Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì xảy ra sau khi ông Prayuth bị đình chỉ chức thủ tướng Thái

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha sẽ tạm thời không lãnh đạo đất nước, song vẫn tiếp tục làm việc dưới vai trò bộ trưởng Quốc phòng nước này.

Động thái bất thường của tòa án Thái Lan xảy ra sau khi phe đối lập cho rằng Thủ tướng Prayuth đã hết thời hạn nắm quyền theo quy định của Hiến pháp năm 2017. Tòa Hiến pháp sau đó đã tuyên bố đình chỉ chức vụ ông Prayuth cho đến khi vụ việc được giải quyết.

Giới quan sát cho rằng tòa án nhiều khả năng sẽ ra phán quyết có lợi để ông Prayuth tiếp tục tại vị, ít nhất là đến kỳ bầu cử vào năm 2023.

Hôm 25/8, một ngày sau khi bị đình chỉ, ông Prayuth đã dự cuộc họp Bộ Quốc phòng Thái Lan. Chưa rõ ông Prayuth đề cập vấn đề gì trong cuộc họp. Ông cũng chưa bình luận về động thái của Tòa Hiến pháp hôm 24/8.

Trong khi đó, văn phòng ông Prayuth cho biết thủ tướng tôn trọng quyết định của tòa án, nói rằng lệnh của tòa “không ảnh hưởng đến việc điều hành quốc gia hay các chính sách đang được vận hành của chính phủ".

Ông Prayuth đã lãnh đạo đất nước kể từ năm 2014, sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử.

Trong giai đoạn lãnh đạo chính quyền quân sự, ông đã yêu cầu sửa đổi hiến pháp của nước này - trong đó cấm thủ tướng tại vị quá 8 năm. Câu hỏi lúc này là liệu ông Prayuth đã quá thời gian tại vị hay chưa, do những tranh cãi từ người ủng hộ và phe đối lập về mốc tính thời gian nắm quyền của ông.

Hồi đầu tuần, tòa án đã chấp thuận bản kiến nghị của 172 nghị sĩ phe đối lập nói rằng thời gian tại vị của ông Prayuth được tính từ năm 2014, thời điểm ông lật đổ chính phủ dân chủ. Ngoài ra, tòa án cũng đang xem xét trường hợp thời điểm bắt đầu là năm 2017, khi hiến pháp được sửa đổi, hay năm 2019, sau kỳ tổng tuyển cử.

5 trên 9 thẩm phán Tòa Hiến pháp vào hôm 24/8 đã đồng ý đình chỉ ông Prayuth trong lúc tòa án xem xét vấn đề này, song chưa công bố thời điểm ra phán quyết. Tòa án cho ông Prayuth 15 ngày để nộp tường trình nói rõ lý do ông nên tiếp tục được tại vị.

Ai nắm quyền vào lúc này?

Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan sẽ đảm nhận vai trò thủ tướng cho đến khi tòa án ra phán quyết cuối cùng. Ông Prawit là cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, và người ủng hộ hoàng gia nước này.

Cuộc bầu cử mới dự kiến diễn ra vào tháng 5/2023, song thủ tướng đương nhiệm có quyền kêu gọi bầu cử sớm hơn bằng việc giải tán Hạ viện.

ong prayuth bi dinh chi anh 1

Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan sẽ đảm nhận vai trò thủ tướng trong thời gian ông Prayuth bị đình chỉ. Ảnh: AFP.

Ông Prayuth đã vượt qua 4 đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm trong những tháng qua, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến kỳ bầu cử sắp tới, theo giáo sư Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn (Bangkok).

Tuy vậy, giới phê bình cho rằng đây là thời điểm ông nên từ chức.

Ông Thitinan nói sau 8 năm lãnh đạo, Thủ tướng Prayuth không giải quyết được tình trạng phân cực chính trị, trong khi bộc lộ điểm yếu về quản lý kinh tế. Giáo sư Thitinan nhận định các cuộc biểu tình của thanh niên đã không còn là do các lãnh đạo phong trào đã bị truy tố, nhưng sự bất mãn của công chúng với chính phủ vẫn còn đó.

Vì sao ông Prayuth không được ưa chuộng?

Tháng 8/2014, ông Prayuth đã lật đổ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sau khi nước này trải qua 6 tháng với nhiều bất ổn và các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố.

Tuy vậy, sau khi nắm quyền, ông Prayuth đã cấm vận động chính trị, bao gồm các buổi tụ họp trên 5 người. Trong thời gian lãnh đạo của ông, hàng trăm nhà hoạt động đã bị bắt vì bị buộc vào nhiều tội danh như xúi giục hay xúc phạm hoàng gia.

Vào năm 2020, người trẻ Thái Lan đã xuống đường biểu tình kêu gọi ông Prayuth từ chức, bất chấp lời đe dọa từ chính phủ. Những người biểu tình cho rằng chính phủ đã thất hứa trong việc khôi phục nền dân chủ.

ong prayuth bi dinh chi anh 2

Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha vào năm 2014. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, những người phản đối cho rằng ông Prayuth đã có các chính sách kinh tế và xử lý đại dịch Covid-19 thiếu hiệu quả, lạm quyền và thiếu minh bạch - những điều thúc đẩy lời kêu gọi thủ tướng từ chức.

Sự bất mãn với chính phủ quân sự và hoàng gia tiếp tục kéo sang năm 2021. Nhà vua Maha Vajiralongkorn được cho là dành phần lớn thời gian ở nước ngoài và hầu như không xuất hiện trước công chúng ở Thái Lan khi nước này vật lộn với Covid-19.

Kể từ khi đăng quang, hàng tỷ USD tài sản của Hoàng gia Thái Lan đã được chuyển cho ông Vajiralongkorn. Giới phê bình cho biết đây là dấu hiệu cho thấy ông đang kiểm soát tài chính của hoàng gia và ngày càng làm giàu cho cá nhân. Điều này đã khiến công chúng phẫn nộ, đặc biệt là những người dành sự tôn kính cho chế độ quân chủ.

Lý do ông Prayuth bị đình chỉ chức thủ tướng

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã bị Tòa Hiến pháp đình chỉ chức vụ hôm 24/8 do tranh cãi liên quan đến thời hạn nhiệm kỳ của ông.

Tòa án Thái Lan đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Prayuth

Truyền thông Thái Lan ngày 24/8 cho biết tòa án hiến pháp đã đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khi đang chờ kết quả pháp lý liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ của ông.

Trần Hoàng

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm