Cuốn Hà Nội chỉ nam được in lần đầu cách đây gần 100 năm, là một cuốn sách đầu tiên theo dạng chỉ dẫn du lịch về Hà Nội, trong đó giới thiệu về lịch sử hình thành của thành phố từ xưa đến nay, chỉ dẫn chi tiết về tên đường, phố, giới thiệu đầy đủ địa chỉ các công sở, trường học, bệnh viện, hiệu sách, quán ăn, điểm tham quan, vui chơi giải trí và cả các tuyến đường giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh.
Trong danh mục tên đường phố Hà Nội, có phố Cao Đắc Minh, với lời giải thích: Phố bắt đầu từ phố Duvillier đến đường Sinh Từ.
Phố Duvillier, chính là phố Nguyễn Thái Học ngày nay, tên thông thường là phố Hàng Đẫy. Còn đường Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến. Xưa đường này gọi tên là Sinh Từ vì trong ngõ Hàng Đũa ở trên đường này xưa có sinh từ (đền thờ sống) viên Kinh lược sứ Bắc kỳ, Tổng đốc Hà – Ninh (Hà Nội và Ninh Bình xưa) Nguyễn Hữu Độ.
Như vậy, phố Cao Đắc Minh chính là phố Văn Miếu ngày nay, và tên phố chỉ dùng để chỉ gọi cho đoạn đường từ Nguyễn Thái Học đến Nguyễn Khuyến hiện nay.
Phố Cao Đắc Minh chính là phố Văn Miếu ngày nay. |
Vậy Cao Đắc Minh là ai? Hà Nội chỉ nam giải thích: “Ông này là một nhà phi hành đầu tiên ở ngoài Bắc ta, bị ngã tàu bay chết trong Nam kỳ”. Sách này không giải thích rõ Cao Đắc Minh xuất thân như thế nào.
Tài liệu "Tên đường phố và làng xã Hà Nội qua những lần thay đổi" đăng trên website Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích rõ hơn: “Cao Đắc Minh người tỉnh Sơn Tây, phi công trong quân đội Pháp trong Chiến tranh thế giới I, chết vì tai nạn máy bay”.
Như vậy, Cao Đắc Minh nằm trong số những người Việt đầu tiên tham gia lái máy bay trong quân đội Pháp, cùng với Phan Tất Tạo, Felix Xuân Nha, Đỗ Hữu Vị… Trong đó Đỗ Hữu Vị là nổi tiếng nhất bởi có chiến công trong không chiến, và cũng bởi con nhà thế gia, khi bố ông là Đỗ Hữu Phương, người có hàm Tổng đốc và được xếp hàng thứ hai trong số những người giàu nhất Nam kỳ (Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định).
Cả Đỗ Hữu Vị và Cao Đắc Minh đều chết vì tai nạn máy bay và được đặt tên đường dưới thời thuộc Pháp. Ở Hà Nội, tên Đỗ Hữu Vị được đặt cho con đường trước cửa thành Hà Nội, nay là phố Cửa Bắc. Hình ảnh ông này còn được in vào tem phát hành khắp Đông Dương.
Tuy nhiên cái tên phố Cao Đắc Minh có lẽ không thông dụng trong dân chúng lắm, vì trên tờ Hà Thành ngọ báo ra ngày 17/6/1933, có một tin tiêu đề vẫn phải mượn tên phố Sinh Từ vào: "Một vụ án mạng rất ghê gớm tại phố Cao Đắc Minh sau phố Sinh Từ”.
Sau cách mạng tháng Tám, thì theo sách Bản đối chiếu tên phố Hà Nội mới và cũ, do Nhà xuất bản Đại La phát hành năm 1946, cho biết, ngày 1/12/1945, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng đã cho đổi tên phố này thành phố Sĩ Nhiếp.
Sách này cho biết, thành phố Hà Nội đã quy hoạch lại tên các phố quanh khu vực Văn Miếu theo tên các bậc tôn sư, danh sĩ thời phong kiến, như đặt tên các phố Ngô Sĩ Liên, Chu Văn An, Phan Phu Tiên vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Phố Cao Đắc Minh được đổi tên thành Sĩ Nhiếp, theo tên viên thái thú quận Giao Chỉ thời Bắc thuộc đời Ngô Tấn (thế kỷ thứ 3), người đã mang việc học chữ Hán và truyền bá Khổng giáo sang nước ta.
Đến thời kỳ Hà Nội nằm trong sự quản lý của Pháp sau ngày toàn quốc kháng chiến, năm 1949 chính quyền Hà Nội thuộc Pháp lại đổi tên phố thành phố Văn Miếu. Tên đó được sử dụng cho đến ngày nay.
Theo sách Từ điển đường phố Hà Nội của Giang Quân, phố Văn Miếu được nhân dân quen gọi là phố Hậu Giám. Còn các sách xưa hơn cho biết, thời Lê, phố có tên là phố Hàng Cơm, do trên phố có nhiều hàng cơm phục vụ các sĩ tử ra học tập ở Quốc Tử Giám. Đối diện phía bên kia Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có ngõ Hàng Cháo, rồi phía trước cổng Quốc Tử Giám chếch về bên phải, có phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng) cũng có tên vì chuyên bán các loại thực phẩm này.