Tài liệu - mà FBI đã đệ trình để xin lệnh khám xét tư dinh của ông Trump - cung cấp thông tin chi tiết mới về khối lượng và cấp độ mật của những hồ sơ được thu hồi trong 15 hộp tài liệu từ Mar-a-Lago hồi tháng 1, một năm sau khi cựu tổng thống tự ý mang chúng, và nhiều hơn thế nữa, ra khỏi Nhà Trắng.
Văn bản cho thấy một quá trình dài và phức tạp trong suốt hơn 1,5 năm của chính phủ trong việc thực hiện các bước nhằm đòi lại số hồ sơ trước khi đột kích Mar-a-Lago, cùng với quá trình sơ khởi điều tra vụ việc.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ việc, cũng như điều mà ông Trump có thể phải đối mặt, một phần vì khoảng một nửa hồ sơ đã bị bôi đen để bảo mật.
Bản khai mà FBI đệ trình để xin lệnh khám xét tư dinh của ông Trump. Ảnh: AP. |
Một quan chức của Bộ Tư pháp trong tháng này mô tả cuộc điều tra vẫn còn ở giai đoạn đầu. Các quan chức tình báo sẽ đồng thời tiến hành đánh giá rủi ro tiềm ẩn với an ninh quốc gia từ hành động của ông Trump.
Theo đó, có những nguy cơ pháp lý mà ông Trump có thể phải đối mặt.
FBI chính xác đang điều tra gì?
Cho đến nay, không có hồ sơ pháp lý nào của chính phủ được công bố chỉ đích danh ông Trump, hoặc bất kỳ ai khác, là mục tiêu tiềm năng của cuộc điều tra. Tuy nhiên, trát tòa và bản khai kèm theo cho thấy rõ ràng cuộc điều tra đang được tiến hành và theo hướng hình sự.
Bộ đang điều tra các vi phạm tiềm ẩn đối với nhiều đạo luật, bao gồm quy chế của Đạo luật Gián điệp quy định về việc thu thập, truyền hoặc làm mất thông tin quốc phòng. Những điều luật khác được đề cập đến trong các cuộc điều tra liên bang bao gồm cắt, xé, di dời, phá hỏng, thay đổi hoặc làm sai lệch hồ sơ.
Cuộc điều tra bắt đầu lặng lẽ sau khi Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia trình vụ việc lên Bộ Tư pháp.
Cơ quan này đã thu hồi 15 hộp hồ sơ từ Mar-a-Lago vào tháng 1; 14 hộp trong số đó được phát hiện có chứa thông tin mật. Bản khai của FBI cho biết các quan chức đã tìm thấy 184 tài liệu có đánh dấu mật ở cấp độ khác nhau, trong đó có tài liệu chứa thông tin cực kỳ nhạy cảm. Một số có ghi chú viết tay của ông Trump.
FBI đã dành nhiều tháng để điều tra cách thức các tài liệu được chuyển từ Nhà Trắng đến Mar-a-Lago, và liệu có bất kỳ hồ sơ mật nào khác vẫn còn tại đó hay không. Cơ quan cũng đã cố xác định những người “có thể đã tiêu hủy hoặc lưu giữ thông tin mật trái phép”.
Cho đến nay FBI đã phỏng vấn "số lượng đáng kể nhân chứng", theo công bố của Bộ Tư pháp hôm 26/8, và đang tìm kiếm "thông tin thêm" từ họ.
Ông Trump có thể đối mặt với nguy cơ pháp lý vì tự ý mang hồ sơ mật ra khỏi Nhà Trắng. Ảnh: USA Today. |
Liệu sẽ có ai bị tố tụng không?
Cho đến hiện tại, đây vẫn là điều chưa rõ ràng và khó đoán.
Để nhận được lệnh khám xét, các đặc vụ liên bang phải đưa ra được lý do thuyết phục thẩm phán rằng có thể có bằng chứng tội phạm tại địa điểm họ muốn khám xét.
Tuy nhiên, lệnh khám xét không phải yếu tố quyết định để mở một cuộc truy tố hình sự, cũng như không báo hiệu cho bất kỳ cáo buộc tiềm năng nào.
Tuy nhiên, chiếu theo các điều luật có liên quan, nhiều tình tiết trong vụ việc được xếp vào loại trọng tội mà người bị buộc tội sẽ phải ngồi tù.
Một điều luật, liên quan đến việc xử lý sai thông tin quốc phòng, đã được trích dẫn trong những năm gần đây để truy tố một nhà thầu chính phủ, vì cất giữ hàng loạt hồ sơ nhạy cảm tại nhà riêng ở Maryland. Người này bị kết án 9 năm tù. Một nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia cũng bị cáo buộc đã truyền thông tin mật cho một người không có thẩm quyền nhận nó. Vụ việc đang được xử lý.
Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland chưa tiết lộ dự tính của mình. Khi được hỏi vào tháng trước về Trump trong cuộc điều tra vụ bạo động Điện Capitol ngày 6/1/2021, ông trả lời: “Không ai được nằm ngoài vòng pháp luật”.
Ông Trump đã biện hộ như thế nào?
Ông Trump, tỏ rõ thái độ tức giận về cuộc điều tra, hôm 26/8 đã tuyên bố rằng ông và nhóm của mình đã hợp tác với Bộ Tư pháp, và rằng các đại diện của ông “đã giao nộp cho họ rất nhiều”.
Điều đó trái ngược với mô tả từ nhóm của ông Trump trong bản khai. Trên thực tế, cuộc đột kích vào Mar-a-Lago gần như là một “nước bài” cuối cùng của FBI, sau nhiều tháng cơ quan lưu giữ và Bộ Tư pháp liên tục yêu cầu cựu tổng thống trả lại tài liệu, cảnh báo rằng các tài liệu không được lưu trữ đúng cách và Mar-a-Lago không phải là nơi an toàn để lưu giữ chúng.
Một bức thư do luật sư M.Evan Corcoran của ông Trump gửi cho Bộ tư Pháp hôm 25/5 cũng được công bố, biện hộ rằng “một nguyên tắc cơ bản” là tổng thống có quyền tuyệt đối trong việc giải mật các tài liệu. Tuy nhiên, ông không chỉ ra được rằng ông Trump đã làm như vậy với bất kỳ tài liệu nào.
Luật sư cũng lập luận rằng luật quản lý về việc xử lý sai thông tin mật không áp dụng với tổng thống.
M. Evan Corcoran, luật sư của ông Trump, thay mặt cựu tổng thống viết thư cho Bộ Tư pháp. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, quy chế mà ông trích dẫn trong bức thư không hề được Bộ Tư pháp sử dụng làm căn cứ điều tra, bản khai cho thấy.
Trong khi đó, một thẩm phán liên bang ở Florida hôm 27/8 yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp thông tin cụ thể hơn về các hồ sơ mật được di dời ra khỏi tư dinh ở Florida của cựu tổng thống.
Các luật sư của ông Trump đang tìm cách xem xét độc lập hồ sơ để xác định xem liệu có hồ sơ nào nằm trong nhóm ông Trump có thể tự xử lý theo đặc quyền hành pháp của tổng thống hay không.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden nói gì?
Nhà Trắng trong nhiều tuần đã rất thận trọng khi nhắc đến cuộc điều tra. Các quan chức liên tục nói rằng họ sẽ không nhúng tay vào công việc của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, chính quyền cũng có một số lưu ý.
Avril Haines, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, hôm 26/8 đã thông báo cho quốc hội rằng văn phòng của bà sẽ dẫn đầu một cuộc xem xét về độ mật của các tài liệu được thu hồi.
Các quan chức tình báo cũng sẽ đánh giá bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào đối với an ninh quốc gia. Bà Haines cho biết các nhà lãnh đạo của hai ủy ban Hạ viện đã yêu cầu điều đó.
Bà Haines nói thêm rằng bất kỳ đánh giá tình báo nào cũng sẽ được "tiến hành theo cách không can thiệp quá mức" vào cuộc điều tra hình sự.