Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì xảy ra khi Ukraine xin gia nhập NATO

Ukraine ngày 30/9 thông báo chính thức nộp đơn gia nhập NATO. Tuy nhiên, viễn cảnh gia nhập liên minh quân sự này của Ukraine vẫn còn xa vời.

Ukraine yêu cầu NATO "đẩy nhanh" quá trình xét duyệt đơn xin gia nhập tổ chức của nước này. Ảnh: South China Morning Post.

Ngày 30/9, Ukraine yêu cầu NATO "đẩy nhanh" quá trình xét duyệt đơn xin gia nhập tổ chức của nước này, trong bối cảnh Nga ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.

Trên thực tế, yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine đã bị bỏ ngỏ trong nhiều năm. Đến nay, các câu hỏi vẫn xoay quanh khả năng NATO sẽ chấp thuận yêu cầu gia nhập liên minh của Ukraine.

NATO là gì?

NATO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - là một liên minh quân sự phòng thủ được thành lập vào năm 1949 bởi 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Pháp.

Các thành viên trong liên minh đồng ý hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Mục đích ban đầu của liên minh quân sự này là chống lại ảnh hưởng của Nga ở châu Âu sau Thế chiến II. Nhiều quốc gia Đông Âu đã lần lượt gia nhập NATO sau khi Liên Xô tan rã.

Khi là một thành viên NATO, các nước sẽ được bảo vệ theo Điều 5 - nêu rõ tấn công một nước NATO đồng nghĩa với việc tấn công cả liên minh.

Quá trình gia nhập NATO của Ukraine diễn ra thế nào?

Quá trình từ lúc nộp đơn đến lúc chính thức trở thành thành viên có thể mất tới một năm. Để gia nhập NATO, Ukraine phải trải qua quá trình xét duyệt, với sự đồng thuận từ toàn bộ thành viên liên minh này.

Hồi tháng 7, NATO đã khởi động quá trình xét duyệt cho Phần Lan và Thụy Điển, sau thời gian dài đàm phán và đi đến đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia trước đây phản đối mạnh mẽ việc kết nạp hai nước Bắc Âu.

Tại sao Ukraine chưa phải là thành viên chính thức của NATO?

Vào năm 2008, các đồng minh NATO đã cam kết rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của liên minh.

Năm 2019, Ukraine đã đưa mục tiêu gia nhập các liên minh phương Tây vào hiến pháp của mình. Trước động thái đó, Nga đã gửi Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, trong đó nêu rõ các quan ngại về an ninh, theo Guardian.

Nga đã nhiều lần khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là một "lằn ranh đỏ" mà Moscow vạch ra, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của của Nga. Tuy nhiên Mỹ và châu Âu đã từ chối trao đổi về việc này cũng như các vấn đề khác, TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia vào tháng 3.

Theo TASS, quan điểm của Moscow là Ukraine cần đạt được tình trạng trung lập trên thực tế và từ bỏ ý định gia nhập NATO.

Ngày 11/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan không nên gia nhập NATO vì động thái này sẽ không mang lại ổn định cho châu Âu, theo TASS.

Nhiều chuyên gia phân tích từng dự báo phương Tây sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả nếu điều này xảy ra, một trong số đó là cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ngay tại châu Âu.

Do không muốn căng thẳng với Nga, nhiều nước thành viên NATO vào thời điểm đó không tán thành yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine, khiến khả năng gia nhập liên minh của nước này càng trở nên xa vời.

Viễn cảnh gia nhập NATO của Ukraine tiếp tục bỏ ngỏ?

Yêu cầu gia nhập của Ukraine đã bị đình trệ trong nhiều năm. Đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy yêu cầu của Ukraine sẽ trở thành hiện thực.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tối 30/9 đã nhắc lại quan điểm không thay đổi của liên minh rằng tổ chức này mở cửa chào đón các thành viên mới, nhưng lại tránh trực tiếp ủng hộ đơn xin gia nhập của Ukraine, theo Reuters.

Ukraine gia nhap NATO,  sap nhap 4 vung anh 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định tổ chức này mở cửa chào đón các thành viên mới, nhưng lại tránh trực tiếp ủng hộ đơn xin gia nhập của Ukraine. Ảnh: Politico.

“Mọi nền dân chủ ở châu Âu đều có quyền đăng ký trở thành thành viên NATO và các đồng minh NATO tôn trọng quyền đó. Chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng cánh cửa của NATO vẫn luôn rộng mở”, Stoltenberg nói với các phóng viên tại Brussels.

Các thành viên NATO gần đây đã khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid rằng họ “ủng hộ quyền lựa chọn con đường riêng của Ukraine và quyết định kiểu thỏa thuận an ninh mà nước này muốn tham gia”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg chia sẻ thẳng rằng trọng tâm trước mắt của liên minh là chiến sự tại Ukraine. “Trọng tâm của chúng tôi bây giờ là cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine”.

Ngày 30/9, Mỹ, một trong những bên hỗ trợ nhiều nhất đối với Ukraine, cho rằng nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine nên được thực hiện "vào thời điểm khác".

"Theo quan điểm của chúng tôi, cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, trên thực địa. Quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào thời điểm khác", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/9, theo Reuters.

Ông Stoltenberg cũng cam kết ủng hộ "kiên định" Ukraine, nhưng khẳng định điều đó không khiến NATO trở thành một bên trong xung đột với Nga.

Tờ Newsweek cho rằng tuyên bố của ông Sullivan là "gáo nước lạnh" dội vào hy vọng gia nhập NATO của Ukraine. Tuyên bố của Mỹ cũng cho thấy khả năng làm dịu căng thẳng với Nga, với lo ngại Tổng thống Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine.

Video lãnh đạo Ukraine ký đơn xin gia nhập NATO Video từ Văn phòng Tổng thống Ukraine ghi hình ba lãnh đạo nước này lần lượt ký tên vào đơn xin gia nhập NATO, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.

Hội đồng Bảo an ‘bế tắc’ trước việc Nga sáp nhập 4 vùng Ukraine

Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho biết phương Tây đã thất bại trước Moscow trong cuộc bỏ phiếu lên án việc sáp nhập 4 vùng Ukraine.

Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm