Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều cấp thiết khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy cho hay khi thế giới ngày càng đông và nhu cầu lương thực lớn, việc sản xuất bền vững rất quan trọng, trong đó hải sản góp phần vào nhu cầu này.

Ngay từ những năm 1970, Na Uy đã nuôi trồng và thương mại hóa thành công cá hồi Đại Tây Dương. Ảnh: Reuters.

Trong sự kiện diễn ra chiều 28/2, ông Erling Rimestad - Quốc Vụ khanh Bộ ngoại giao Na Uy - nhận định sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản giữa Việt Nam và Na Uy không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn góp phần làm sâu sắc mối quan hệ 2 nước.

“Cả hai đều là nước xuất khẩu hải sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, vị thế này không khiến chúng ta cạnh tranh, mà tương hỗ cho nhau. Chúng ta đều hưởng lợi từ chuỗi giá trị hải sản”, ông nói.

Khi dân số chạm mốc 8 tỷ người nên nhu cầu lương thực tăng cao, ông Rimestad cho rằng việc sản xuất bền vững rất cần thiết, trong đó hải sản góp phần lớn vào nhu cầu này.

“Hải sản không chỉ tốt cho sức khỏe với hàm lượng protein cao và các chất dinh dưỡng cần thiết, mà còn có lượng khí thải carbon thấp hơn so với sản xuất trên đất liền. Nói cách khác, hải sản tốt cho chúng ta, và tốt cho cả Trái Đất nữa. Điều này đòi hỏi nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phải bền vững”, quốc vụ khanh chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, ông Rimestad nhận thấy cơ hội tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực này. Theo đó, Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam, nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và phát thải carbon thấp hơn.

Thông tin trên được đưa ra trong Hội thảo “Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản” diễn ra vào chiều 28/2. Sự kiện do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức.

Xu hướng thực phẩm của tương lai

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - đề cập tới các thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực nuôi biển.

Theo ông Luân, quy trình công nghệ lồng bè truyền thống hiện có sức chống chịu kém và gây tác động tới môi trường. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển còn khiêm tốn, cũng như cần đẩy mạnh liên kết trong chuỗi giá trị từ người nuôi, người sản xuất giống và người chế biến.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ trong sản xuất giống của Việt Nam còn hạn chế. “Mặc dù chúng ta sở hữu công nghệ, tính chủ động về mùa vụ để đảm bảo số lượng và chất lượng còn hạn chế. Nguồn nhân lực tham gia nuôi biển gặp một số thách thức”, ông kết luận.

Từ đó, ông bày tỏ mong muốn Na Uy sẽ hỗ trợ chuyên gia Việt Nam trong quy hoạch và chính sách bảo vệ môi trường trong nuôi biển; tiêu chuẩn và quy chuẩn trang trại nuôi biển; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam,...

thuy san ben vung anh 1

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy trong hội thảo chiều 28/2. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.

Chia sẻ bên lề hội thảo, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết xây dựng khung quy hoạch và quy định cho ngành thủy sản là lĩnh vực mà hai nước có thể phát triển hơn nữa.

Ngoài ra, về lời khuyên cho ngành thủy sản bền vững, ông Erling Rimestad cho hay nhìn từ kinh nghiệm Na Uy, người tiêu dùng đang rời xa sản phẩm nhanh và rẻ tiền, hướng tới chất lượng cao và bền vững.

“Đây chính là xu hướng tương lai và sẽ chiếm thị phần trong ngành thủy sản. Do đó, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, dựa trên kinh nghiệm của cá nhân đi trước, đặt mục tiêu làm ra loại thực phẩm chất lượng cao và bền vững”, ông nói.

Bền vững và trách nhiệm

Cũng trong hội thảo, Asbjorn Warvik Rortveit - Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) - chia sẻ về thành công của cá hồi Na Uy.

“Tôi có thể gói gọn trong 2 từ, bền vững và trách nhiệm. Cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng”, ông nói.

Nhớ lại câu chuyện về cá hồi, ông Rortveit cho hay trải qua hàng nghìn năm, ngư dân Na Uy đã tích lũy được cho mình kiến thức chuyên sâu về biển và loài cá này, khi hiểu rõ cá cần gì và phát triển ở đâu. Ngày nay, Na Uy tiếp tục cải thiện quy trình nuôi theo hướng bền vững và áp dụng công nghệ.

Ông Rortveit cũng đề cập tới kế hoạch của NSC tại Việt Nam trong năm 2023. Trong đó, ông nhắc tới tăng cường xúc tiến hoạt động thương mại để người tiêu dùng Việt Nam biết tới hải sản Na Uy; xây dựng chương trình gặp gỡ và kết nối thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước; mời phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp tại Na Uy để khách hàng và doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về cách nước này sản xuất thủy sản bền vững.

thuy san ben vung anh 2

Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Na Uy trong xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nuôi biển công nghiệp. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam đưa ra một số đề xuất để Việt Nam và Na Uy tăng cường hoạt động thương mại.

“Chúng tôi mong muốn có thêm các hoạt động trao đổi thương mại, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất sản phẩm tốt sang Na Uy”, ông nói.

Ngoài ra, ông Nam cũng mong Na Uy có hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và ngành thủy sản Việt Nam các công nghệ và biện pháp để xử lý phụ phẩm trong quá trình chế biến, gia tăng thêm giá trị mang lại tương ứng hoạt động chế biến thủy sản.

Thứ 3, ông Nam đề cập tới kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, trong đó Na Uy rất thành công với mặt hàng cá hồi.

“Cuối cùng là vấn đề về nuôi biển, khi đây là lĩnh vực thành công của Na Uy. Chúng tôi đã có nền tảng đầy đủ về pháp lý và có sự tập trung của cấp trung ương lẫn địa phương”, ông kết luận.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyên gia: Kinh tế thế giới sẽ chạm đáy và phục hồi vào nửa cuối năm

Các chuyên gia từ ngân hàng Standard Chartered nhận định đến nửa cuối năm 2023, nền kinh thế giới sẽ chạm đáy và phục hồi trở lại, tạo động lực cho tăng trưởng.


Chuyển cách sản xuất và tiêu thụ năng lượng để đạt mục tiêu khí hậu

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam hôm 5/5 nhận định để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris và COP26, thế giới cần chuyển đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm