Bóng đá Triều Tiên thống trị giải trẻ nữ thế giới trong năm 2024. |
Trong lịch sử, chỉ có vài nền bóng đá từng vô địch hai giải trẻ thế giới chỉ trong một năm. Triều Tiên còn làm được nhiều hơn thế, họ là nền bóng đá duy nhất hai lần lập cú đúp vô địch giải trẻ World Cup (2016, 2024).
Vào năm 2016, hai đội U17 và U20 nữ Triều Tiên cũng từng lên ngôi ở World Cup chỉ trong hai tháng. Đến năm nay, kỳ tích hai lần vô địch giải trẻ thế giới của Triều Tiên được họ tái lập. Đó là điều ngay cả những nền bóng đá nữ hàng đầu thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha hay Đức, Nhật Bản cũng không làm được.
Sự áp đảo
Trong lịch sử hai giải U17 và U20 World Cup dành cho nữ, Triều Tiên đều nằm trong số các đội giàu thành tích nhất. Rạng sáng 4/11 (giờ Hà Nội), trên sân Félix Sánchez (Cộng hòa Dominica), U17 nữ Triều Tiên đánh bại Tây Ban Nha 4-3 ở loạt luân lưu trong trận chung kết World Cup 2024, trở thành đội giàu thành tích nhất lịch sử giải đấu.
Họ ba lần vô địch giải này (2008, 2016, 2024), vượt mặt chính U17 Tây Ban Nha. Thành tích này của bóng đá Triều Tiên đáng khen ngợi ở chỗ, bóng đá nữ Tây Ban Nha có dấu hiệu áp đảo so với phần còn lại của thế giới, khi liên tục vô địch thời gian qua. Hai kỳ giải đấu gần nhất (2018, 2022), đội nữ Tây Ban Nha đều vô địch U17 World Cup.
U17 nữ Triều Tiên vô địch World Cup 2024 một cách xứng đáng, khi trên hành trình vào chung kết, đại diện châu Á đánh bại U17 Mỹ ở bán kết. Triều Tiên bất bại cả giải, ghi tới 14 bàn và chỉ 2 lần để thủng lưới. Tại vòng bảng, họ vùi dập U17 Anh tới 4-0.
Trong lịch sử giải U20 World Cup nữ, Triều Tiên cũng là một trong ba đội giàu thành tích nhất, khi vô địch vào các năm 2006, 2016 và 2024. Họ sánh ngang với Đức và Mỹ, hai nền bóng đá cũng ba lần vô địch giải này. Hồi tháng 9, đội U20 nữ Triều Tiên vô địch World Cup sau khi hạ Nhật Bản ở trận chung kết.
Trên đường vô địch giải U20, Triều Tiên cũng đánh bại Mỹ ở bán kết. Chỉ trong hai tháng, đại diện Đông Á đánh bại tất cả quốc gia được xem như mạnh nhất thế giới hiện tại ở môn bóng đá nữ, bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Brazil, Mỹ (2 lần).
Các cô gái trẻ Triều Tiên gây tiếng vang ở U17 và U20 World Cup 2024. |
Trong lịch sử các giải trẻ thế giới của bóng đá nữ, chỉ Triều Tiên làm được điều đó. Vào năm 2016, U17 Triều Tiên thắng Nhật Bản trên chấm luân lưu trong trận chung kết vào cuối tháng 10. Đến tháng 12, đội U20 Triều Tiên tiếp tục đánh bại Pháp để vô địch World Cup.
Sau 8 năm, bóng đá nữ Triều Tiên một lần nữa tái lập kỳ tích. Lần này, mọi thứ còn khó khăn hơn khi Nhật Bản, Mỹ hay Tây Ban Nha đều mạnh lên ở công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Trong khi đó, bóng đá Triều Tiên chỉ mới trở lại đấu trường quốc tế từ năm 2023. Trước đó, các đội tuyển của họ liên tục rút lui khỏi giải châu Á nửa thập niên qua.
Nền tảng thể lực
Thể lực là một trong những yếu tố giúp Triều Tiên làm nên thành công ở hai giải World Cup gần đây. Sự chênh lệch về thể lực, thể hình là một trong những rào cản với nhiều đội bóng châu Á khi ra sân chơi World Cup. Ngay cả Nhật Bản cũng chỉ mới khắc phục nhược điểm trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, U17 và U20 Triều Tiên đến World Cup 2024 với nền tảng thể lực cực kỳ ấn tượng. Họ không ngần ngại trong các pha tranh chấp tay đôi hay đua nước rút với những ngôi sao châu Âu hay châu Mỹ.
Irune Dorado, tuyển thủ U17 Tây Ban Nha thừa nhận sau trận chung kết: "Đó (Triều Tiên) là một đội bóng rất mạnh về thể lực. Họ không để bạn kịp thở, họ duy trì cường độ cao và gây áp lực liên tục". Tiền vệ Emma Moreno đánh giá: "U17 Triều Tiên rất nhanh, khỏe, và gây áp lực với cường độ cao. Chơi với đối thủ như thế trong suốt 90 phút rất khó khăn".
Nền tảng thể lực tuyệt vời của các đội trẻ Triều Tiên cho thấy sự đầu tư của chính phủ nước này. Bóng đá nữ ở Triều Tiên luôn được quan tâm và dành nhiều điều kiện tốt để phát triển. Sau chức vô địch U20 World Cup nữ 2024 ở Colombia, U20 nữ Triều Tiên về đến Thủ đô Bình Nhưỡng và nhận được sự chào đón nồng nhiệt.
Sự già dặn
Không khó để nhận thấy các đội U17 và U20 Triều Tiên đều chơi quyết tâm và có hàng thủ vững chắc trong hai giải đấu vừa qua. Ở giải U20 World Cup hồi tháng 9, Triều Tiên thậm chí giữ sạch lưới từ vòng tứ kết, khi khiến hàng công của Brazil, Mỹ và Nhật Bản im tiếng.
Điều tương tự cũng xảy ra ở giải U17 vừa qua, khi cần, Triều Tiên chơi cực kỳ thực dụng và luôn đảm bảo sự chặt chẽ trong khâu phòng ngự. Sự già dặn trong lối chơi của những cầu thủ mới U17 hay U20 khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về việc Triều Tiên gian lận tuổi. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào cho việc này.
Jon Il-chong (giữa), nhận giải Quả bóng vàng (dành cho Cầu thủ hay nhất) U17 World Cup 2024, trong khi hai đồng nghiệp từ Tây Ban Nha nhận giải Quả bóng bạc và Quả bóng đồng. |
Cuối tháng trước, Iran đề nghị Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) điều tra tuổi cầu thủ Triều Tiên vừa dự vòng loại U17 nam châu Á 2025. Triều Tiên vốn chịu nhiều nghi hoặc về gian lận tuổi khi dự các giải trẻ châu Á và thế giới. Họ từng bị loại ở giải U16 châu Á 2008 vì dùng cầu thủ quá tuổi. Song, đó là ở giải nam.
Thực tế, từ U17 World Cup 2009, FIFA áp dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định độ tuổi của cầu thủ. LĐBĐ Thế giới cũng liên tục cập nhật công nghệ để chống gian lận. Vì vậy, những nghi hoặc trên đều không có cơ sở.
Sau ba năm đóng cửa vì dịch bệnh, bóng đá Triều Tiên trở lại đấu trường quốc tế và ngay lập tức đạt nhiều thành công. Ngoài hai chức vô địch U17 và U20 World Cup 2024 của đội nữ, các đội nam của Triều Tiên cũng giành vé dự vòng loại ba World Cup 2026, vòng chung kết U20 và U17 châu Á 2025.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...