Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diễn viên Việt mệt mỏi đòi tiền cát-xê

Ngày 3/8, bộ phim "Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn" đã phát sóng tập cuối. Nhưng chuyện lùm xùm việc Hãng phim Hải Sơn Lâm chưa trả tiền cho diễn viên và ê-kíp vẫn nóng hổi.

1. Chị Lệ Hằng, thư ký bộ phim Like: Thời trang - tình yêu - khăn rằn, cho biết vẫn tiếp tục cùng một số anh chị em trong đoàn phim gửi đơn khiếu nại đến SCTV14 để đề nghị nhà đài hỗ trợ trong việc yêu cầu Hãng phim Hải Sơn Lâm trả tiền cho các thành viên tham gia sản xuất phim ngay khi phim 
đang phát sóng.

Trong danh sách những người không đồng ý cho nợ tới khi phim phát sóng xong mà chị gửi đến SCTV, có đến 11 người với số tiền hơn 230 triệu đồng (gồm diễn viên, hóa trang, kế toán, trợ lý đạo diễn, phụ quay, chủ nhiệm...).

“Đây là những người mà tôi biết được. Con số thực tế cao hơn. Tôi mong SCTV và hãng phim sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này” - chị Hằng nói.

Dù đã kết thúc phim trên SCTV14 nhưng Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn vẫn còn lùm xùm - Ảnh: T.L.
Dù đã kết thúc phim trên SCTV14 nhưng Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn vẫn còn lùm xùm - Ảnh: T.L.

2. Chuyện hãng phim chậm trả tiền, thậm chí quỵt tiền của diễn viên, thành viên ê-kíp đoàn phim cũng không hiếm gặp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị nên các khổ chủ ít lên tiếng. Họa hoằn như năm 2014, diễn viên Thân Thúy Hà và vài diễn viên tố Công ty Hòa Bình sản xuất bộ phim Vết dầu loang không thanh toán số tiền cát-xê còn nợ.

Trên Facebook, một số nghệ sĩ cũng chia sẻ những bức xúc vì một số hãng phim không sòng phẳng trong vấn đề tiền bạc. Ngay như trường hợp của chị Lệ Hằng, ngoài Hãng phim Hải Sơn Lâm, Hãng phim Sài Gòn Phẳng cũng thiếu chị khoảng 40% tổng số tiền công khi làm thư ký trường quay cho phim Mỹ nhơn nổi loạn.

“Phim đã kết thúc cảnh quay được hai tháng. Một số diễn viên đã nhận được tiền cát-xê. Khi tôi hỏi hãng phim thì họ cứ lần lữa hoãn tới hoãn lui. Sau đó viện lý do là chưa thống nhất các phân đoạn diễn viên. Nếu chưa thống nhất, tại sao diễn viên lại được nhận tiền?” - chị Lệ Hằng bức xúc.

Năm 2011, nhiều diễn viên và ê-kíp đoàn phim cũng mất trắng tiền công còn lại khi thực hiện bộ phim Anh chàng vượt thời gian. Bộ phim này bị xếp vào hàng “thảm họa” phim Việt và phải ngưng phát sóng giữa chừng, nhà sản xuất biến mất.

3. Một nhà sản xuất cho biết nếu như vài năm trước đây, chỉ cần phim Việt lên sóng được là hãng phim có lời nhưng nay điều này chưa chắc. Nếu phim không đáp ứng đúng thị hiếu người xem, chỉ số người xem thấp thì coi như thua, bởi hiện nay các nhà đài khi ký kết hợp tác với hãng phim đều ràng buộc nhiều yếu tố như cam kết chỉ số rating, cam kết quảng cáo.

Mà bây giờ phim đang bị thất sủng, nhường chỗ cho sự lên ngôi của truyền hình thực tế và game show hài. Khó khăn là thế nhưng hãng phim cứ tiếp tục ra đời và tìm nhiều cách để tồn tại.

Nhiều hãng phim hoạt động theo kiểu chân rết: ví dụ, một công ty ký hợp đồng với nhà đài sản xuất một tập phim giá tiền 180 triệu đồng/tập. Họ để lại cho các hãng phim khác sản xuất, với giá tiền chỉ còn khoảng 140 triệu đồng/tập, thậm chí còn thấp hơn.

Có hãng phim còn liều mình sản xuất phim xong rồi mới chào hàng bán cho các đài.

“Nếu không có đài nào mua thì coi như ôm sô. Tiền vốn bỏ ra làm sao thu hồi được” - một người làm trong nghề ta thán. Nhà sản xuất có máu liều, nhưng điều đáng nói họ lại đem những rủi ro của mình chia sẻ với... diễn viên và êkip làm phim. Điệp khúc xin thông cảm, xin hẹn lại... trở thành quen thuộc.

“Khi đã bắt tay vào sản xuất phim, nhà sản xuất phải lường trước mọi rủi ro và phải chấp nhận cuộc chơi. Khi phim có rating cao, được nhiều quảng cáo, họ có chia thêm tiền cho anh em không? Còn khi phim không đủ lượng người xem, họ lại bảo chúng tôi thông cảm. Khi ký hợp đồng, chúng tôi đâu “bao” luôn cho sự rủi ro này?” - diễn viên Thân Thúy Hà bày tỏ.

Diễn viên Võ Thành Tâm chia sẻ anh cũng thường gặp cảnh hãng phim chậm trả tiền cát-xê: “Công việc này nối tiếp công việc kia nên tôi cũng đủ kinh phí trang trải cuộc sống. Còn một số anh em trong đoàn phim có khó khăn nên họ lên tiếng là đương nhiên”.

Quốc Thái cho rằng: “Nhiều anh em nói với tôi, họ không muốn lên tiếng chút nào đâu, nhưng cách cư xử của hãng phim không đàng hoàng. Họ cứ hẹn tới hẹn lui, đến ngày trả tiền thì trốn biệt”.

4. Hiện nay, để đối phó, khi có một lời mời đóng phim từ một hãng phim lạ, một số diễn viên đã đi dọ hỏi đồng nghiệp và những người xung quanh để xem hãng phim ấy làm ăn như thế nào rồi mới ký hợp đồng.

Điều này cũng giúp hạn chế những rủi ro sẽ gặp phải. Nhưng với các trường hợp lỡ gặp phải những lời hứa ảo, hành trình đòi lại quyền lợi của họ cũng thật truân chuyên.

Trở lại với Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn, chị Lệ Hằng cho biết chiều 4/8, SCTV gặp chị và cho biết đã tiếp tục làm việc với Hãng phim Hải Sơn Lâm về trường hợp của chị và 11 anh chị em trong danh sách kiến nghị.

Hãng phim Hải Sơn Lâm sẽ liên lạc ngay với chị để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, chờ đến chiều 5/8 vẫn chưa thấy sự phản hồi nào.

Chị Lệ Hằng nói: “Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của mình. Chúng tôi làm nghệ thuật nhưng không được đáp trả bằng những đồng lương xứng đáng. Điều này thật không công bằng”.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150807/met-moi-doi-tien-catse/789933.html

Theo Hoàng Lê/Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm