy, Đỗ An cho biết anh giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Anh coi thời gian này được sống chậm, lắng mình hơn để có những kế hoạch cụ thể cho tương lai.
Anh trải lòng với Zing về vai diễn mới trong Cây táo nở hoa cũng như nghề thiết kế mỹ thuật mà bản thân theo đuổi.
Xem lại phim, tôi thấy chán chính mình
- Bác sĩ Tuấn trong "Cây táo nở hoa" xuất hiện không nhiều, tính cách lại nhu nhược, thiếu sự kiên quyết. Vì sao anh nhận vai diễn này?
- Tôi không casting mà nhận được lời mời của đạo diễn Thạch Thảo. Cô ấy và ê-kíp nói với tôi muốn làm một bộ phim truyền hình nhưng có chất lượng và diễn xuất điện ảnh. Dàn diễn viên của phim cũng đa số từng đóng điện ảnh. Do đó, tôi nhận lời mà không đặt nặng cát-xê.
Trong thời gian quay phim, tôi cũng làm Giám đốc mỹ thuật cho phim Thiên thần hộ mệnh. Đây là cơ hội để tôi làm việc trong môi trường mới, lại được tạo điều kiện về thời gian nên tôi tham gia thôi.
Đỗ An và Thúy Ngân trong Cây táo nở hoa. Ảnh: NVCC. |
- Khán giả nhận xét vai diễn của anh hơi nhạt. Anh nói gì?
- Khi nhận kịch bản, tôi đã biết nhân vật của mình ra sao rồi. Vai bác sĩ Tuấn không có nhiều đất diễn. Tuấn chỉ là tuyến nhân vật phụ trợ cho Châu. Vai diễn đơn giản là người đàn ông có vấn đề về gia đình, vướng tình cảm với cô gái khác và rơi vào thế giằng co giữa hai người phụ nữ.
Trong phim, nhân vật của tôi luôn ở thế bị động. Lam (vợ Tuấn) hành động thế nào, tôi phải theo như thế. Vì vậy khán giả khó cảm nhận được sự đầy đặn của nhân vật Tuấn.
- Dường như các nhân vật của anh trên màn ảnh nhỏ cũng như phim điện ảnh không khác nhiều Đỗ An ngoài đời?
- Trước đây, anh Đức Thịnh và chị Thanh Thúy cũng mời tôi vào vai thầy giáo có nỗi đau ẩn bên trong, bề ngoài và hành xử điềm đạm trong Siêu quậy có bầu. Có thể nói các đạo diễn ở Việt Nam thường quen đóng khung diễn viên.
Vì vậy, nếu có cơ hội gặp các đạo diễn, tôi thường bày tỏ với họ mong muốn nhìn mình ở khía cạnh khác thường ngày. Bản thân tôi khi xem lại những vai diễn gần đây còn thấy chán chính mình.
Khi đóng vai khác với mình, người diễn viên mới có sự thử thách, vận dụng kỹ năng để trở thành người khác, khám phá được khả năng của bản thân. Tôi nghĩ là diễn viên, ai cũng cố gắng thoát ra vòng tròn quen thuộc của mình.
Thúy Ngân tin tưởng tôi khi đóng cảnh tình cảm
- Cùng đóng cặp với Thúy Ngân trong "Cây táo nở hoa", nhưng khán giả khen anh và cô ấy đẹp đôi hơn với B Trần. Anh nghĩ sao?
- Thúy Ngân làm việc rất chuyên nghiệp. Cô ấy rất bận rộn, hai người ít có sự tương tác trước khi phim bắt đầu. Nhưng đến trường quay, chúng tôi đều tập trung hoàn toàn cho vai diễn.
Có một số cảnh nhạy cảm, đụng chạm cơ thể, Ngân tỏ ra chuyên nghiệp. Chính nhờ sự tin tưởng của Thúy Ngân, tôi mới tập trung vào cảm xúc của mình.
Là đàn ông có gia đình nên đôi khi Thúy Ngân cũng như các bạn diễn nữ e ngại khi đóng cảnh tình cảm với tôi. Tôi cũng vậy. Tôi phải để ý xem họ có thoải mái hay nhạy cảm không. Nếu họ ngại, tôi sẽ khó thoải mái đụng chạm lúc đứng trước ống kính.
Ngân và tôi thường bàn bạc trước diễn thế nào, bàn tay đặt ở đâu, làm những động tác gì. Bước vào cảnh quay, chúng tôi làm đúng y như đã bàn.
Khi diễn, nhìn ánh mắt Ngân, tôi thấy được cô ấy hoàn toàn tin tưởng mình.
Đỗ An và Lê Thúy hạnh phúc sau nhiều năm kết hôn. Ảnh: NVCC. |
- Sự e ngại của anh có phần nào xuất phát từ vợ - người mẫu Lê Thúy?
- Không. Tôi lên trường quay thì tinh thần hoàn toàn tập trung cho vai diễn. Sự ngại đó bắt nguồn từ việc tôi học diễn xuất ở Mỹ. Tôi được dạy rằng với cảnh yêu đương, đụng chạm cơ thể diễn viên khác giới, bản thân luôn phải lưu ý.
