Sát Tết, công trường metro nằm trong lòng trung tâm quận 1, TP.HCM, vẫn rầm rập tiếng máy móc. Anh Trần Hải Trường - công nhân phụ trách khâu rải đế, lót ray tại ga ngầm Bến Thành, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ăn vội ổ bánh mì để bắt đầu công việc.
Trong lớp khẩu trang kín mít cùng chiếc nón bảo hộ, anh Trường thoăn thoắt tay nện từng nhát búa chan chát lên đường ray. Đây là ngày cuối cùng trong năm của anh và tất cả công nhân trên công trường metro số 1 TP.HCM.
Dịch chóng qua, công nhân không phải mất việc
Ngày nhận thông báo trở lại công trường sau 4 tháng giãn cách, Trường phấn khởi đến mất ngủ. Đêm đó, anh gác tay lên trán, nhắm nghiền mắt nghĩ về những ngày sắp tới, nhẹ nhõm khi sắp được trở lại với chiếc áo phản quang quen thuộc.
“Lúc đó với tôi, được đi làm trở lại, được kiếm tiền trang trải cuộc sống đã là hạnh phúc, tưởng mất Tết luôn rồi”, anh cười xòa.
Anh Trần Hải Trường cùng đồng nghiệp thi công rải đế, lót ray. Ảnh: Thư Trần. |
Trường nói Tết năm nay đặc biệt hơn mọi năm, lòng anh vừa nôn nao vừa lo lắng. Nôn nao vì sắp được trở về quê, nhưng buồn vì kinh tế eo hẹp. Nói tới đây, anh chỉ ước năm 2022, những công nhân như anh sẽ không chịu cảnh mất việc vì dịch thêm lần nào nữa.
Xa quê hương đã 7 năm, chị Phạm Thị Thu (công nhân công nhật) và chồng đếm từng ngày trở về Sóc Trăng với hai con. Khác với mọi năm, dù sát ngày Tết, chị Thu vẫn chưa kịp mua sắm gì biếu người thân.
Đợt dịch kéo dài 4 tháng khiến chị bấm bụng vét sạch số tiền tích góp trong một năm qua để trang trải. Nhìn đồng hương, đồng nghiệp bỏ cuộc về quê sau dịch, chị Thu không ít lần lung lay.
“Thế nhưng, lần đầu được làm công trình lớn như vậy, thu nhập cao, yêu cầu an toàn được đảm bảo, tôi đổi ý và gắng bám trụ lại. Bây giờ đã tốt rồi”, chị lạc quan.
Năm mới, chị Thu ước mong dịch sớm qua đi, thành phố lại tiếp tục những ngày nhộn nhịp. Vợ chồng chị có thể yên tâm làm việc tại công trình để kiếm thêm thu nhập.
Chị Phạm Thị Thu, công nhân công nhật tại công trường ga ngầm Bến Thành. Ảnh: Thư Trần. |
Chị Mai Thị Vân, công nhân vệ sinh bê tông, làm đẹp bề mặt, cho biết đây là năm đầu tiên chị làm việc tại công trình. Trải qua đợt dịch khó khăn, chị Vân và gia đình nhỏ quyết định không về Thanh Hóa mà ở lại thành phố đón Tết.
Thấy ai rục rịch về quê, chị Vân lại nao lòng. Chị mong năm mới, cuộc sống của chị sẽ ổn định, dịch chóng qua đi, nhịp sống trở lại bình thường. Chị có thể tự tin về quê đón Tết, sum họp với người thân ở nơi chôn rau cắt rốn.
Trong tầng ngầm sâu hút, Vũ Đình Hiệp, giám sát công trường metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cẩn thận rọi đèn quan sát tổ công nhân lắp hệ thống điều hòa không khí.
Anh Vũ Đình Hiệp, giám sát công trường metro số 1. Ảnh: Thư Trần. |
Vừa làm, anh kể vào giáp Tết mọi năm, anh nôn nao sớm được kết thúc công việc, cởi lớp đồ bảo hộ nặng trịch hông để ra đường dạo mát và mua sắm cùng gia đình. Thế nhưng, với một năm chứng kiến nhiều đồng nghiệp mất mát, có người quay về, có người chẳng thể gặp lại, lòng anh chùng xuống.
“Một năm đảo lộn sẽ qua đi, anh em chúng tôi lại được hăng say làm việc, tiến độ công trình sẽ được bù đắp và sớm hoàn thành”, Hiệp nói với nụ cười tràn đầy hy vọng. Đó là mong ước chung của anh Hiệp, anh Trường, chị Thu, chị Vân và rất nhiều anh em công nhân khác đang thầm lặng góp sức vào công trường mỗi ngày.
Thi công xuyên Tết nhiều hạng mục
Trên công trường ga ngầm Bến Thành, ông Vũ Hoàng Hải, Kỹ sư trưởng gói thầu CP1a (xây dựng ga ngầm Bến Thành đến ga Nhà hát TP), cho biết đơn vị đang dốc toàn lực thi công kiến trúc, cơ điện, lối vào và tái lập mặt bằng nhà ga.
Theo ông Hải, việc thi công tái lập mặt bằng và giải tỏa một phần tường chắn trước đó dự kiến diễn ra trong 2 tháng, từ 4/6 đến 4/8. Tuy nhiên, dịch diễn biến căng thẳng vào thời điểm đó khiến kế hoạch này gián đoạn.
Ông Nguyễn Bùi Minh Quân (quyền Giám đốc Ban quản lý dự án 1, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) cho biết gói thầu số 1A (công trường xây dựng ga ngầm trung tâm Bến Thành và đường đào hở Lê Lợi) là một trong những gói thầu có tiến độ khả quan nhất dự án.
Nhà ga metro Bến Thành dài 236 m, rộng 60 m, sâu 32 m, quy mô 4 tầng. Ảnh: Chí Hùng. |
"Toàn công trường huy động công nhân, máy móc để đẩy nhanh tiến độ san lấp cát, tái lập mặt bằng. Sau Tết, mặt bằng được chuẩn bị sẵn để bắt đầu thảm nhựa, hoàn trả mặt bằng khu công viên trung tâm và những tuyến đường xung quanh", ông Quân nói.
Theo kế hoạch của nhà thầu 1A, từ 26/1 đến 29/1, công trường bắt đầu giãn dần. Công nhân sẽ bàn giao công việc để về quê nghỉ Tết và trở lại làm việc vào mùng 8-9 tháng giêng. Tuy nhiên, trong Tết, công trường duy trì thi công đối với một số hạng mục cần thiết như san lấp cát để đảm bảo tiến độ có mặt bằng sau Tết.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tháng 5 có thể bàn giao mặt bằng cho thành phố”, ông Quân nói.
Ông Nguyễn Bùi Minh Quân cho biết thêm hiện nay, hơn 11 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã nhập khẩu về Việt Nam và đặt tại depot Long Bình. Sắp tới, nhà thầu gói số 3 sẽ phối hợp các nhà thầu xây dựng để hoàn thành công tác kéo cáp điện đoạn ga trên cao.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tiến độ là trong quý II/2023 có thể chạy thử tàu trên khu vực depot. Công tác chạy thử là tiền đề quan trọng để thực hiện tiếp bước cân chỉnh các thử nghiệm cần thiết cho hệ thống đoàn tàu trước khi vận hành chính thức”, ông Quân nói.