Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diễn viên lạm quyền và vấn nạn ở showbiz Trung Quốc

Biên kịch ăn cắp ý tưởng, diễn viên sử dụng thế thân tràn lan, tự ý thay đổi kịch bản là hiện tượng tiêu cực của giới nghệ sĩ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp phim truyền hình Trung Quốc có một năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Tân Hoa Xã, số lượng phim được sản xuất và phát sóng năm qua giảm 24% so với năm 2019 với 688 tác phẩm.

Nhiều hiện tượng tiêu cực đằng sau ống kính máy quay của giới làm phim truyền hình Trung Quốc cũng bị báo giới phơi bày và lên án dữ dội.

Nạn "ăn cắp", đạo nhái bị công khai chỉ trích

Những ngày cuối năm 2020, ngành phim ảnh Hoa ngữ trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận với việc biên kịch Vu Chính và đạo diễn Quách Kính Minh bị 156 biên kịch, nhà văn, đạo diễn, nhà sản xuất tẩy chay vì hành vi copycat (đạo nhái) tác phẩm.

Cụ thể, biên kịch Dư Phi, nhà văn Quỳnh Dao và Tống Phương Kim đã công khai hiệp nghị của hàng trăm đồng nghiệp yêu cầu xây dựng môi trường sáng tác công bằng văn minh để phát triển.

Trong đó, Vu Chính và Quách Kính Minh bị công khai chỉ trích thái độ “ăn cắp” trắng trợn, không có thái độ kính nghiệp và phẩm chất của người làm nghệ thuật. Họ đồng thời cũng yêu cầu nhà sản xuất các show giải trí không để hai tên tuổi này xuất hiện trên truyền hình, sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên.

Van nan tieu cuc tren man anh Hoa ngu anh 1

Vu Chính từng khiến nữ văn sĩ Quỳnh Dao đổ bệnh vì hành vi đạo nhái trắng trợn. Ảnh: Sina.

Lùm xùm trên xảy ra sau Vu Chính và Quách Kính Minh liên tục trở thành giám khảo của loạt show thực tế về kỹ năng diễn xuất như Diễn viên mời vào chỗ, Excellent Voice.

Cả hai được nhận xét không đủ tài đức để đưa ra những bình phẩm mang tính chuyên môn cho đồng nghiệp trong giới. Các tác phẩm do Vu Chính và Quách Kính Minh sản xuất những năm qua cũng không được đánh giá cao về nội dung.

Đến khi bị tòa án phán quyết thua cuộc, họ chỉ chấp nhận đền bù kinh tế nhưng không chịu thừa nhận hành vi "ăn trộm" chất xám cũng như xin lỗi.

Năm 2014, Vu Chính bị Quỳnh Dao kiện vì sao chép nội dung tiểu thuyết Mai hoa lạc của bà vào phim Cung tỏa liên thành. Hành vi của "biên kịch vàng" khiến nữ sĩ uất ức đến mức đổ bệnh vì đứa con tinh thần bị sao chép, thêm thắt quá đà.

Trong khi đó, Quách Kính Minh có tác phẩm Hoa rơi trong giấc mộng, Hạ chí chưa tới bị phán quyết sao chép Vòng trong vòng ngoài của nhà văn Trang Vũ. Vương quốc ảo nghi vấn nhái truyện RG Veda của Nhật Bản.

Theo Tân Hoa Xã, đây là lần đầu tiên những tên tuổi vướng lùm xùm ăn cắp, sao chép ý tưởng bị người trong nghề “xử lý” nặng tay và gây ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ trong lịch sử ngành phim ảnh Hoa ngữ.

Thực tế, trước đây có không ít trường hợp bị tố đạo nhái tương tự, mọi việc chỉ dừng lại ở việc lên án, chỉ trích từ phía dân mạng. Hầu hết vụ kiện đều kết thúc trong im lặng, người thắng kẻ thua thờ ơ, cơ quan chức năng không đưa ra giải pháp triệt để, tất cả sau đó nhanh chóng bị lãng quên.

Van nan tieu cuc tren man anh Hoa ngu anh 2

Hiện tượng sao chép, biến tấu ý tưởng có sẵn của giới biên kịch Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ảnh: Sohu.

