Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 4 cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Nhưng trong phiên giao dịch ngày 11/5, giá vàng trên sàn New York giảm tới 18,7 USD/ounce so với mức đóng cửa phiên liền trước, xuống còn 2.011,1 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng có thời điểm tăng vọt lên sát ngưỡng 2.050 USD/ounce. Nhưng đà tăng nhanh chóng bị đảo ngược.
Trong phiên giao dịch ngày 11/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng mất 253,44 điểm, tương đương 0,76%, xuống 33.277,89 USD điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 9,57 điểm (-0,23%).
Giá vàng giảm mạnh trong phiên 11/5 trên sàn New York. Ảnh: Kitco.com. |
Lạm phát đã hạ nhiệt
"Trước mắt, giá vàng dường như khó lập đỉnh mới. Bởi các dữ liệu lạm phát mới được công bố không đủ tích cực để kéo giá vàng tăng mạnh như những gì nhà đầu tư mong đợi", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính cấp cao có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 11/5, tăng trưởng PPI của Mỹ trong tháng 4 (so với một năm trước đó) đã chậm lại ở mức 2,3%, thấp hơn dự báo của giới quan sát. Trong tháng 3, tỷ lệ này là 2,7%.
Mức tăng PPI tháng 4 cũng là con số thấp nhất kể từ năm 2021. Nguyên nhân là giá trứng, ngũ cốc, gà, dầu diesel và khí hóa lỏng đi xuống.
Trong tháng 4, chỉ số này tăng nhẹ 0,2%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giảm 0,4% của tháng 3. Nguyên nhân là chỉ số giá của khu vực dịch vụ đi lên.
"Sức ép lạm phát đã được giải tỏa, bởi phần lớn chuỗi cung ứng đã trở lại bình thường. Giá hàng hóa cũng hạ nhiệt đáng kể do điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi", chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại LPL Financial bình luận.
Trước đó một ngày, Mỹ cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4. CPI tăng 0,4% trong tháng, tương tự ước tính trước đó của giới quan sát. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI chỉ tăng 4,9%, thấp hơn ước tính 5% và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Nếu không tính tới giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI cốt lõi tăng 0,4% so với tháng trước và 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả 2 con số này đều sát với dự báo của giới quan sát.
Phố Wall không ăn mừng
Trên thực tế, lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp trong các cuộc họp chính sách vừa qua.
Lãi suất điều hành tăng cao sẽ gây áp lực lên vàng, từ đó khiến dòng tiền đầu tư chảy khỏi loại tài sản này. Bởi lãi suất đi lên cũng kéo theo chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản trú ẩn an toàn và không được trả lãi.
Tuy nhiên, giá vàng và chứng khoán Mỹ chỉ vọt tăng ngay sau khi báo cáo CPI được công bố. Và đà tăng đã nhanh chóng đảo chiều.
"Fed gần như chắc chắn sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Nhưng các nhà giao dịch đang tính toán về thời điểm cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương", ông Erlam giải thích.
"Vài tháng tới sẽ quyết định việc Fed có sớm cắt giảm lãi suất hay không", ông nói thêm.
Trên thực tế, ngay sau cuộc họp chính sách tháng 5, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất. "FOMC tin rằng lạm phát sẽ không hạ nhiệt nhanh đến vậy. Do đó, việc cắt giảm lãi suất là không phù hợp", ông nhấn mạnh.
Theo giới quan sát, Fed dừng tăng lãi suất, nhưng vẫn sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách giữ lãi suất ở mức cao, thay vì bắt đầu cắt giảm trong năm nay như những gì thị trường kỳ vọng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.