Nam diễn viên có “khuôn mặt không chơi được” xuất hiện trong cuộc trò chuyện với vẻ ngoại giản dị và nụ cười tự nhiên thường trực như “bê nguyên” từ các vai diễn hài hước mà anh gây ấn tượng mấy năm gần đây trong các đĩa hài. Không phải ai cũng biết rằng Hải Anh còn là một doanh nhân thành đạt, chủ của một thương hiệu thời trang có tiếng ở Việt Nam và với anh, công việc diễn xuất chỉ là nghiệp dư cho “vui cửa vui nhà”.
Chia sẻ với Zing.vn, Hải Anh bảo nhiều khi không muốn nhận cát-xê nhưng đạo diễn cứ dúi vào tay vì bảo không nhận thì số tiền này vứt đi đâu vì vẫn phải làm số sách. Anh tâm sự thêm rằng, anh hài lòng với cuộc sống hiện tại khi công việc kinh doanh ổn định, gia đình hạnh phúc duy chỉ có cậu con trai là khiến anh phải suy nghĩ nhiều hơn cả vì môi trường xã hội hiện nay quá nguy hiểm đối với những đứa trẻ.
Diễn viên Hải Anh. Ảnh: NVCC |
'Đã qua thời phim nào cũng nhận, vai nào cũng đóng'
Nhiều người thắc mắc là tại sao sau nhiều năm đóng phim, tôi vẫn không có nổi một vai chính. Không phải vì tôi không muốn hay tự ti về bản thân mà tôi hiểu năng lực của mình đến đâu. Tôi chưa bao giờ được đào tạo về diễn xuất chuyên nghiệp, do vậy không ngại nhận mình là một diễn viên nghiệp dư thực sự. Người đóng vai chính cần khả năng diễn xuất rất cao nên nếu được đạo diễn nào mời tôi cũng không dám nhận. Hơn nữa, tôi không có nhiều thời gian để tham gia một dự án phim từ đầu đến cuối, vai phụ xuất hiện vài ba cảnh thì được chứ vai chính quay đến cả tháng, cả năm thì tôi không bỏ công việc kinh doanh của mình được.
Tôi đến với nghề diễn từ sở thích rất đơn giản là được lên hình và chẳng bao giờ quan tâm đến cát-xê, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Những ngày đầu có những vai thoáng qua đến mức chính tôi cũng không nhận ra mình trên phim nhưng vẫn ngồi đợi từ sáng đến tối cho một phân cảnh, không nản. Sau nhiều năm, tôi cảm thấy may mắn vì đã được khán giả nhớ đến dù hình ảnh của tôi trên màn ảnh nhỏ chủ yếu là “đầu trộm đuôi cướp” hoặc nịnh bợ sếp với “khuôn mặt không chơi được”.
Mấy năm gần đây, tôi ít tham gia đóng phim truyền hình vì đã qua rồi cái thời phim nào cũng nhận, vai nào cũng đóng. Tôi thấy mình cần tự đổi mới và không thể mãi gắn bó với những vai phản diễn đơn điệu như trước đây. Tôi chuyển dần sang đóng hài, chủ yếu là hài Tết với những vai cũng nhỏ nhỏ để không quên nghề và có điều kiện được gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp. Nhiều người bảo tôi tài trợ để mua vai diễn vì thấy tôi tài trợ nhiều dự án phim. Thực ra không phải vậy, tôi tài trợ với tư cách một doanh nhân như bao người khác, còn nếu bỏ tiền để có được một vai diễn thì tôi không làm vì đó không phải là tính cách của tôi.
Khởi nghiệp kinh doanh vì nghĩ… chẳng còn gì để làm
Công việc chính của Hải Anh là kinh doanh thời trang. Ảnh: NVCC |
Tôi đến với kinh doanh còn tình cờ và buồn cười hơn nghệ thuật. Mặc dù được đào tạo bài bản về kinh tế, từng học tập và sinh sống 10 năm ở Nga nhưng phải đến năm 37 tuổi, tôi mới chính thức bước vào nghiệp kinh doanh. Lúc đó, công việc của tôi không thuận lợi, nghĩ bản thân chả còn gì để làm, thôi thì chọn ngành mình thạo nhất là kinh tế để dấn thân, mà để không phải đi làm thuê, làm mướn thì chỉ có cách là quyết tâm trở thành một ông chủ.
“Phi thương bất phú” nhưng “thương trường cũng là chiến trường”, tôi từng nhiều lần thất bại trong kinh doanh, có những lúc phá sản tưởng không đứng dậy được nhưng may mắn là có bạn bè giúp đỡ, cho vay với số tiền lớn để xây dựng lại từ đầu. Tôi không làm mọi người thất vọng và may mắn là hiện nay công việc kinh doanh thuận lợi, công ty của tôi trở thành một trong những thương hiệu uy tín của Việt Nam hiện nay.
Tôi tự tin nói rằng thời trang ở miền Bắc vẫn đang hoạt động rất tử tế và nói thật là chưa khốc liệt và tàn bạo như thời trang ở trong Nam hay một số nước trên thế giới.
Bắt đầu dạy con trai kỹ năng phòng tránh “yêu râu xanh”
Vợ chồng diễn viên Hải Anh có một cậu con trai thông minh và đáng yêu. Ảnh: NVCC |
Ngoài công việc kinh doanh và nghệ thuật, tôi dành nhiều thời gian cho gia đình và cảm thấy may mắn vì có được một người vợ không những giỏi thiết kế thời trang mà còn hết mực yêu thương chồng con. Con trai tôi là một cậu bé thông minh và đáng yêu nhưng lại hiếu thắng và luôn cho mình là số 1, lúc nào cũng muốn bản thân là người đầu tiên, người sở hữu và nếu không được như vậy thì sẽ lăn đùng ra khóc. Chính thế, vợ chồng tôi bắt đầu xây dựng lại kế hoạch giáo dục con để cháu phát huy những đức tính tốt và thay đổi những tật xấu mà tôi nghĩ đứa trẻ nào sinh ra trong một gia đình có điều kiện cũng dễ mắc phải.
Mặc dù còn rất nhỏ tuổi nhưng cậu bé đã nhận thấy mình sinh ra trong một gia đình giàu có, nhung lụa về vật chất và sung sướng về tinh thần. Khi tôi thấy con trai mình nói câu “Nhà mình có nghèo đâu bố”, tôi ngỡ ngàng và nhận thấy hình như chúng tôi bao bọc con mình quá, đó là lý do khiến cháu ít trải nghiệm với đời sống và luôn cảm thấy bỡ ngỡ với những thứ xảy ra xung quanh. Nhiều lúc, tôi cũng muốn hai bố con được tham gia những chương trình kiểu như “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” nhưng chỉ sợ con trai mình không làm được như các cậu bé nhà Xuân Bắc, Trần Lực.
Tôi cũng muốn con sương gió để cứng cáp, khỏe mạnh và rắn rỏi nhưng có lẽ môi trường xã hội hiện nay quá nguy hiểm, khiến chúng tôi biết rõ mà vẫn chưa dám sẵn sàng. Sau những vụ tai nạn dù đi trên vỉa hè hay những tin đồn bắt cóc, vợ chồng tôi thậm chí còn không dám cho cháu đi bộ đi học dù quãng đường từ nhà đến trường chỉ có 500m. Tôi chỉ sợ nếu có chuyện gì xảy ra với con mình thì hối hận đã quá muộn, thế nên bận rộn thế nào chúng tôi cũng phải điều một xe về đưa đón con mình đến trường.
Sau vụ việc một diễn viên hài Việt Nam bị bắt ở hải ngoại vì quấy rối tình dục trẻ em mà lại là bé trai, chúng tôi cũng bắt đầu dặn cháu về kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những “yêu râu xanh” trong xã hội. Tôi dạy cháu rằng không ai được đụng chạm vào vật nhạy cảm của con ngay cả ông bà, bố mẹ, thầy cô hay những người thân trong gia đình.
Tôi từng học tập và sinh sống ở nước ngoài, tôi thấy họ dạy trẻ em những kỹ năng này từ lâu lắm rồi còn chúng ta không những muộn mà còn chưa công bằng giữa bé trai và bé gái. Người Việt Nam có thói quen rất xấu là hay động chạm vào chỗ nhạy cảm của các bé trai và cho đó là điều bình thường. Ngay bản thân tôi khi sang nước ngoài cũng đã từng làm thế vì nghĩ chẳng có gì nghiêm trọng nhưng khi được bạn bè bên nước ngoài nhắc nhở, tôi đã nhận ra và không bao giờ tái phạm.
Tôi hy vọng Việt Nam sẽ có những khóa dạy kỹ năng cho trẻ em, cả trai cả gái để các cháu có thể trang bị những điều cần thiết trong việc tự bảo vệ bản thân cũng như phòng tránh những người quấy rối tình dục trẻ em. Hơn thế, bố mẹ cũng nên quan tâm và theo dõi thường xuyên con cái của mình để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, tác động trực tiếp đến thể xác và tinh thần của trẻ.