Năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tương đối thành công trong cuộc chiến chống lạm phát. Ảnh: Bloomberg. |
Khi nhìn lại năm 2023, cô Kyle Connolly coi đó là một năm của những thay đổi và thách thức. Người mẹ đơn thân vừa mới đi làm trở lại tại một công ty xây dựng. Nhưng hồi tháng 11, cô bị buộc phải thôi việc.
Theo CNBC, giá cả của mọi thứ đều tăng cao, từ hàng hóa đến dịch vụ tiện ích. Cô Connolly buộc phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết như ăn hàng hay mua vé xem phim. Giáng sinh của 3 mẹ con cô cũng đơn giản hơn nhiều năm ngoái.
"Tôi cắt giảm mọi thứ có thể", người phụ nữ 41 tuổi chia sẻ. "Thật tệ khi phải nói không với lũ trẻ", cô nói thêm.
Lạm phát đã hạ nhiệt
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã tương đối thành công trong cuộc chiến chống lạm phát. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đang tiến dần về mức mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ. Trong khi đó, thị trường việc làm vẫn chống chịu tốt.
Ngày càng nhiều người tin rằng Fed đã thành công trong việc hạ nhiệt lạm phát, nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan, người tiêu dùng Mỹ vẫn bi quan hơn nhiều so với trước đại dịch. Chỉ số tháng 12 cho thấy tâm lý được cải thiện gần 17% so với một năm trước, nhưng vẫn giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.
"Giá cả tăng cao đã thực sự ảnh hưởng đến người tiêu dùng", CNBC dẫn lời bà Joanne Hsu - Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng tại Michigan - nhận định. "Người Mỹ vẫn đang cố gắng chấp nhận một thực tế là, chúng ta sẽ không thể quay trở lại thời kỳ lạm phát thấp, lãi suất thấp kéo dài như những năm 2010", vị chuyên gia nhận định.
Người tiêu dùng Mỹ vẫn bi quan hơn nhiều so với trước đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
Dù vậy, tâm lý của người tiêu dùng đã được cải thiện đáng kể so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 6/2022. Thời điểm đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt 9,1% so với một năm trước đó.
Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng đã xấu đi đáng kể trong tháng 5, do những cuộc đàm phán kéo dài về trần nợ công tại Mỹ. Theo bà Hsu, cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 khiến nhiều người cảm thấy bất an về triển vọng kinh tế hơn.
Trên lý thuyết, một thị trường việc làm vững mạnh có thể cải thiện tâm lý chung của người tiêu dùng. Nhưng mỗi người tiêu dùng đưa ra các quyết định chi tiêu một cách độc lập. Do đó, lạm phát dai dẳng sẽ chi phối họ nhiều hơn.
Theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ, số cơ hội việc làm vẫn đang cao hơn số người thất nghiệp tại Mỹ.
Vì sao nhiều người vẫn bi quan
Theo các nhà kinh tế, khác với tâm lý bi quan của người tiêu dùng nói chung, một số nhóm người có thể vẫn cảm thấy lạc quan về nền kinh tế, nhưng chủ yếu là các hộ gia đình khá giả.
Theo bà Camelia Kuhnen - Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Carolina, đó có thể là các chủ nhà, hoặc những người đã kiếm lời từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
CNBC cũng chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn khác. Nhiều người không coi việc giá cả leo thang là hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, Fed vẫn đặt mục tiêu lạm phát là 2%. Giảm phát - tức giá cả đi xuống - mới gây hại cho nền kinh tế.
Bất chấp những thách thức đó, các nhà kinh tế vẫn lạc quan về năm 2024. Bởi nền kinh tế hàng đầu thế giới hoàn toàn có thể tránh được một cuộc suy thoái, và ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có khả năng cắt giảm lãi suất vào năm sau.
Lạm phát hạ nhiệt đã cho phép FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - giữ nguyên lãi suất điều hành ở vùng 5,25-5,5% trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm. Các quan chức cũng dự báo cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm sau. Con số này thấp hơn những gì thị trường dự đoán, nhưng cao hơn tuyên bố trước đó của ngân hàng trung ương Mỹ.
Theo biểu đồ chấm, các thành viên FOMC dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần vào năm 2025, với mức giảm là 1 điểm phần trăm. Đến năm 2026, lãi suất có thể được cắt giảm thêm 3 lần nữa về vùng 2-2,25%. Nhưng các thị trường thậm chí còn lạc quan hơn.
Dựa vào diễn biến trong cuộc họp và bài phát biểu trong họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell, thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm lãi suất điều hành 1,5 điểm phần trăm ngay vào năm sau, tức gấp đôi tốc độ dự đoán của các thành viên FOMC.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.