Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

DN xăng dầu xin trích Quỹ bình ổn giá: Một kiến nghị vô lối

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh song DN kinh doanh xăng dầu lại đang than lỗ, và kiến nghị xin trích Quỹ bình ổn giá.

- Thưa ông, các DN xăng dầu, cụ thể là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang kiến nghị cho phép Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được chi cả trong trường hợp giá giảm thời gian dài (giá cơ sở thấp hơn giá bán), giúp DN không bị mất vốn. Cụ thể, DN đề nghị được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và được lấy Quỹ Bình ổn giá để bù, ông nghĩ như thế nào về kiến nghị này?

- DN kiến nghị như vậy là chỉ đứng về phía họ thôi. Theo quy định, DN xăng dầu phải đảm bảo dự trữ hàng trong 30 ngày. 30 ngày dự trữ này Nhà nước đã tính hết cho anh rồi. Giờ anh lại kiến nghị lấy Quỹ Bình ổn giá là lấy tiền của người tiêu dùng, để bù lỗ cho anh khi giá giảm là điều hết sức vô lý. Vậy ra là người tiêu dùng phải chịu hết lỗ cho anh cả khi giá tăng lẫn khi giá giảm?

DN xăng dầu khi kinh doanh phải biết khi nào nên nhập hàng, khi nào nên xuất hàng, để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh vận hành theo cơ chế thị trường. Còn nếu thị trường biến động thế nào anh cũng “đổ” hết cả lên người tiêu dùng, trong khi anh vẫn còn ít nhiều độc quyền kinh doanh mặt hàng này, thì kinh doanh dễ quá.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

- Nhưng các DN xăng dầu lập luận rằng, việc tính giá xăng dầu bình quân 15 ngày, trong khi DN phải dự trữ 30 ngày khiến giá bán thường thấp hơn giá vốn nhập vào, hệ quả là DN lỗ hàng nghìn tỷ đồng kể từ khi giá xăng dầu trên thế giới liên tục giảm?

- Dự trữ 30 ngày thì DN xăng dầu cũng chỉ phải dự trữ có một lần, có phải lúc nào trong năm anh cũng phải nhập mới hàng về để dữ trữ đâu. Tôi ví dụ, nếu anh mua xăng dầu rồi sau đó giá dầu thế giới lại tăng lên thì sao? Trong trường hợp này sẽ thấy kiến nghị của DN là chưa hợp lý.

Tôi nhắc lại: DN đang chỉ kiến nghị có lợi cho mình. Giá xăng dầu giảm mà DN xăng dầu vẫn kêu lỗ thì tôi cho rằng, đó là do khả năng kinh doanh của anh không nhạy cảm, chưa theo kịp biến động của thị trường. Chưa kể, các DN xăng dầu luôn tiền hậu bất nhất, kêu lỗ song kiểm tra lại lãi. Ở hoàn cảnh nào DN đều than lỗ, song cuối cùng kiểm tra, anh nào cũng lãi vài nghìn tỷ, lỗ thì DN kê rất tỉ mỉ, còn lãi thì chỉ nói chung chung là nhờ vào các hoạt động kinh doanh khác. Điều này không những gây khó hiểu cho dư luận, mà còn khó nhận được sự thông cảm của người tiêu dùng.

- Trong khi kêu lỗ và đề nghị được bù giá, các DN xăng dầu lại đang “lờ” đi khoản chi phí định mức, bởi không có lý do gì cước vận tải nói chung đã giảm mà riêng vận tải xăng dầu lại không điều chỉnh giảm. Ông nghĩ sao về việc chi phí định mức kinh doanh xăng dầu nên về mốc 860 đồng/lít, thay vì giữ ở mức 1.050 đồng/lít như hiện nay?

- Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu đã liên tục được các DN xăng đầu kiến nghị tăng từ năm 2009 đến nay. Một điều đáng lưu ý, là dù bị DN cho rằng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu khá thấp, song từ năm 2009 đến năm 2013, các DN xăng dầu vẫn lãi đều chứ đâu có lỗ.

Năm 2014, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu từ mốc 860 đồng/lít đã được nâng lên 1.050 đồng/lít, như vậy là các DN xăng dầu đã có lợi hơn rất nhiều. Tôi cho rằng, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì lợi ích phải hài hòa. Với ngành xăng dầu thì các DN càng không thể chỉ biết đến lợi ích của mình.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là trích từ tiền của người tiêu dùng, nếu đưa vào để bù lỗ kinh doanh cho DN là không đúng bản chất của quỹ.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là trích từ tiền của người tiêu dùng, nếu đưa vào để bù lỗ kinh doanh cho DN là không đúng bản chất của quỹ.

- Vậy theo ông, để hài hòa lợi ích trong kinh doanh xăng dầu thì phải như thế nào?

- Phải hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước-DN-người tiêu dùng. Với Nhà nước là thuế, giá giảm thì thuế phải tăng lên. Năm 2014, thuế xăng dầu đã điều chỉnh rồi, mức thuế cao nhất có thể lên tới 40%. Với DN xăng dầu chúng ta phải thừa nhận là họ cũng phải kinh doanh có lãi chứ không thể lỗ. DN xăng dầu nhiều năm nay đều công bố có lãi cả. Còn về phía người tiêu dùng, giá tăng lên thì phải chịu mua xăng dầu với giá cao nên khi giá xuống thấp thì người tiêu dùng sẽ được hưởng giá thấp.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay là trích từ tiền của người tiêu dùng, nếu đưa vào để bù lỗ kinh doanh cho DN là không đúng bản chất của quỹ. Cơ chế dù thế nào đi nữa, nhưng nếu chỉ vì lợi ích một phía là không được, không công bằng. Với xăng dầu thì càng phải điều hành cho hợp lý. Còn DN phải nắm bắt thị trường để kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành thị trường trong nước ngày 29/12/2014, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định: “Giá xăng dầu của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay đứng thứ 31 trên thế giới, như vậy là thấp. Điều này thể hiện chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu khá linh hoạt và hợp lý”.


Petrolimex xin chi Quỹ bình ổn xăng dầu khi giá giảm

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa kiến nghị sửa điểm d, điều 37 của Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ.


 

http://danviet.vn/thoi-su/doanh-nghiep-xang-dau-xin-trich-quy-binh-on-gia-mot-kien-nghi-vo-loi-526355.html

Theo Mai Hương/ Dân Việt

Bạn có thể quan tâm