Malaysia, cũng như nhiều nước khác ở Đông Nam Á, đang phải đối chọi đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch đến nay. Số ca mắc mới có xu hướng giảm nhẹ, nhưng quốc gia này trong một tuần trở lại đều ghi nhận khoảng 19.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Hiện Malaysia có 248.676 ca bệnh Covid-19 đang được điều trị, trong đó 83,7% tự cách ly ở nhà. Số còn lại được sắp xếp vào các cơ sở cách ly chỉ định hoặc bệnh viện, theo Straits Times.
Dù vậy, chương trình tiêm chủng nhanh chóng đã cho phép chính phủ nới lỏng giới hạn chống dịch theo từng bang và đưa ra các quyền lợi cho người đã tiêm chủng đầy đủ, Bloomberg nhận định.
Tính tới ngày 9/9, 51,1% dân số Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu chính thức. Quốc gia này dự kiến hoàn thành tiêm chủng cho 80% người dân trong hai tháng sắp tới.
“Vì thế, tôi có thể nói rằng vào cuối tháng 10, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn mà chúng ta sẽ bắt đầu sống chung với virus”, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin nói trong một buổi họp báo ngày 1/9, đánh dấu kế hoạch đưa nước này vào giai đoạn “Covid-19 đặc hiệu”.
Diễn biến số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày tính theo trung bình tuần tại Malaysia từ đầu đại dịch tới ngày 6/9, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ). Đồ họa: CNBC. |
Coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu từ cuối tháng 10
Covid-19 sẽ trở thành đặc hiệu khi căn bệnh này liên tục xuất hiện tại một khu vực hoặc địa phương với tần suất thấp và ổn định. Một số loại bệnh đặc hiệu khác bao gồm cúm mùa, sốt xuất huyết, và sốt rét.
Trong buổi họp báo ngày 1/9, ông Khairy cho biết trong giai đoạn Covid-19 đặc hiệu, thêm nhiều khu vực kinh tế sẽ được tái mở cửa, các quy tắc mới trong phòng chống Covid-19 sẽ được thực hiện.
Theo ông Khairy, chính phủ Malaysia sẽ đơn giản hóa một số biện pháp giãn cách xã hội trong những tuần tới để chuẩn bị cho giai đoạn Covid-19 đặc hiệu. Tuy nhiên, quy định đeo khẩu trang vẫn sẽ được duy trì để hạn chế sự lây lan của virus.
“Chúng ta đã chứng kiến một số quốc gia phải yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại sau khi xuất hiện các biến chủng dễ lây nhiễm hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ giữ lại quy định đeo khẩu trang”, ông Khairy nói.
Chính phủ Malaysia từng phải ra quy định phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế số ca lây nhiễm. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, để chuyển sang giai đoạn Covid-19 đặc hiệu, ông Khairy cho biết Malaysia sẽ giới thiệu chiến thuật xét nghiệm quốc gia để xét nghiệm thường xuyên cho người dân.
“Một khi chúng ta ở trong giai đoạn đặc hiệu, bạn cần tự xét nghiệm thường xuyên, kể cả đã tiêm chủng hay chưa”, ông Khairy nói. “Để thực hiện điều này, chúng tôi dự định tạo điều kiện cho việc xét nghiệm tiết kiệm và dễ tiếp cận hơn”.
Tới nay, Bộ Y tế Malaysia đã phê duyệt 11 nhãn hiệu bộ kit tự xét nghiệm Covid-19.
Ông Khairy cũng cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục để bệnh nhân Covid-19 tự cách ly tại nhà. Đồng thời, vị bộ trưởng cũng nhắc nhở những người được yêu cầu cách ly ở nhà phải thường xuyên tự theo dõi tình hình sức khỏe.
“Khi (cả nước) chuyển sang giai đoạn Covid-19 đặc hiệu, việc có trách nhiệm với bản thân là rất quan trọng. Nếu mọi người không thể tuân thủ điều kiện đi kèm cách ly ở nhà và tự chăm sóc bản thân, chúng ta sẽ không thể sống chung với con virus này”, Bộ trưởng Khairy nói.
Bộ trưởng Khairy cho biết trong hai tháng tới, người dân Malaysia sẽ cần điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với tư duy “sống chung với virus” mà chính phủ đang theo đuổi.
Một thực khách xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19 tại nhà hàng tại Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 20/8. Ảnh: Reuters. |
Số ca mắc tăng đột biến ở bang Sarawak
Trong lúc Malaysia đang chuẩn bị cho giai đoạn “Covid-19 đặc hiệu”, bang Sarawak đang gây lo ngại vì số ca mắc tăng cao dù tiêm chủng nhanh và độ phủ cao.
Ngày 9/9, Sarawak ghi nhận gần 3.200 ca mắc mới, chiếm 16% trong số hơn 19.300 ca mắc cả nước. Cùng ngày, Straits Times đưa tin bang này đã tiêm đầy đủ cho 87,9% nhóm người trưởng thành.
“Chúng tôi chưa rõ điều gì đang thúc đẩy sự lây nhiễm”, Bộ trưởng Khairy nói trong buổi họp báo ngày 9/9.
Theo ông Khairy, cách ứng phó dịch tại bang Sarawak sẽ là bài học cho các bang khác trong quá trình chuẩn bị tái mở cửa nền kinh tế, sống chung với Covid-19, và điều hành hệ thống y tế.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Klang, Malaysia vào ngày 2/12/2020. Ảnh: Reuters. |
Ông Khairy cho rằng một nguyên nhân khiến số ca mắc tăng cao có thể là việc hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm dần. Nhóm người lớn tuổi chịu rủi ro cao của bang Sarawak được tiêm đủ 2 liều vaccine từ 4 tháng trước.
Không chỉ số ca mắc, bang Sarawak cũng ghi nhận có sự gia tăng trong số ca tử vong vì Covid-19 dù đã tiêm chủng.
Theo Straits Times, trong tuần đầu tháng 9, hơn 50% số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại bang Sarawak là người đã tiêm chủng đầy đủ. Đại đa số những người này đều trên 60 tuổi và có bệnh nền.
Trong khi đó, số trường hợp đã hoàn tất tiêm chủng nhưng vẫn tử vong vì Covid-19 trên phạm vi toàn Malaysia chỉ chiếm 0,009%, theo ông Khairy. Hơn 80% trong số ấy trên 60 tuổi và có bệnh nền.
Trước mắt, Bộ Y tế cũng sẽ bắt đầu sử dụng tiêu chí mức độ sử dụng giường chăm sóc y tế tích cực (ICU) và tỷ lệ nhập viện để đánh giá đại dịch.
Ở bang Sarawak, mức độ sử dụng máy thở ở mức thấp thứ 2 cả nước, nhưng tỷ lệ lấp đầy giường ICU và tỷ lệ nhập viện có dấu hiệu tăng dần trong tuần qua, lần lượt ở mức 73% và 68%.