Theo cuốn Nghi lễ dân gian - Nghi lễ cúng gia tiên, lễ giao thừa (còn gọi: lễ trừ tịch) là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán.
Đây là lễ dâng hương vào giây phút chuyển vận giữa giờ cuối cùng (giờ Hợi) của ngày cuối cùng thuộc tháng chạp năm cũ với giờ khởi đầu (giờ Tý) của ngày đầu tiên thuộc tháng giêng năm mới.
Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan đến mọi sự hay, dở của mọi người trong gia đình trong cả năm mới. Cũng vào giây phút ấy, mọi người quên đi tất cả điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Bên cạnh đó, cúng giao thừa còn có ý nghĩa tưởng nhớ công đức của cha ông và mời gọi tổ tiên về nhà ăn Tết.
Để lễ cúng giao thừa diễn ra trọn vẹn, suôn sẻ, gia chủ cần lưu ý một số nghi thức, điều cần chuẩn bị.
Lễ giao thừa (còn gọi: lễ trừ tịch) là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Thời điểm: cúng giao thừa có thể tiến hành từ 23h ngày 30 tháng chạp (hoặc ngày 29 nếu tháng thiếu) đến trước 1h ngày 1 tháng giêng. Đây là thời điểm bao hàm 1 giờ của năm cũ và 1 giờ của năm mới, cũng là thời gian Quan hành khiển cũ bàn giao lại công việc, đón Quan hành khiển mới nhậm chức.
Cúng giao thừa ngoài trời:
Sắm lễ: Theo cuốn Nghi lễ dân gian - Nghi lễ cúng gia tiên, lễ vật cúng giao thừa ngoài trời cần có hương, nến, trầu, rượu, vàng, tiền (hàng mã), hoa quả; ngoài ra còn cần đồ chín như thủ lợn hoặc gà trống luộc, xôi nếp, bánh chưng...
Lễ vật được chuẩn bị từ trước thời điểm giao thừa, đặt trên bàn hoặc mâm lớn rồi kê trên một cái đôn, không để trên mặt đất. Tới đúng thời điểm giao thừa thì thắp đèn, hương, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái. Nếu viết văn khấn ra giấy để đọc thì ngay sau khi đọc xong sẽ đốt cùng tiền, vàng dâng cúng.
Gà luộc là một trong những lễ vật cơ bản của mâm cúng giao thừa. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Lễ cúng giao thừa trong nhà:
Sắm lễ: lễ vật tương tự mâm cúng ngoài trời, gồm các món hương, hoa, quả, đèn (nến), bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc chay đầy đặn. Sau khi bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương và thành kính cầu khấn.
Mâm lễ cúng chủ yếu ở sự thành tâm, không cần quá cầu kỳ nhưng không vì thế mà được phép sơ sài. Tùy từng vùng miền, địa phương, mâm cúng có thể có khác biệt song cơ bản có hương, đèn, trà rượu, hoa quả, xôi, gạo muối, bánh chưng...
Ngoài những điều trên, trong đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình sum vầy đầy đủ, cần lưu ý hòa thuận, tránh cãi vã, to tiếng hay tạo tiếng động lớn, rơi vỡ để tránh điều không may.