Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều cha mẹ cần làm khi con sốt

Thời tiết chuyển mùa cùng các dịch bệnh gia tăng khiến trẻ dễ bị sốt. Phụ huynh có thể lưu ý các triệu chứng để giúp con hạ sốt hoặc biết lúc nào cần đưa con đến gặp bác sĩ.

Sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang chống lại sự nhiễm trùng. Ảnh: Healthline.

Theo tiến sĩ Saroja Balan, nhà tư vấn sơ sinh, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (Ấn Độ), hầu hết trẻ em bị sốt ít nhất một lần trước khi tròn một tuổi. Thông thường, nó không gây biến chứng nguy hiểm.

Thực tế, chia sẻ với Indian Express, tiến sĩ Balan cho rằng sốt là điều tốt vì nó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, bà thấu hiểu nỗi lo của phụ huynh khi trẻ sốt cao về đêm.

Sốt về cơ bản là “bộ điều chỉnh nhiệt” bên trong cơ thể làm tăng nhiệt độ của cơ thể lên trên mức bình thường để chống lại nhiễm trùng. Vùng dưới đồi trong não chịu trách nhiệm cho việc này. Vùng này quản lý để giữ thân nhiệt khoảng 36,9 độ C. Nhưng khi có nhiễm trùng, nó đặt lại bộ điều nhiệt.

Nhiệt độ cơ thể không cố định, thay đổi từ 35,8 độ C đến thậm chí 37,5 độ C trong suốt cả ngày, thấp nhất chủ yếu vào buổi sáng và cao hơn một chút vào buổi tối. Thân nhiệt trẻ có thể thay đổi khi chúng chạy nhảy, chơi đùa.

Vùng dưới đồi có thể đặt lại nhiệt độ cơ thể ở mức cao hơn để phản ứng với nhiễm trùng, bệnh tật hoặc một số nguyên nhân khác. Các bác sĩ tin rằng nó giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng tốt hơn. Khi đó, các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn. Trẻ bị coi là sốt nếu thân nhiệt từ 38 độ C trở lên.

Phụ huynh có thể dùng nhiệt kế để đo thân nhiệt cho con. Họ nên đo dưới lưỡi nếu trẻ trên 5 tuổi, ở nách với trẻ nhỏ hơn. Trong khi đó, với trẻ dưới 3 tháng tuổi, thân nhiệt thường được đo ở trực tràng và chủ yếu thực hiện tại bệnh viện. Vị trí đo cũng ảnh hưởng đến số liệu. Đo ở miệng và trực tràng thường chính xác hơn.

tre sot anh 1

Trẻ có thể bị sốt do vi khuẩn, virus, mọc răng hay đơn giản do mặc quá nhiều quần áo. Ảnh: Ekolinternational.

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ

Cha mẹ cần nhớ rằng sốt chỉ là dấu hiệu của bệnh tật chứ không phải là bệnh tật. Nó chỉ đơn thuần là một triệu chứng.

Nhiễm trùng: Hầu hết cơn sốt là do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Chúng bao gồm cảm lạnh, viêm dạ dày ruột hoặc nhiễm trùng dạ dày, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng đường tiết niệu. Hiện nay, một loạt các bệnh nhiễm trùng do virus như sốt xuất huyết và cúm cũng có thể gây sốt cao.

Mặc quá nhiều quần áo: Đây là lý do phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chúng không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt khi mặc quá nhiều quần áo hoặc phòng quá nóng.

Sau khi chủng ngừa: Nhiều trẻ sơ sinh bị sốt sau khi chủng ngừa nhưng thường là sốt ở mức độ nhẹ và không kéo dài hơn 24 giờ.

Việc mọc răng có thể khiến em bé bị sốt nhưng nó không gây sốt cao trên 37,8 độ C (tức nếu thân nhiệt trẻ trên 37,8 độ C, cha mẹ có thể loại trừ nguyên nhân mọc răng).

Ở trẻ khỏe mạnh, không phải tất cả cơn sốt đều đến dùng thuốc. Sốt cao (trên 38,89 độ C) có thể khiến trẻ khó chịu và có thể cần được điều trị. Các bác sĩ sẽ quyết định sau khi xem xét tình trạng tổng thể của em bé. Thân nhiệt không phải lúc nào cũng là chỉ số tốt nhất để xác định trẻ cần được điều trị bằng thuốc hay không.

Dấu hiệu đáng lo ngại

Gia đình cần cho trẻ đi khám khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

- Không trả lời bạn hoặc khó thức dậy.

