Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì đang âm thầm giết chết các rạp phim?

Dường như thực tế doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng ở Mỹ trong năm nay không thể che đậy những mối lo ngại hiện hữu từ những người trong ngành kinh doanh rạp chiếu phim.

2018 được xem như một năm kỷ lục của phòng vé, phản bác lại ý kiến cho rằng những thứ liên quan đến rạp phim đang dần phai nhạt trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, kết quả tích cực đó đang làm lu mờ một số sự thật đáng lo ngại cho ngành công nghiệp này cũng như khán giả của nó: chỉ một vài thể loại phim và một studio lớn mang đem đến sự tăng trưởng.

Giáng sinh vừa qua, các siêu phẩm của Hollywood được phát hành để giành lấy thời gian giải trí của người Mỹ. Đối thủ cạnh tranh của chúng, không gì khác ngoài hàng loạt chương trình truyền hình mới, hay thậm chí là những phim dài tập đã bị bỏ qua trong năm trên Netflix.

Rap chieu phim anh 1
Một rạp chiếu phim ở Los Angeles. Ảnh: Bloomberg. 

Nhiều phim trong số đó như “Aquaman”, “Bumblebee”, hay “Mary Poppins Returns” được lên kế hoạch để đem về doanh số lớn nơi phòng vé. Thành công nhất có lẽ phải kể đến “Aquaman” khi thu về 68 triệu USD chỉ trong ngày ra mắt.

Doanh thu bán vé phim ở Mỹ đã tăng 8% trong năm nay, đưa ngành công nghiệp này đạt mức tăng lớn nhất hàng năm tại thị trường nội địa trong gần một thập kỷ. Điều này chỉ ra sự thật bất ngờ rằng các rạp phim vẫn có thể kiếm nhiều hơn nữa trong thời đại mà các hình thức giải trí tại gia đang lan tỏa rộng rãi.

Nhưng đi kèm với đó là những mối quan ngại đáng lưu ý. Các chuyên gia trong ngành cho rằng tương lai cho rạp phim có thể không được đảm bảo, bất kể đó là nơi mà người Mỹ bấy lâu vẫn tự hào, xem như một động cơ kinh tế và tụ điểm văn hóa.

10 phim cao nhất đem về hơn 1/3 doanh thu

Những nỗi lo bắt nguồn từ thực tế là ngày càng ít phim mang về lợi nhuận cho phòng vé hơn. Trên 1/3 doanh thu trong năm 2018 đến từ 10 phim trong tổng số 700 phim được phát hành. Không những thế, số lời đó chủ yếu đến từ 2 dòng phim: siêu anh hùng và hoạt hình.

Một số người trong ngành thậm chí còn nghi ngờ một phần lợi nhuận được thúc đẩy bởi MoviePass, dịch vụ thuê bao được cho là đã hỗ trợ các khoản trợ cấp lớn cho hàng triệu khán giả vào nửa đầu năm 2018, thời điểm mà doanh thu phòng vé đặc biệt bùng nổ.

Rap chieu phim anh 2
Dịch vụ MoviePass. Ảnh: AP. 

“Chúng tôi chắc chắn đã có một năm tăng trưởng mạnh. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà đi lên này không thể tiếp tục. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sớm trở lại mức trung bình”, Bruce Nash, chuyên gia lâu năm về doanh thu phòng vé, đánh giá.

Chỉ số kinh tế của phòng vé thuộc diện bất thường. Nó chỉ phần nào cho thấy được sức khỏe tài chính của các hãng phim, vì nó không tính đến chi phí sản xuất và tiếp thị. Hai chi phí đó đều tăng trong những năm gần đây.

Nhưng đồng thời, chỉ số đó còn đặt ra hai câu hỏi quan trọng. Liệu các hãng phim có thấu hiểu những nhu cầu giải trí của người Mỹ? Và liệu người Mỹ có còn đánh giá cao các rạp phim trên cả nước hay không?

Năm 2017, số liệu thu về rất rõ ràng: doanh thu giảm 2%. Và đó đã là dấu hiệu tiêu cực khi mà dân số và giá vé ở Mỹ đều tăng hàng năm. Số lượng vé bán ra giảm 6% xuống còn 1,24 tỷ, thấp nhất trong 23 năm.

