GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa cho biết, trước khi nhìn nhận các lễ hội như chém lợn ở Bắc Ninh, chọi trâu Đồ Sơn, đâm trâu tại Tây Nguyên... mọi người cần lưu ý về cội nguồn của các tục lệ này.
"Đây đều là những nghi lễ có từ xưa, chúng ta cần tôn trọng. Tuy nhiên, nhiều phong tục tập quán với dân tộc này là thiêng liêng nhưng với dân tộc khác lại phản cảm. Vì vậy điều đầu tiên khi nhìn nhận lễ hội là không nên áp đặt, bắt người khác phải tuân theo mình", GS Lý chia sẻ.
Nêu quan điểm cá nhân, GS Lý cho biết, ông không phản đối các lễ hội này. Song, để tránh những hành động bị coi là "dã man" thì con người đừng quá lạm dụng khi thực hiện nghi lễ.
Những nghi lễ này có từ xưa và cần được tôn trọng. Nhưng để phù hợp với tình hình hiện tại, theo ông, cũng nên tránh quảng bá rộng rãi và quá đi sâu vào chi tiết “giật gân”. Như vậy, người dân sẽ thấy đó đơn thuần chỉ là các lễ hội hiến sinh của một số cộng đồng từ xưa đến nay với những khát vọng chân chính.
Ẩu đả túi bụi vì tức nhau chứ không phải để tranh giành quả phết tại hội Hiền Quan ngày 3/3. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ở một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, những hành vi mà ngày nay chúng ta đang lên án như cướp lộc, đâm chém, tranh cướp là hành vi của người trung cổ... là những di sản của quá khứ.
"Nhiều lễ hội sau một thời gian mai một, được chúng ta phục dựng lại. Nhưng đáng tiếc, người ta lại phục dựng cả những giá trị không còn phù hợp với xã hội hiện đại", ông Hiền nói.
Nhiều cộng đồng cho rằng, đó là bản sắc là tính độc đáo của lễ hội, thậm chí họ tự hào về sự độc đáo đó. Tuy nhiên, đối với xã hội văn minh, những hành vi như cướp lộc, dẫm đạp, chém giết… khó được chấp nhận.
Lễ hội chém lợn tại Ném Thượng, Bắc Ninh gây nhiều phản ứng trái ngược. Ảnh: Lê Hiếu. |
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam lý giải, các hành vi bạo lực xuất hiện nhiều là do người tham dự lễ hội với mục đích vụ lợi, thậm chí người tổ chức lễ hội cũng vụ lợi.
“Ngày nay, người ta không còn tham dự lễ hội để tìm sự thanh thản mà để cầu xin cái này cái khác. Điều đó dẫn tới cảnh tranh cướp, giành giật đầy bạo lực”, GS Thịnh nhận định.
Theo các chuyên gia văn hóa, mỗi lễ hội dân gian có mẫu số chung là khát vọng hạnh phúc - no đủ. Còn biến số riêng là các nghi thức, lễ tiết cụ thể, tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong mỗi nền văn hóa.
“Sự khác biệt có thể gây nên những hiệu ứng trái ngược nhau trong quan điểm, cách nhìn nhận, thậm chí phản đối, tẩy chay", thạc sĩ Đinh Đức Tiến (giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội) giải thích.
Ông cho rằng, điều cần nhất là chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt của mỗi hành vi, hoạt động văn hóa của người dân, của cộng đồng đó. Tuy nhiên, tôn trọng sự khác biệt không đồng nghĩa với việc cổ súy cho các hành vi bạo lực, thậm chí là vi phạm pháp luật như ẩu đả, cướp giật... Điều đó làm biến dạng bản chất tốt đẹp của lễ hội đầu xuân.