Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Điều ông Biden trông chờ từ dự luật Giảm lạm phát

Bên cạnh viễn cảnh về một tương lai sáng hơn cho nước Mỹ, các nhà phân tích dự đoán một số nguy cơ với nền kinh tế nước này nếu dự luật Giảm lạm phát được thông qua.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Brian Schatz đã bật khóc khi dự luật Giảm lạm phát được thông qua tại Thượng viện Mỹ hôm 7/8. Ông Schatz ca ngợi đây là “một chiến thắng lịch sử cho nước Mỹ và cho cả hành tinh”.

Các nhà lập pháp khác của đảng Dân chủ cũng không khỏi xúc động. Họ vui mừng, hò reo, bắt tay và ôm nhau để chúc mừng cho một dự luật dự kiến có thể tác động và thay đổi sâu sắc nền kinh tế Mỹ.

Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây cũng được xem là một chiến thắng quan trọng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sau thời gian chính quyền của ông bị suy giảm uy tín nghiêm trọng.

Dự luật Giảm lạm phát được thông qua với 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Trong đó, lá phiếu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là lá phiếu quyết định, theo Washington Post.

Tuy nhiên, dù được các nhà lập pháp đảng Dân chủ ca ngợi, với viễn cảnh đạo luật Giảm lạm phát (IRA) gần như chắc chắn được thông qua ở Hạ viện, các chuyên gia không chỉ thấy màu hồng trong tương lai của nền kinh tế Mỹ.

Cột mốc quan trọng

Kết quả cuộc bỏ phiếu được xem là một cột mốc quan trọng trong hành trình thực hiện lời hứa được đưa ra hồi đầu năm 2021 của đảng Dân chủ. Theo đó, đảng của Tổng thống Biden hứa sẽ đưa ra giải pháp cứu trợ tài chính cho người dân Mỹ.

Du luat Giam lam phat o My anh 1

Phó tổng thống Kamala Harris là người bỏ lá phiếu quyết định để dự luật Giảm lạm phát được thông qua ở Thượng viện Mỹ. Ảnh: AFP.

Dự luật Giảm lạm phát được xem là gói tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trong đó, Mỹ sẽ chi 369 tỷ USD cho các nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 40% so với năm 2005 vào cuối thập niên này.

Cụ thể, chính quyền sẽ có những khoản đầu tư cho năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Dự luật cũng cung cấp các quy định tạo điều kiện cho người dân mua xe điện mới hoặc đã qua sử dụng, lắp hệ thống làm mát và sưởi ấm tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, 64 tỷ USD trong dự luật sẽ được chi cho Đạo luật Chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng (ACA). Ngoài ra, các quy định còn hướng đến điều chỉnh thuế liên bang, chủ yếu nhắm vào các hành vi trốn thuế và gian lận thuế.

Đảng Dân chủ cho biết IRA dự kiến mang về cho nước Mỹ thêm 313 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp, 288 tỷ USD từ cải cách giá thuốc kê đơn, 138 tỷ USD từ thu thuế và lãi suất. Các nguồn thu trên có thể giúp chính phủ Mỹ giải quyết tình trạng giảm thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới.

"Chiến thắng lịch sử"

“Đây là một trong những đạo luật quan trọng nhất được thông qua trong thập kỷ qua”, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết trước khi dự luật được thông qua tại Thượng viện. Nó sẽ giải quyết “những điều mà người Mỹ đã ao ước và không thể thực hiện được”.

Dù vậy, trước khi được thông qua tại Thượng viện Mỹ, dự luật Giảm lạm phát đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những đảng viên đảng Cộng hòa.

Du luat Giam lam phat o My anh 2

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho rằng dự luật Chống lạm phát là một trong những điều luật quan trọng nhất được thông qua trong thập kỷ qua. Ảnh: New York Times.

Trong suốt gần 19 giờ tranh luận, các đảng viên đảng Cộng hòa cho rằng IRA sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát, nhất là trong thời điểm giá cả nhiều mặt hàng ở Mỹ đang tăng lên với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ qua.

Mặc dù dự luật không tăng thuế đối với cá nhân, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng các quy định về thuế sẽ là mối đe dọa đối với người lao động và tiền lương của họ, theo Washington Post.

“Dự luật không đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ và suy thoái. Nói đúng hơn, dự luật Giảm lạm phát 2022 áp cho chúng ta thuế cao hơn, khiến chi tiêu nhiều hơn, giá cả cao hơn”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Crapo, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, cho biết.

Trước khi dự luật được thông qua 2 ngày, báo cáo lao động liên bang cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tất cả công việc bị mất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Điều này phần nào giảm nhẹ mối lo của chính quyền Tổng thống Joe Biden về một cuộc suy thoái mới đang đến gần. Đồng thời, nó cũng củng cố niềm tin rằng đây là thời điểm thích hợp để dự luật Giảm lạm phát nên được thông qua.

Sau khi dự luật được thông qua tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Biden có bài phát biểu ca ngợi đảng Dân chủ “đứng về phía các gia đình Mỹ vì lợi ích đặc biệt”. Ông Biden cũng khuyến khích Hạ viện Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật.

Tác động không đáng kể

Đạo luật Giảm lạm phát được chính quyền Tổng thống Joe Biden mong đợi sẽ là một giải pháp nhằm kiềm chế mức lạm phát tăng cao sau khi vượt mức kỷ lục năm 1981.

Dù vậy, một số chuyên gia dự đoán rằng đạo luật này sẽ tác động không đáng kể đến việc giảm chi phí hàng hóa mà chỉ góp phần giúp cho nền kinh tế Mỹ giảm phụ thuộc vào giá năng lượng quốc tế về dài hạn.

Theo tiến sĩ kinh tế Cem Oyvat thuộc Đại học Greenwich (Anh), dự luật này chỉ đem lại những tác động tích cực nhỏ trong nỗ lực giảm lạm phát. Vị này cho rằng tình trạng lạm phát mà nước Mỹ đang phải đối mặt chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung và giá nhiên liệu cao.

“Nếu IRA hướng nước Mỹ tới việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nó sẽ giúp hạ giá thành và nhu cầu toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch. Cả hai yếu tố sẽ đều giúp giảm lạm phát”, ông Cem cho hay.

Một phân tích của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho thấy gói dự luật này sẽ thúc đẩy lạm phát đi đúng hướng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách “có ý nghĩa”.

Dự luật Giảm lạm phát có thể đưa Mỹ đến năm 2030 giảm từ 31% đến 44% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005, thay vì chỉ giảm được trong khoảng từ 24% đến 35% nếu không có dự luật này, theo phân tích của công ty tư vấn năng lượng sạch Rhodium Group.

Du luat Giam lam phat o My anh 3

Các nhà hoạt động tuần hành phản đối giá thuê nhà tăng ở New York hồi tháng 8/2021. Ảnh: AP.

Chia sẻ với Reuters, bà Madhavi Bokil, phó chủ tịch cấp cao của Moody’s, cho biết dự luật sẽ chưa giúp giảm lạm phát ngay trong “năm nay hoặc năm sau”.

Tuy nhiên, bà Bokil dự đoán dự luật Giảm lạm phát, nếu được thông qua, sẽ góp phần hạ lạm phát trong hai đến ba năm tới vì nó thúc đẩy năng suất của nền kinh tế.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất nhằm giảm lạm phát cùng với một bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảm đạm, các nhà quan sát thị trường cho rằng một cuộc suy thoái là điều khó có thể tránh khỏi đối với nước Mỹ, theo Washington Post.

Trả lời Fortune, ông Randall Kroszner, cựu Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho rằng một cuộc suy thoái nhiều khả năng sẽ xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay hoặc sang năm.

Tuy vậy, ông Kroszner cũng trấn an rằng kịch bản xấu nhất về “cuộc đại suy thoái thập niên 1980” sẽ không lặp lại.

Lá phiếu của bà Harris mang đến chiến thắng lớn cho ông Biden

Thượng viện Mỹ hôm 7/8 thông qua dự luật trị giá 430 tỷ USD với 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Điều này được coi là chiến thắng lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

FED tăng lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 27/7 tiếp tục nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm trong nỗ lực kiểm soát lạm phát giá cả đang bóp nghẹt các gia đình Mỹ.

Hương Vũ - Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm