Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Điều Covid-19 dạy người trẻ về quỹ dự phòng khẩn cấp

Làm khi lành để dành khi đau. Quỹ dự phòng khẩn cấp (Emergency Fund) là phần tài sản giúp giải quyết các tình huống bất ngờ như mất việc, bệnh tật.

quy du phong khan cap anh 1quy du phong khan cap anh 2

Làm khi lành để dành khi đau. Quỹ dự phòng khẩn cấp (Emergency Fund) là phần tài sản giúp giải quyết các tình huống bất ngờ như mất việc, bệnh tật.

  • Thói quen tích lũy cho quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ bảo vệ người trẻ trước các biến cố trong đời.
  • Mức dự phòng tối thiểu được khuyến nghị là khoảng 3-6 tháng ngân sách chi tiêu.
  • Có thể lập quỹ dự phòng dưới dạng tiền tiết kiệm, ngoại tệ mạnh, vàng hoặc cả 3.

Nếu bạn hoặc người thân làm trong lĩnh vực du lịch, thì trải qua một năm biến động, có lẽ bạn đã phần nào nhìn thấy những khó khăn về tài chính do Covid-19 gây nên.

Đối diện với tình huống mất việc hay giảm thu nhập đáng kể, một số người tạm cho mình khoảng nghỉ chờ dịch qua đi. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp chật vật vì thiếu ăn, thiếu mặc, phải cố gắng tìm nguồn thu nhập mới ngay.

Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt đó là quỹ dự phòng khẩn cấp.

Bài viết sau sẽ nói về những trường hợp quỹ khẩn cấp bảo vệ bạn, đồng thời gợi ý số tiền cần dự phòng cho tương lai.


Lá chắn tài chính cần thiết ở mọi độ tuổi

Quỹ dự phòng khẩn cấp, hay quỹ khẩn cấp, là số tiền được biệt riêng khỏi thu chi hàng tháng và chỉ nên sử dụng khi có rắc rối bất ngờ cần tài chính để giải quyết.

Nếu thế hệ đi trước thường có ý thức tiết kiệm cao phòng khi bất trắc, thì dường như thế hệ 9X trở đi lại có nhiều sự khác biệt. Các bạn sống độc lập hơn, hướng đến lối sống tiêu dùng và ít chú ý đến chuyện sẵn sàng tài chính cho biến cố.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những thay đổi. Thế giới càng phát triển thì bất trắc lại càng nhiều và nghiêm trọng. Và Covid-19 chỉ là một trong số đó.

Vì vậy, với các bạn trẻ, việc tích lũy quỹ dự phòng là rất cần thiết. Thói quen này sẽ bảo vệ bạn và gia đình trong những lúc bị sụp ổ gà, hay thậm chí ổ voi.


Vì sao ai cũng cần quỹ dự phòng khẩn cấp?

Dưới đây là 3 lý do bạn nên cân nhắc để chuẩn bị quỹ khẩn cấp cho riêng mình.

Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập

Kinh tế có tính chu kỳ, nên sau một giai đoạn phát triển thì thường xuất hiện những đợt điều chỉnh mạnh hoặc khủng hoảng.

Cụ thể, trong vòng 20 năm trở lại đây, kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc suy thoái như khủng hoảng dot-com năm 2000, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2012.

Không ít chuyên gia đã dựa vào chu kỳ 10 năm mà dự báo về khủng hoảng kinh tế 2019-2020. Song, chính Covid-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ khiến thế giới thêm lao đao.

quy du phong khan cap anh 3 quy du phong khan cap anh 4

Việt nam là một nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới, do đó cũng không nằm ngoài nan đề chung.

Khủng hoảng kinh tế đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn. Doanh nghiệp khó khăn sẽ cắt giảm lao động. Trong bối cảnh khó khăn diện rộng, khả năng nhiều người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, không thể tìm việc là rất cao.