- Môi, lưỡi hoặc móng tay chuyển màu xanh.

- Thóp (cửa đỉnh đầu) phồng lên.

- Bị cứng cổ.

- Đau bụng dữ dội.

- Có phát ban hoặc các đốm màu tím trông giống vết bầm.

- Không chịu uống nước.

- Rất cáu kỉnh.

tre sot anh 2

Phụ huynh cần hỏi ý kiến bác sĩ khi trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C. Ảnh: Times of India.

Ngoài ra, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu con đi ngoài nhiều phân lỏng kéo dài hơn 3 ngày, nóng rát khi đi tiểu, đau tai hoặc đau cổ họng.

Các trường hợp cần hỏi ý kiến bác sĩ bao gồm:

- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng sốt trên 38 độ C.

- Trẻ em từ 3 tháng đến một tuổi có thân nhiệt trên 38 độ C trong hơn 3 ngày.

- Trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi có thân nhiệt độ trên 38,89 độ C.

- Trẻ em ở mọi lứa tuổi có nhiệt độ trên 40 độ C.

- Trẻ bị sốt co giật.

Co giật do sốt là chứng co giật xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi và có nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C. Phần lớn tình trạng này xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 12 tháng đến 18 tháng.

Trẻ co giật do sốt thường khiến phụ huynh hoảng sợ nhưng nhìn chung, chúng không ảnh hưởng đến trí thông minh hay các khía cạnh khác của sự phát triển não bộ như nhiều người lo ngại. Các cơn co giật có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh nhiễm trùng, thậm chí sau khi tiêm phòng.

Co giật thường xảy ra trong ngày đầu tiên mắc bệnh và trong nhiều trường hợp, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị bệnh. Hầu hết cơn co giật xảy ra khi trẻ sốt trên 38,89 độ C. Chúng thường kéo dài dưới một phút và chủ yếu liên quan đến cánh tay, mặt.

Một khi cơn co giật dừng lại, trẻ cần được khám để xác định liệu nguyên nhân có nằm ở việc não bị nhiễm trùng nặng như viêm màng não không.

Cách điều trị sốt cho trẻ

Trong hầu hết trường hợp, trẻ không cần điều trị khi bị sốt. Trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, có thân nhiệt từ 38,8 độ C trở xuống, khỏe mạnh, hoạt động bình thường có thể tự hồi phục sau cơn sốt.

Trong trường hợp trẻ cần điều trị, cách hiệu quả nhất là cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen. Chúng làm giảm cơn sốt cùng cảm giác khó chịu đi kèm. Bác sĩ khuyến cáo không dùng aspirin cho trẻ em vì nó có thể gây ra một căn bệnh hiếm gặp và nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.

Cha mẹ có thể cho con dùng paracetamol cách 4-6 giờ nhưng không quá 5 liều trong 24 giờ. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, phụ huynh nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con uống paracetamol.

Trong khi đó, gia đình không nên dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bác sĩ cũng không khuyến khích gia đình dùng kết hợp paracetamol với ibuprofen hay xen kẽ 2 loại vì nó làm tăng khả năng dùng sai liều. Ngoài ra, cha mẹ chỉ cho con dùng thuốc hạ sốt khi thực sự cần thiết.

Ngoài ra, cha mẹ lưu ý sốt có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị mất nước. Trẻ bị sốt có thể ngại ăn. Vì vậy, điều quan trọng là người lớn phải khuyến khích trẻ uống nước. Nếu trẻ không muốn uống, cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ.

Bên cạnh đó, cho trẻ nghỉ ngơi quan trọng nhưng không nên ép trẻ nghỉ ngơi. Khi con cảm thấy mệt mỏi và đau nhức, cha mẹ có thể khuyên con nghỉ ngơi. Sau khi thân nhiệt trở lại bình thường trong hơn 24 giờ, trẻ có thể tiếp tục các hoạt động bình thường.

“Tôi không ủng hộ việc lau mình cho trẻ bằng nước lạnh hay chườm đá. Nó thực sự có thể làm tăng thân nhiệt độ do trẻ rùng mình, dẫn đến tác dụng ngược. Nói chung, bản thân sốt không đáng ngại, cha mẹ chỉ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ và việc trẻ uống nước”, tiến sĩ Saroja Balan nói.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Loại virus gây viêm phổi ở trẻ nhưng chưa có vaccine, thuốc đặc trị

Nhiều bệnh viện ở Mỹ quá tải khi số lượng bệnh nhi phải điều trị do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) tăng cao bất thường.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm