Rạng sáng 23/6, Apple đã tổ chức lễ ra mắt trong sự kiện WWDC 2020. Do tình hình của dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên buổi chia sẻ được làm hoàn toàn trực tuyến.
Ra mắt trực tuyến trong mùa dịch đã trở thành hình thức phổ biến, khi mọi công ty đều phải lựa chọn hình thức này. Tuy nhiên, cách ra mắt của Apple vẫn tạo nên sự khác biệt, bởi nó giống như một bộ phim không hề có độ trễ hay lỗi nào trong suốt 2 giờ.
Hình ảnh ấn tượng mở đầu cho màn ra mắt WWDC 2020 trực tuyến của Apple. |
"Sân khấu Apple Park không khán giả thật sự ấn tượng", phóng viên Shara Tibken của Cnet viết trên trang cá nhân, khi hình ảnh mở đầu của sự kiện là CEO Tim Cook ngồi chia sẻ với hàng ghế trống và những ánh đèn sân khấu làm nền.
Bộ phim của Apple
Đó không phải là lần duy nhất Apple gây ấn tượng về mặt thị giác trong sự kiện trực tuyến. Suốt gần 2 giờ đồng hồ sau đó, những đoạn nói chuyện của các lãnh đạo và quản lý Apple lần lượt được trình chiếu như những đoạn quảng cáo, tất nhiên với thời lượng dài hơn.
Apple thể hiện sự chăm chút cho từng đoạn giới thiệu, khi mỗi đoạn phim đều được quay ở những bối cảnh, phông nền khác nhau. Tim Cook ngồi trong sân khấu của Apple Park. Craig Federighi, Phó chủ tịch phần mềm nói trong căn phòng với màn chiếu sau lưng.
Những đoạn giới thiệu được chuyển cảnh liên tục, khiến người xem bớt nhàm chán. |
Cindy Lin, quản lý mảng truyền thông giới thiệu tvOS trong một phòng khách của gia đình. Johny Srouji, Phó chủ tịch công nghệ phần cứng nói về dự án chuyển đổi sang CPU ARM trong căn phòng chứa đầy những chiếc Mac và các phần cứng của Apple.
Tất cả đều rất hợp lý, và rất... đẹp. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyển cảnh liên tục nhưng cũng rất tự nhiên khiến cho quá trình theo dõi sự kiện WWDC 2020 luôn tạo được hứng thú và không hề nhàm chán, thậm chí đôi lúc còn hào hứng hơn một số sự kiện gần đây của Apple được tổ chức trong khán phòng với đầy đủ khán giả.
Để ví von, sự kiện WWDC 2020 giống như một bộ phim. Bạn có thể tua qua từng đoạn và luôn nhận ra một cảnh đẹp, ấn tượng trong bộ phim đó. "Kịch bản"' của bộ phim này cũng khá chặt chẽ, với phần "cao trào" là CPU Apple Silicon được để sau cùng.
Chỉ Apple nhìn ra sự khác biệt?
Chẳng khó để nhận thấy WWDC 2020 khác biệt với những sự kiện công nghệ diễn ra nửa đầu năm 2020 thế nào. Vì tình hình dịch bệnh, các hãng công nghệ đều phải chuyển đổi sang ra mắt trực tuyến.
Tuy nhiên, cách ra mắt của phần lớn hãng công nghệ đơn giản là chuyển một sự kiện ra mắt thông thường lên phát trên mạng. Vẫn là một vị lãnh đạo công ty đứng trên sân khấu nói với khán giả. Phía sau vẫn sẽ là một màn hình hiển thị các thông tin. Khi phát sóng trên mạng, hình ảnh của vị lãnh đạo và bảng thông tin sẽ được để cạnh nhau để minh họa cho những phát ngôn.
Nói cách khác, nếu bạn từng theo dõi một sự kiện ra mắt sản phẩm thông thường qua mạng cách đây vài năm, thì trải nghiệm xem sự kiện diễn ra trong mùa Covid-19 vẫn y hệt như vậy.
Sự kiện ra mắt Huawei P40 Pro, diễn ra vào tháng 3/2020 vẫn diễn ra theo cách cũ, an toàn nhưng nhàm chán. |
So sánh với những sự kiện nói trên, Apple đã làm khác hẳn. Họ biết rõ rằng sẽ không có một khách mời nào được mời tới sân khấu, mà mọi người đều sẽ xem qua mạng, do vậy cách tổ chức sự kiện cũng phải khác biệt.
Không cần lãnh đạo xuất hiện trên sân khấu và chờ đợi những tràng vỗ tay, cũng chẳng cần chờ đợi những khoảnh khắc công bố khiến người xem bất ngờ và hưởng ứng, Apple lựa chọn cách "an toàn" nhưng vẫn phá cách. Đó chính là bộ phim mà hãng đã đầu tư, tốn kém và mất công sức hơn, nhưng lại khiến người xem hào hứng hơn.
Sau sự kiện WWDC 2020, rất có thể nhiều hãng công nghệ sẽ nhận thấy cách ra mắt của Apple thú vị như thế nào. Có lẽ sẽ có hãng tìm cách sao chép sự kiện này, giống như phong cách thuyết trình của Steve Jobs đã trở thành chuẩn mực của nhiều sự kiện công nghệ.
Nếu xét về ảnh hưởng, có lẽ iOS 14 hay máy Mac chạy CPU ARM còn không tạo được ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng như cách mà Apple tổ chức sự kiện.