Trong những năm gần đây, sự khác biệt giữa iOS và Android đang ngày càng được thu hẹp. Người dùng dường như khó có thể phân biệt giữa iPhone và các dòng smartphone flagship chạy Android. Thậm chí, nhiều tính năng vốn đặc trưng trên điện thoại của Apple giờ cũng đã xuất hiện trên Android và ngược lại.
Tuy nhiên, theo BGR, 2 hệ điều hành này vẫn có những khác biệt nhất định. Theo khảo sát ở diễn đàn người dùng iPhone trên Reddit, dưới đây là những tính năng họ tiếc nuối nhất khi chuyển từ Android sang dùng iOS.
Trợ lý ảo yếu kém
Đa số người dùng cho biết điều khiến họ cảm thấy khó chịu nhất khi sử dụng iOS là không có trợ lý ảo Google Assistant. Xuất hiện trên các thiết bị Android từ năm 2017, tính năng này sử dụng trí thông minh nhân tạo để tương tác trực tiếp với người dùng.
Khi đặt trên bàn cân so sánh với Google Assistant, Siri vẫn tỏ ra thua kém ở nhiều mặt. Ảnh: Business Insider. |
Ví dụ, họ có thể tìm kiếm thông tin bằng giọng nói giúp tiết kiệm thời gian, hay nhận thông tin chỉ đường ngay lập tức bằng giọng nói mà không cần cầm vào điện thoại với Google Assistant.
Mặc dù iOS cũng được tích hợp sẵn trợ lý ảo Siri, người dùng cho rằng tính năng này của Apple vẫn còn thua xa so với Google Assistant. “Không có Google Assistant là một thiếu sót lớn. Cô trợ lý ảo này rất thông minh và nhanh nhẹn”, một người dùng Reddit chia sẻ. “Google Assistant chắc chắn tốt hơn Siri của Apple”, một người dùng khác khẳng định.
Sự yếu kém của Siri không còn là điều gì xa lạ với người dùng, BGR nhận định. Tuy đã được ra mắt hơn 10 năm, trợ lý ảo này vẫn phải “chào thua” trước tốc độ và tính tương thích của các đối thủ Google Assistant của Google và Alexa của Amazon.
Một cuộc khảo sát của Stone Temple đã chỉ ra với 5.000 câu hỏi và phép thử khác nhau, Google Assistant đạt tỷ lệ chính xác lên đến 91%. Trong khi đó, trợ lý ảo xếp cuối cùng là Siri với 62% câu trả lời đúng. Theo một nghiên cứu khác của công ty tư vấn ROAST, Google Assistant đạt tỷ lệ chính xác cao nhất, tới 45% với hơn 10.000 câu hỏi.
Thiếu sót nhiều tính năng hữu ích
Ngoài trợ lý ảo yếu kém, một trong những yếu tố thiết kế gây tranh cãi nhất của iPhone khi nó được phát hành là hệ điều hành này thiếu nút quay lại vốn thường xuất hiện trên hầu hết thiết bị Android.
Nút này sẽ giúp quay lại màn hình trước đó, cho phép người dùng dễ dàng điều hướng thiết bị của họ. “Nút bấm quay lại là một tính năng rất quan trọng với tôi”, một người dùng chia sẻ.
Nguyên nhân đằng sau sự thiếu sót này bắt đầu từ năm 2007, khi chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện. Lúc đó, Steve Jobs muốn thêm một nút quay lại trên thiết bị của mình. Nhưng Imran Chaudhri, nhà thiết kế giao diện có kinh nghiệm 19 năm làm việc tại Apple, đã phản đối và cho rằng nút bấm này khiến smartphone trở nên phức tạp và rối rắm hơn.
Nhiều người dùng nói rằng họ thấy hối hận khi chuyển sang dùng iPhone. Ảnh: Adobe Stock. |
Sau đó, nút bấm này đã bị thay thế bằng cử chỉ vuốt và các mũi tên quay lại trên iOS.
Bên cạnh đó, người dùng còn cho biết iPhone không có bàn phím tiện dụng như trên Android. Nguyên nhân là bàn phím trên iOS sở hữu một thiết kế đơn giản, trong khi đó người dùng Android lại quen sử dụng kiểu bàn phím đa năng, đa công cụ trên Android.
“Khả năng gõ chữ và kiểm tra lỗi chính tả trên bàn phím Android đều vượt xa iOS. Tôi có thể cài đặt Gboard trên iOS, nhưng nó không hoạt động hiệu quả như trên Android”, một người dùng chia sẻ.
Hệ điều hành của Táo khuyết còn bị phàn nàn vì khả năng chặn các cuộc điện thoại rác yếu kém. Với ứng dụng gọi điện thoại và nhắn tin trên Android, người dùng có thể sử dụng các bộ lọc cuộc gọi hoặc tin nhắn ảo một cách tiện lợi. Ngược lại, trên iOS, họ chỉ có thể lựa chọn giữa việc trả lời hoặc từ chối những cuộc gọi đó.
“Android có bộ lọc cuộc gọi rác xuất sắc hơn hẳn. Trong khi đó, mỗi lần sử dụng iPhone tôi đều phải tự tay chặn các số lạ. Điều này khiến tôi vô tình bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng”, một người dùng nói.
Cuối cùng, theo BGR, nhiều người dùng cũng nói rằng họ cảm thấy hối hận khi chuyển sang iOS vì không thể tùy chỉnh âm lượng cho từng loại thông báo khác nhau, giao diện ứng dụng Ảnh lộn xộn, thiếu logic…