Lạm phát, quyền phá thai hay bạo lực súng đạn được cho là những vấn đề sẽ có tác động lớn đến cục diện của cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.
Không phải những vấn đề mới, nhưng tình hình kinh tế Mỹ trong năm nay, các vấn đề về quyền tiếp cận phá thai sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, và tranh cãi sau các vụ xả súng hàng loạt sẽ là tâm điểm chú ý của cử tri. Đồng thời, thông điệp của những ứng viên về các lĩnh vực này cũng sẽ phần nào quyết định chiếc ghế tranh cử thống đốc và hai viện Quốc hội sẽ thuộc về đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
Kinh tế Mỹ đang có những điểm khởi sắc trước thềm bầu cử, khi giá nhiên liệu giảm và tiền lương tăng. Dù vậy, phần lớn cử tri vẫn có cái nhìn bi quan về nền kinh tế. Cử tri cho biết họ nghe nhiều về các mức lạm phát cao kỷ lục hơn là thông tin giá nhiên liệu và tiền lương.
Theo Politico, 2/3 cử tri được khảo sát tin rằng nền kinh tế đang suy thoái. Đây là tuần thứ 16 liên tiếp khảo sát của Politico/Morning Consult ghi nhận hơn 60% cử tri cho rằng kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái. 43% cử tri nói rằng kinh tế là ưu tiên hàng đầu để họ chọn ứng viên cho kỳ bầu cử giữa kỳ.
Dù có những thay đổi về quan điểm của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về tình hình kinh tế tùy vào hoàn cảnh, nhìn chung, hai đảng luôn tồn tại những triết lý khác biệt, theo Diffen.
Đảng Dân chủ ưu tiên các chính sách kinh tế mang lại lợi ích cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Họ cho rằng giảm bất bình đẳng thu nhập là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các đảng viên Dân chủ truyền thống cũng ủng hộ học thuyết kinh tế Keynes, vốn nhấn mạnh việc chính phủ can thiệp sâu rộng vào nền kinh tế để ngăn chặn suy thoái.
Đảng Dân chủ ủng hộ thuế lũy tiến - với việc các cá nhân có thu nhập cao phải nộp thuế ở mức cao hơn.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa chú trọng vào kinh tế trọng cung, chủ yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Lập trường này cho rằng việc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp cho phép họ thuê nhiều lao động hơn, do đó làm tăng nhu cầu và tăng trưởng.
Đảng Cộng hòa ủng hộ theo đuổi sự thịnh vượng mà không có sự can thiệp của chính phủ. Đảng này muốn một chính phủ thu gọn, cả về nhân sự lẫn vai trò. Họ cho rằng thịnh vượng có được là nhờ kỷ luật và hành động tiết kiệm, đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp.
Đảng này muốn một mức thuế bình đẳng bất kể thu nhập, và cho rằng chính phủ thu gọn sẽ giảm đi nhu cầu tiền thuế để duy trì bộ máy.
Tranh luận về quyền phá thai không phải điều mới tại Mỹ. Tuy nhiên, những tranh cãi trong năm nay được đẩy lên một mức độ mới, với mồi lửa là việc Tòa án Tối cao quyết định lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade, khiến khả năng phụ nữ tiếp cận quyền phá thai bị đe dọa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong những tuần cuối của kỳ bầu cử, đã không ngừng hỗ trợ truyền tải lập trường của đảng Dân chủ về quyền phá thai. Theo Reuters, ông Biden đang mong muốn thông qua luật bảo vệ quyền phá thai nếu đảng Dân chủ chiến thắng sau kỳ bầu cử lần này.
Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC hôm 21/10 rằng ông sẽ làm gì để bảo vệ quyền của phụ nữ nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Quốc hội, ông trả lời: "Phủ quyết bất cứ điều gì họ làm".
Sau mỗi vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ, tranh cãi về quyền kiểm soát súng đạn lại trở nên rầm rộ. Trong năm nay, súng đạn tiếp tục là vấn đề nổi cộm, đặc biệt là sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas và xả súng ngay trong ngày Quốc khánh Mỹ.
Theo khảo sát của Politico, 60% người được hỏi cho rằng tội phạm là lĩnh vực quan trọng quyết định đến lá phiếu chỉ sau kinh tế và quyền phá thai. Hơn một nửa kết quả khảo sát nói rằng tỷ lệ tội phạm gia tăng là do “có quá nhiều súng”. Việc kêu gọi thông qua luật cải cách súng đạn cũng được coi là ưu tiên của 2/3 số người được khảo sát.
Dù khó thay đổi Tu chính án thứ hai - cho phép người dân sở hữu súng, đảng Dân chủ muốn thắt chặt thủ tục để công dân có thể sở hữu súng như kiểm tra lý lịch, nâng quy định về độ tuổi mua súng, hay cấm mang theo súng được giấu kín khi tới những sự kiện đông người.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ lập trường của phe đối lập và ủng hộ Tu chính án thứ hai, cho rằng việc sở hữu vũ khí cá nhân sẽ giúp mọi người an toàn. Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng được cho là có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn sản xuất vũ khí.
Hình ảnh tràn ngập trong hơn 100 quảng cáo tranh cử trong nửa đầu năm nay của đảng Cộng hòa chỉ toàn là súng, trong khi phe Dân chủ không đề cập nhiều về vấn đề này. Do đó, vấn đề kiểm soát súng đạn cũng có thể được xem là "chiến trường" để các ứng viên tranh cử giữa kỳ đưa ra quan điểm thu hút cử tri.
Đảng Cộng hòa đặc biệt coi trọng an ninh biên giới và ủng hộ mạnh mẽ trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, trong khi phe Dân chủ có xu hướng nới lỏng và hỗ trợ người nhập cư không giấy tờ để họ được nhập cư hợp pháp, theo khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Theo khảo sát, có 91% người ủng hộ đảng Cộng hòa muốn tăng cường an ninh tại biên giới Mỹ - Mexico, và 79% muốn tiếp tục trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Ở chiều ngược lại, phần đông người theo đảng Dân chủ muốn có những cách thức để người nhập cư có thể ở lại hợp pháp. 88% ý kiến từ phía đảng này cho rằng những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ nên được ở lại.
Đảng Dân chủ tin rằng biến đổi khí hậu là mối nguy hiện hữu với an ninh quốc gia, nền kinh tế và sức khỏe. Đảng này cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đưa Mỹ trở thành siêu cường năng lượng sạch trên thế giới bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Ngược lại, đảng Cộng hòa lập luận rằng các mục tiêu giảm carbon ràng buộc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của Mỹ. Đảng này đã có động thái ngăn Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) điều chỉnh lượng khí thải carbon, cũng như phản đối hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2019. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.