Tất cả điều đó xảy ra hoàn toàn trùng khớp với mức tăng 11% của lượng người đăng ký Netflix ở Mỹ, đẩy con số đăng ký dịch vụ phát trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 50 triệu người.

Cái chết dường như được báo trước: các rạp chiếu đang mất dần vào tay các dịch vụ phát trực tuyến với tốc độ chóng mặt.

Nhưng vào tháng 2, khi “Black Panther” được khởi chiếu, mọi thứ lại thay đổi. Việc phát hành bộ phim siêu anh hùng mang tư tưởng chính trị đã đem về 700 triệu USD tại Mỹ, lớn thứ 3 trong lịch sử ở quốc gia này.

Hai tháng sau, một bom tấn khác của Marvel Studios, “Avengers: Infinity War” đã thu về 679 triệu USD chỉ tính trên thị trường nội địa.

Rap chieu phim anh 3
Bước ngoặt về doanh số bắt đầu từ "Black Panther". Ảnh: Los Angeles Times.

Chủ nhật vừa qua cũng ghi nhận kỷ lục mới cho các phòng vé tại Mỹ khi doanh thu 2018 đã chạm 111,38 tỷ USD, hơn tổng của cả năm 2016 tới 11,37 tỷ USD, hơn 8% so với 2017.

“Khi nhìn vào tổng doanh số hồi đầu năm nay, nhiều người đã thể hiện sự bi quan, và nghĩ rằng đang xảy ra một sự thay đổi cấu trúc sâu sắc. Nhưng tại thời điểm năm 2018 kết thúc, mọi kỷ lục doanh thu phòng vé đã bị phá vỡ”, John Fithian chia sẻ. Fithian là người đứng đầu Hiệp hội Chủ sở hữu Rạp phim Quốc gia, một nhóm thương mại chuyên vận động hành lang cho doanh nghiệp trong ngành.

Không có cách nào để biết chính xác điều gì đã đem lại sự phục hồi trong năm nay. Đó có thể là sự may mắn, cũng có thể đến từ những bộ phim Marvel. Bên cạnh đó, chiến dịch marketing mạnh mẽ của MoviePass cũng có thể đóng vai trò chính khi đã nhân đôi lượt người đăng ký dịch vụ này lên con số 3 triệu trong 6 tháng đầu năm.

Netflix là "đồng minh" hay "kẻ địch"?

Thực tế thì rạp phim vẫn đang đứng đầu trong thời buổi mà phát sóng trực tuyến đang bứt phá quyết liệt. Những chủ rạp chiếu phim nghĩ đây có thể không phải là trò chơi có tổng bằng không như mọi người lầm tưởng.

Fithian nhận xét sự phổ biến rộng rãi của Netflix có liên quan mật thiết đến các bộ phim chiếu rạp. Một nghiên cứu do nhóm của ông thực hiện đã chứng minh phần nào rằng các khán giả hay xem chương trình phát trực tuyến cũng thường xuyên đến rạp.

Rap chieu phim anh 4
Netflix đem đến đa dạng lựa chọn cho khán giả hơn rạp phim. Ảnh: AP.

Và ngành công nghiệp chiếu phim này cũng thừa nhận việc phát trực tuyến đem đến sự phát triển trung lập, thậm chí có thể tạo nên một số thuận lợi nhất định có các rạp phim.

Nhưng không phải ai cũng tin vào luận điểm trên. Một số người trong ngành nhận định Netflix và những dịch vụ tương tự vẫn là mối đe dọa lớn với các rạp phim, đặc biệt khi các bộ phim bom tấn đòi hỏi chất lượng cực kỳ cao từ âm thanh cho đến hình ảnh.

“Tôi không nghĩ bất kỳ ai nhìn vào những thách thức mà phim điện ảnh phải đối mặt sẽ cho rằng Netflix đang giúp doanh thu phòng vé”, một nhà làm phim cho hay.

Nhà làm phim giấu tên này nói rằng sự đa dạng các dịch vụ phát trực tuyến đem đến sự tiện lợi cho khán giả, và đa số nhận thấy trải nghiệm ở nhà cũng không khác bao nhiêu so với trải nghiệm màn ảnh rộng.