Ở Mỹ, vấn đề lạm dụng tình dục nơi công sở khá nhạy cảm. Dù mình không có ý đó, người nữ cảm thấy như thế, họ la lên và bản thân sẽ dính rắc rối.
Thói quen quan sát tâm lý của bạn diễn theo tôi từ trường đại học đến khi ra phim trường. Nếu bạn diễn không thoải mái, còn lăn tăn về mình, tôi sẽ làm việc ngay với đạo diễn, nhà sản xuất.
- Anh đã từng không được bạn diễn nữ tin tưởng?
- Không đến mức như thế nhưng khi đóng chung với Tú Vi trong phim Glee, tôi chưa hoàn toàn có sự thoải mái. Mới đây, chính Tú Vi đã nói với tôi về việc đó. Lý do là thời điểm đó, cô ấy mang thai, không thể hết mình chạy nhảy được.
Ngành thiết kế mỹ thuật chưa được nhìn nhận đúng
- Anh khẳng định diễn viên chỉ là cuộc chơi, công việc giám đốc mỹ thuật mới là nghề chính. Vì sao anh quyết theo đuổi ngành mà chưa được nhà làm phim Việt đánh giá cao?
- Công việc thiết kế và mỹ thuật vốn nằm trong máu tôi. Bố làm kiến trúc sư nên tôi tiếp xúc với môi trường giàu sáng tạo từ nhỏ. Khi sang Mỹ, tôi học nhiều ngành, kể cả diễn xuất nhưng vẫn chỉ muốn theo thiết kế.
Mỗi lần đọc kịch bản, tôi đã hình dung từng khung hình, nhân vật mặc đồ gì, màu sắc của ghế... Hào quang tôi mong muốn nhất có được từ ngành thiết kế mỹ thuật. Tôi mong muốn thị trường điện ảnh và khán giả nhìn nhận, đặt ngành thiết kế ở vị trí cao hơn.
Những hào quang từ diễn xuất hay ca hát tôi không đam mê. Khi ở Mỹ, tôi đã đi hát tại các trung tâm hải ngoại nhưng cảm thấy không hợp bằng thiết kế.
Đỗ An mong muốn ngành thiết kế mỹ thuật của phim ngày càng phát triển. Ảnh: NVCC. |
- Anh đánh giá gì về ngành mỹ thuật của điện ảnh Việt?
- Càng ngày ngành mỹ thuật điện ảnh càng tiến bộ. Trên thị trường hiện có một số nhân tố như anh Ghia Phạm làm Mắt biếc, chị Hà Đỗ làm Gái già lắm chiêu, Em và Trịnh… Tôi thấy thú vị vì trong thị trường có những đồng nghiệp cùng hướng tới tiêu chuẩn mỹ thuật như mình, muốn nâng tầm mỹ thuật phim điện ảnh.
Mọi người ngày càng nhận ra mỹ thuật trong phim điện ảnh không chỉ là đủ mà còn phải đầy, ấn tượng. Tôi mong muốn sau này nhà sản xuất, đạo diễn nhìn nhận được sự quan trọng của thiết kế và cho nó chỗ đứng xứng đáng.
Thiết kế của phim cần kinh phí hợp lý, đảm bảo chất lượng mỹ thuật. Tôi hy vọng sau này mỹ thuật phim điện ảnh sẽ trở thành một ngành chính trong đại học, bên cạnh thiết kế nội thất, kiến trúc.
Kinh phí của thiết kế mỹ thuật phim điện ảnh hiện khá hạn chế, đứng sau cả thiết bị ánh sáng. Trong khi, đáng lẽ, kinh phí dành cho mỹ thuật phải bằng hoặc cao hơn ánh sáng.
- Theo anh, đạo diễn nào hiện nay chịu đầu tư mỹ thuật cho phim?
- Với tôi, anh Hàm Trần và Victor Vũ là những người đòi hỏi cao về mỹ thuật trong phim. Chẳng hạn, với Thiên thần hộ mệnh, anh Victor Vũ yêu cầu tôi mang đến cho phim vẻ đẹp gây hứng thú về TP.HCM. Anh ấy không thích khai thác khía cạnh nghèo, cũ. Anh muốn vẻ đẹp lạ, khiến mọi người nhìn vào phải ồ lên, hào hứng.
- Anh nghĩ cần phải thay đổi gì để ngành mỹ thuật phim điện ảnh có vị thế hơn?
- Điều tôi trăn trở nhất là đời sống của anh em trong hội thiết kế. Thu nhập của nhân viên thiết kế sau mỗi dự án là 10-15 triệu đồng nhưng họ luôn đi trước, về sau đoàn phim.
Chẳng hạn, đoàn phim đến trường quay 5h sáng thì đoàn thiết kế phải có mặt lúc 3h. Đến khi đoàn phim về nghỉ, họ vẫn làm việc, thu dọn đồ đạc. Họ hiện cũng chưa được nhận lương ngoài giờ.
Nhiều lúc tôi buồn khi gọi điện mời ai đó đi làm cùng thì họ báo đã chuyển nghề vì phải kiếm tiền để lo cho gia đình. Người có tài phải bỏ việc, chuyển hướng thì quả đáng tiếc. Khi nào ngành được nhìn nhận ở vị trí xứng đáng, lúc đó đời sống của nhân viên mới cải thiện.