Trên lý thuyết, người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng thực tế không phải ai cũng đủ điều kiện để được bảo hiểm hỗ trợ.

Khi đó, việc không có quỹ khẩn cấp để gánh các chi phí và khoản nợ sẽ gây áp lực nặng nề lên tài chính cá nhân.

Khái niệm công việc trọn đời đang thay đổi

Đi đôi với sự phát triển của xã hội, các công nghệ hiện đại đang dần tham gia vào quá trình giải quyết công việc. Điều này đòi hỏi người lao động phải thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị đào thải.

Ví dụ, nghề kế toán từng khan hiếm nhân lực trước khi được tự động hóa. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có thể sử dụng dịch vụ kế toán online, gửi hóa đơn, chứng từ và nhận báo cáo định kỳ qua smartphone mà không cần nhân viên kế toán nào.

Bên cạnh đó, nếu quan sát thị trường tuyển dụng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra xu hướng dễ tuyển, dễ sa thải (easy hire, easy fire). Bằng chứng là không ít công ty sẵn sàng trả lương cao để tuyển nhân sự, nhưng rồi sa thải ngay khi nhân sự đó không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược.

Có thể nói "công việc trọn đời" đã trở thành đối tượng trong sách đỏ. Song song với việc phát triển bản thân để theo đuổi sự nghiệp, bạn cần chuẩn bị tài chính cho những tình huống không mong muốn.

Ngân sách cho những lúc ốm đau và rủi ro

Sự bùng phát của dịch Covid-19 là một trong những rủi ro chúng ta có thể gặp. Ngoài ra còn có các vấn đề sức khỏe, thiên tai, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí,...

Dù mức độ nghiêm trọng khác nhau, chúng có cùng điểm chung đó là cần ngân sách để điều trị hoặc khắc phục.

Ngay cả khi bạn may mắn không có bệnh tật ở hiện tại và thu nhập ổn định giữa dịch, không gì có thể đảm bảo rằng ngày mai, ngày kia mọi thứ vẫn diễn ra mượt mà như thế.

Có quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn sẽ phần nào yên tâm hơn khi đối diện các trường hợp không kịp trở tay.


Dự phòng bao nhiêu là đủ?

Mỗi người có thể thiết lập một quỹ khẩn cấp tùy theo khả năng của mình, nhưng mức tối thiểu được khuyến nghị nhiều nhất là khoảng 3-6 tháng ngân sách chi tiêu. Nghĩa là nếu bạn chi tiêu 10 triệu đồng/tháng thì cần dự phòng ở mức 30-60 triệu đồng.

quy du phong khan cap anh 5 quy du phong khan cap anh 6

Bạn có thể dùng tháng lương thứ 13, tiền thưởng cuối năm hay các khoản thu nhập ngoài lương để bỏ vào quỹ dự phòng. Thông thường, quỹ này cần vài ba năm để hình thành.

Người có thu nhập cao có thể để riêng số tiền dự phòng nhiều hơn, dao động 40-50% lương tháng, để sớm đạt được mức an toàn tối thiểu.


Lưu trữ Emergency Fund như thế nào?

Quỹ dự phòng khẩn cấp phải có tính thanh khoản rất cao nên thường để dưới dạng tiền mặt hoặc tương đương, như ngoại tệ mạnh và vàng.

Trong khi ngoại tệ mạnh và vàng ở Việt nam không có lãi suất tiết kiệm, thì tiền mặt có thể gửi dưới dạng tiết kiệm không kỳ hạn hay các kỳ hạn linh động khác nhau.

Ngoài nhu cầu bản thân, bạn có thể sử dụng quỹ dự phòng để hỗ trợ gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bạn chỉ nên đụng đến số tiền này khi không còn giải pháp nào khác.

Hãy xem quỹ như tấm lá chắn cuối cùng. Sau khi sử dụng, bạn cần bồi hoàn sớm nhất có thể.

Võ Đình Trí

Đồ họa: Hina

Bạn có thể quan tâm