Tân Hoa Xã cho rằng giới biên kịch Trung Quốc ngày càng lười sáng tạo, chỉ chăm chăm vào việc vay mượn chất xám từ bên ngoài để làm giàu cho dự án riêng của bản thân. Trong năm 2020, có hơn chục phim truyền hình bị “soi” ra bằng chứng đạo nhái gần xa, ở cả trong và ngoài nước.

"Đạo phẩm đang có xu hướng bành trướng và thống trị màn ảnh Hoa ngữ. Đây là hiện tượng tiêu cực cho thấy tư duy hạn hẹp, khô cằn của nhóm cầm bút Trung Quốc", tờ báo hàng đầu đất nước tỷ dân nhận định.

Bộ phim Nguyệt thượng trọng hỏa do hai ngôi sao trẻ La Vân Hi và Trần Ngọc Kỳ đóng chính, bị phát hiện “xào nấu” bố cục cảnh quay từ trò chơi khoa học viễn tưởng của Nhật Bản có tên Final Fantasy.

Nguyên tác Sở Kiều truyện của tác giả Tiêu Tương Đông Nhi liên tục bị tố là đạo nhái những bộ truyện đình đám như Bạo Quân, Ta đến từ quân tình báo số 9 và đặc biệt là Hộc Châu phu nhân của Tiêu Như Sắt. Dù bị tố sao chép ý tưởng, phim vẫn an toàn vượt qua vòng kiểm duyệt và lên sóng.

Hay Chân Hoàn truyện được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lưu Liễm Tử bị lên án “ăn cắp” và “biến tấu” lại từ hai bộ tiểu thuyết Ma thổi đèn: Quỷ Xuy Đăng của nhà văn Thiên Hạ Bá Xướng và Tịch mịch không đình xuân dục vãn của Phỉ Ngã Tư Tồn.

Chính nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn cũng bức xúc tố Lưu Liễm Tử ngang nhiên sao chép nội dung, đồng thời chỉ ra nhiều điểm trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa các sản phẩm của cô và người đồng nghiệp. Ồn ào một thời gian dài, song Chân Hoàn truyện vẫn được xem là niềm tự hào và là huyền thoại của dòng phim cung đấu Hoa ngữ.

Lý giải về hiện tượng tiêu cực này, Vương Hải Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp Văn học Điện ảnh kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Biên kịch phim truyền hình Trung Quốc cho biết xu thế chạy theo đồng tiền một cách mù quáng, đã làm xuất hiện lượng lớn tác phẩm theo đuổi dòng chảy xếp hạng truyền thông nhằm “thị uy”, nâng cao danh tiếng với nhà đầu tư để kêu nguồn vốn.

Người trong giới gọi đây là cơ chế chế tác “một đồng vốn đầu tư xấu, đẻ ra 10 đồng lãi tốt". Nói dễ hiểu quay phim càng tệ, tỷ lệ thuận với lợi nhuận càng cao, không khuyến khích chú trọng chất lượng nội dung.

Quách Kính Minh và Vu Chính là đại diện của mô hình sản xuất nội dung và định hướng phim ảnh theo giá trị kim tiền này. Vì vậy, họ sẵn sàng dùng chiêu trò, kể cả đạo nhái để đạt được mục đích đưa dự án vào vòng xoáy dư luận.

Khuất Cương, Giám đốc điều hành Hiệp hội Văn học và Điện ảnh Trung Quốc, biên kịch của phim truyền hình NhàSở Hán truyền kỳ chia sẻ với Tân Hoa Xã, thay vì mất thời gian và tiền của thực hiện tuyên truyền, nhiều người chọn cách gây thị phi bằng cách ăn theo các tác phẩm nghệ thuật kinh điển.

"Bằng cách đổi tên nhân vật, xào nấu lại một số tình tiết là họ có thể ‘lách luật’ kiểm duyệt. Đợi đến ngày phim lên sóng mọi sự đã ‘gạo nấu thành cơm’. Cơ chế quản lý lỏng lẻo đã để một bộ phận ‘đạo tặc’ chuyên ăn cướp chất xám dần dần giết chết những người sáng tạo nội dung chân chính, tạo ra một môi trường nghệ thuật không sạch sẽ", Khuất Cương nói.

Diễn viên lạm quyền sau ống kính

Hữu phỉ được ví von là bom tấn cổ trang trên màn ảnh Trung Quốc dịp cuối năm, với sự kết hợp của hai tên tuổi nổi tiếng nhất hiện nay là Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác.

Phim được đánh giá cao về hiệu ứng truyền thông, diễn xuất của bộ đôi diễn viên chính và nội dung kịch bản, song Hữu phỉ chỉ được chấm vỏn vẹn 5.8 điểm chất lượng trên Douban. Sina nhận xét đây là số điểm đáng thất vọng cho dự án được đầu tư với mức kinh phí lên đến 280 triệu NDT.

QQ cho biết sở dĩ Hữu phỉ bị đánh giá thấp chủ yếu là do phục sức cho diễn viên đầu tư sơ sài, điểm trừ lớn nhất nằm ở kỹ xảo 5 xu, kém mượt mà và thiếu chỉn chu ở khâu hậu kỳ.

Ifeng nhận xét Hữu phỉ là tác phẩm củng cố thêm cho bước lùi của phim truyền hình Trung Quốc. Bộ phim mang mác cổ trang tiên hiệp nhưng phần lớn cảnh quay đều là sản phẩm quay dựng, cắt ghép dưới phông nền xanh, đến cả gương mặt của Triệu Lệ Dĩnh khi khóc cũng bị photoshop cà nát đến độ không thấy nổi một giọt nước mắt.

"Cả tác phẩm nồng nặc mùi ‘nhựa'. So sánh với các bộ phim cổ trang cách đây chục năm, công tác sản xuất phim của Trung Quốc ngày càng thụt lùi vì sự lười nhác của người làm nghệ thuật”, Ifeng đánh giá.

Năm vừa qua, kỹ xảo hình ảnh của phim Hoa ngữ bị đánh giá đang có xu hướng "tiến hóa ngược" và lạm dụng quá đà. Từ Cẩm y chi hạ, Tam thiên nha sát, Mộ Bạch Thủ đến Sơn hải kinh chi Thượng cổ mật ước đều bị chê cười vì kỹ xảo giả trân, cẩu thả.

Kỹ xảo giả đã đành, nhiều diễn viên cũng bị đánh giá “giả” về năng lực và phẩm chất. Theo Sina, một bộ phận diễn viên trẻ hiện nay không những không biết diễn, mà còn có thái độ thiếu chuyên nghiệp, ỷ lại.

Chỉ cần cảnh quay có độ khó hoặc vất vả một chút, họ lập tức tìm thế thân diễn thay. Không chỉ vậy, ngay cả lời thoại, nhiều người cũng lười học thuộc, trên trường quay chỉ biết đếm số 1, 2, 3, 4, 5… để đối phó, lệ thuộc vào khâu lồng tiếng ở giai đoạn hậu kỳ để cứu rỗi.

Nhật báo Nhân dân Trung Quốc chỉ ra thực trạng, hiện tại trên các phim trường, ngoài những cảnh đặc tả hay cảnh quay cận mặt, phần lớn các cảnh quay khác đều do diễn viên đóng thế “giúp sức” cho giới nghệ sĩ.

"Thế thân quay cảnh khỏa thân, thế thân quay cảnh quỳ gối, thế thân quay cảnh lưng, thế thân quay cảnh ăn, thế thân quay cảnh cưỡi ngựa… Tính sơ sơ có hàng trăm thế thân cho từng phân cảnh trên phim trường. Muốn thế chỗ nào người có người thế chỗ đó. Diễn viên đóng thế chắc mẩm đắt show và bận rộn hơn cả diễn viên chính", Nhật báo Nhân dân Trung Quốc mỉa mai.

Đường Yên vấp phải chỉ trích để lộ thế thân ở phân cảnh đánh nhau trong Yến vân đài. Angelababy mới đây hứng chịu vô số lời chê bai “ngựa quen đường cũ” khi bị phát hiện dùng đến 5 thế thân trên phim trường Trần duyên.

Trong quá khứ, bà xã Huỳnh Hiểu Minh từng nhận chỉ trích lười nhác sau khi bị lật tẩy lạm dụng thế thân quá đà. Theo Sina, đoàn phim Cô phương bất tự thưởng quay trong 130 ngày nhưng cô và bạn diễn Chung Hán Lương chỉ có đúng 10 ngày chạm mặt trực diện trên phim trường.

Một diễn viên gạo cội tiết lộ với Sohu từng hợp tác với nam diễn viên cùng lúc quay 6 bộ phim. Vì thời gian hạn hẹp, để thuận lợi cho việc chạy show, nam chính và đạo diễn đành phải làm hai mặt nạ để diễn viên đóng thế đeo và thực hiện toàn bộ những cảnh quay xa, cảnh tĩnh. "60 tập phim mà anh ta chỉ cần đến trường quay 15 ngày", nguồn tin tiết lộ.

Điều này dẫn đến hiện trạng nhiều diễn viên phải đóng tay đôi với không khí do bạn diễn trốn việc, bỏ về giữa chừng để chạy show.

Chưa kể vài năm trở lại đây, tình trạng ngôi sao lạm quyền, “nhúng tay” thay đổi kịch bản, tạo hình theo ý thích của bản thân cũng khiến giới làm phim bất lực chịu trận.

Năm 2018, Lưu Diệc Phi và Tỉnh Bách Nhiên bị tố tự ý đưa biên kịch riêng vào đoàn phim Nam yên trai bút lục, xào nấu lại toàn bộ kịch bản cho dễ diễn khiến đạo diễn “nóng mặt”. Mới đây nhất, Cúc Tịnh Y hay Mạnh Tử Nghĩa bị chỉ trích dữ dội vì tự ý thay đổi trang phục, hóa trang để trắng trẻo, xinh xắn hơn khi lên hình.

Cơ quan chủ quản không còn ngó lơ

Để giải quyết vấn nạn tiêu cực ngày càng ăn sâu vào ngành công nghiệp phim ảnh, giữa tháng 12, Hiệp hội Sản xuất phim Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ban hành văn bản về quy tắc hành xử của diễn viên, biên kịch trên phim trường.

Quy định ghi rõ nhà sản xuất phải kiên quyết chống lại việc không học thuộc kịch bản, dùng chiêu trò như đếm số; lạm dụng kỹ thuật lồng tiếng đè, thế thân để "lách cửa" và can thiệp sâu vào quy trình sản xuất của các diễn viên như thay đổi kịch bản, tạo hình.

Van nan tieu cuc tren man anh Hoa ngu anh 7

Lưu Diệc Phi từng vướng tin lạm quyền, tự ý thay đổi kịch bản trong Nam yên trai bút lục. Ảnh: Weibo.

Những ngày vừa qua, sau ồn ào của Vu Chính và Quách Kính Minh nổ ra, Tổng Cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra lệnh ngừng phát sóng show Diễn viên mời vào chỗ có sự tham gia của cả hai.

Đây được xem là động thái cứng rắn của cấp quản lý đối với hành vi sai phạm của Vu Chính và Quách Kính Minh. Trước thềm bước sang năm 2021, hai nghệ sĩ đã gửi lời xin lỗi đến nhà văn Quỳnh Dao và Trang Vũ để thoát án phạt của Tổng cục và lấy lại thể diện trong giới.

Sau vài tiếng đăng đàn xin lỗi, Vu Chính thông báo rút khỏi ghế giảm khảo chương trình Diễn viên mời vào chỗ 3 với lý do muốn "chuyên tâm quay về nghiệp sáng tác". Tuy nhiên, một số nguồn tin cho hay anh đã chính thức bị dính án "phong sát" trên phương tiện truyền thông đại chính.

Chia sẻ với Sina, đại diện của Tổng cục cho biết mục tiêu hàng đầu trong năm mới 2021 của ngành phim ảnh Trung Quốc là thanh lọc những vấn nạn nhức nhối, những thành phần gây "nhiễu" đã tồn tại trong giới nhiều năm qua, nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm, không để bộ phận nghệ sĩ tiêu cực kéo lùi cả một thị trường.

“Diễn viên ngày càng trở thành người công cụ, bán rẻ khuôn mặt của mình trên màn ảnh mà bỏ mặc chất lượng sản phẩm bản thân sáng tạo ra. Nghệ sĩ không kính nghiệp sẽ sản sinh ra nhiều dự án thảm họa, làm u tối cả ngành nghệ thuật. Cần phải chấn chỉnh một cách triệt để trước khi quá muộn. Dung túng cho thế hệ ngôi sao không chuyên nghiệp một ngày sẽ hủy hoại cơ đồ gây dựng trăm năm”, Vương Hải Lâm cho biết.

Vấn nạn diễn viên đếm số trên màn ảnh Trung Quốc

Nghệ sĩ trẻ Trung Quốc bị lên án việc lạm dụng kỹ thuật lồng tiếng vì không thuộc lời thoại và phải "chữa cháy" bằng cách đếm số.

Di Hy

Bạn có thể quan tâm