Thể loại ngày càng bị hạn chế

Diễn biến ở Hollywood còn phức tạp hơn. Mặc dù tổng doanh thu tăng 8% so với 2017 nhưng doanh thu của 5 bộ phim cao nhất lại tăng gấp đôi. Điều này có nghĩa trung bình các phim còn lại đều giảm.

Tương tự như năm 2009, 10 bộ phim top đầu đem về 30% doanh thu phòng vé. Năm 2018, con số đó là 36%. Số liệu này chỉ ra khoảng cách chênh lệch rất lớn, trong đó chỉ số ít phim tạo ra doanh số đáng kể.

Rap chieu phim anh 5
Dòng phim siêu anh hùng thường đem lại doanh số đáng kể. Ảnh: Vulture. 

Không những thế, những phim "đứng top" ngày càng hạn chế về thể loại.

Vào năm 2009, những phim kiếm doanh số “khủng” trải rộng trên nhiều dòng từ khoa học viễn tưởng, giả tưởng, ma cà rồng cho đến hành động, hoạt hình, thể thao và cả phim hài nhảm nhí với những “The Blind Side”, “Avatar”, “Sherlock Holmes”, “Twilight” hay “The Hangover”.

Ngược lại, 7 trên 10 phim đứng đầu về doanh thu năm 2018 là phim siêu anh hùng Marvel và phim hoạt hình. 3 vị trí còn lại thuộc về 3 franchise đình đám: “Star Wars”; “Missions: Impossible”; “Jurassic Park”. Một nửa trong top đó đến từ Disney.

Chính những kết quả như vậy đã đem đến nỗi lo rằng nếu những bom tấn của dòng phim siêu anh hùng đi vào hồi kết, và rạp phim không có sự đa dạng hóa, rất có thể đó sẽ là thảm họa.

“Tôi không tin các franchise như Star Wars và Marvel có thể duy trì phong độ trong thời gian dài. Bạn có thể cứu thế giới bao nhiêu lần khỏi một ác nhân?”, giáo sư kinh tế Russell Roberts từ George Mason hỏi một cách châm biếm.

Roberts cho rằng việc kinh doanh các rạp phim sẽ đi vào sụp đổ, hoặc thậm chí biến mất vào một ngày không xa. Giáo sư đối chiếu với thực trạng tương tự trong việc kinh doanh nhà sách ngày càng thu hẹp khi thói quen mua bán trực tuyến ngày càng nở rộ.

Ba sản phẩm đầy hứa hẹn trong kỳ nghỉ cuối năm nay cũng bị giới hạn trong dòng phim. “Mary Poppins Returns” là phim giải trí của Disney, “Bumblebee” là phim khoa học viễn tưởng về robot xuyên thiên hà thuộc franchise Transformers; và “Aquaman”, tất nhiên, thuộc thể loại siêu anh hùng.

Một bộ phim khác được phát hành gần đây, “Spider-Man: Into the Spider-Verse”, lại là sự kết hợp cả 2 xu hướng đang thịnh hành: siêu anh hùng và hoạt hình.

Hai nhà sản xuất phim giấu tên nói rằng những bộ phim đó được làm ra bởi đông đảo khán giả muốn xem chúng, và các hãng phim sẽ chuyển hướng chỉ khi nào thị trường này dần cạn kiệt. Roberts thì đánh giá các bom tấn siêu anh hùng như một triệu chứng hơn là nguyên nhân cho việc mọi người sẵn sàng trả 20 USD để ngồi vào rạp phim với kích thước nhỏ hơn trước đây rất nhiều.

Các nhà làm phim chỉ ra những điểm sáng khi bộ phim hài lãng mạn “Crazy Rich Asians” và phim kinh dị giả tưởng “A Quiet Place” đạt được những kết quả tích cực về doanh thu.

Rap chieu phim anh 6
"Crazy Rich Asians" có thể là điểm sáng hiếm hoi. Ảnh: Warner Bros. 

Tuy nhiên, nhiều người khác nhận định đó chỉ là 2 trường hợp ngoại lệ, chứ không phải hình mẫu, quy tắc hay công thức để thành công.

9 bộ phim hoạt hình hay nhất năm 2018

Giờ đây, hoạt hình không chỉ đơn thuần là phim giải trí cho khán giả trẻ, phim còn lồng ghép nhiều thông điệp, bài học ý nghĩa.







Minh Đức

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm