1. Tác động tiêu cực đến hành vi: Nhiều cha mẹ cho rằng la mắng có thể giải quyết các vấn đề khi trẻ phạm lỗi. Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng trong thời điểm đó, sẽ để lại hậu quả sau này. Một nghiên cứu năm 2013 về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cho thấy những lời la mắng của cha mẹ để lại nhiều hậu quả nặng nề hơn tưởng tượng. Nghiên cứu này được đăng trên Society for Research in Child Development, nói rằng nếu những đứa trẻ dưới 13 tuổi bị la mắng thường xuyên, các em sẽ phản kháng bằng cách lặp lại lỗi sai hoặc tăng mức độ hành vi tiêu cực của mình. Ảnh: Kingdom Of Baby. |
2. Não bộ bị ảnh hưởng: Những lời la mắng của cha mẹ có thể tác động rõ rệt đến não bộ, cụ thể làm thay đổi cấu trúc não của trẻ. Trang National Library of Medicine từng công bố công trình nghiên cứu về vấn đề này. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã so sánh bản chụp cộng hưởng từ não bộ của những đứa trẻ từng bị cha mẹ lạm dụng bằng ngôn ngữ. Kết quả phân tích cho thấy sự phát triển của các vỏ não thính giác bị tác động rõ rệt. Từ đó, quá trình xử lý ngôn ngữ của trẻ cũng bị ảnh hưởng theo. Ảnh: The Independent. |
3. Dễ mắc trầm cảm: Bên cạnh việc bị tổn thương, sợ hãi và buồn bã khi bị mắng, trẻ có thể mắc các vấn đề tâm lý khi trưởng thành, trong đó có trầm cảm. Nghiên cứu năm 2012 của nhóm nghiên cứu từ Đại học Queensland (Australia) cho thấy những đứa trẻ dưới 13 tuổi bị la mắng thường xuyên có nguy cơ gia tăng các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Những triệu chứng này có thể dẫn đến những hành vi tồi tệ hơn như tự làm đau bản thân, sử dụng chất kích thích... Ảnh: HelpGuide. |
4. Sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng: Những tổn thương thời thơ ấu có thể để lại hậu quả sau này, theo nhiều cách khác nhau mà chúng ta không nhận ra. Bạo lực ngôn ngữ thời thơ ấu có thể gia tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khi trẻ trưởng thành. Nghiên cứu của tiến sĩ Gregory E Miller và các cộng sự tại Weinberg College of Arts and Sciences (Mỹ) đã tìm ra mối liên hệ giữa những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu và sức khỏe thể chất. Cụ thể, những đứa trẻ từng bị la mắng trong thời gian dài có thể mắc các bệnh mạn tính như đau khớp, đau đầu, các vấn đề về lưng, cổ... Ảnh: iStock. |
5. Nổi loạn ở tuổi vị thành niên: Nhiều cha mẹ thắc mắc vì sao trẻ hồi nhỏ rất ngoan nhưng lại nổi loạn khi đến tuổi vị thành niên. Điều này có thể xuất phát từ những trận đòn roi, la mắng thuở nhỏ. Những đứa trẻ lớn lên bằng những lời mắng chửi có nguy cơ nổi loạn nghiêm trọng hơn. Các nhà tâm lý học cho rằng, kiểu giáo dục la mắng sẽ theo trẻ trong suốt cuộc đời, thậm chí truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thậm chí, nhiều đứa trẻ có xu hướng bắt nạt người khác và lặp lại những hành vi của cha mẹ như một cách để "xả giận". Ảnh: Quick and Dirty Tips. |