Diễn viên Đức Thịnh được biết đến nhiều nhất với vai Sơn Sọ trong bộ phim Đội đặc nhiệm nhà C21 (1997). Anh từng Nam tiến và tham gia ban nhạc của ca sĩ Jimmii Nguyễn. Về âm nhạc, Đức Thịnh có nhiều sáng tác như Sao em mãi khóc, Người không biết yêu hay Trăm năm không quên.
Sai lầm lớn nhất là không đi học
- Tới nay, Đội đặc nhiệm nhà C21 còn lại gì trong trí nhớ của anh?
- Đó là bước đệm để tôi yêu nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Bộ phim quay trong ba tháng hè năm 1997 và phát sóng 5 tập năm 1998. Đội đặc nhiệm nhà C21 vốn còn 11 tập nữa nhưng không biết vì sao hãng phim truyện không sản xuất nốt. Vì vậy, tôi nung nấu ý tưởng hoàn thành 11 tập phim đó.
Đức Thịnh trong phim Đội đặc nhiệm nhà C21 hồi năm 1997. |
- Cơ duyên nào đưa anh đến với bộ phim?
- Gia đình tôi có quen một cô làm ở lĩnh vực sân khấu. Cô ấy thông báo cho tôi về cuộc tuyển chọn này. Ngày casting, thay vì đi tới hãng phim truyện, tôi lại đi nhầm sang đài truyền hình. Đến khi họ tuyển xong hết rồi, tôi mới nhận ra là mình đến sai địa điểm. Lúc đó, ê-kíp tuyển chọn đang ở một quán cà phê gần đấy nên tôi đi ra ăn vạ. Tôi cứ đứng đấy nói: “Các chú mà không cho cháu casting, cháu không về đâu”. Thế là các bác cho cơ hội và tôi là người được chọn.
- Bố mẹ anh nói gì khi thấy con trai nổi tiếng sau khi đóng phim?
- Ban đầu, gia đình nghĩ tôi là trẻ con nên không bận tâm. Sau này, khi tôi nghiêm túc theo đuổi nghệ thuật, bố mẹ tôi phản đối. Vốn là hộ kinh doanh có tiếng trong làng máy khâu, phụ huynh muốn tôi nối nghiệp để đảm bảo kinh tế gia đình. Bố mẹ cũng có mắng, có đánh nhưng tôi không nghe, còn bỏ nhà đi nhiều lần. Lâu sau, họ cũng kệ và không bắt ép tôi nữa.
- Mất bao lâu để bố mẹ chấp nhận việc anh dấn thân vào nghệ thuật?
- Thật ra đến giờ phút này bố mẹ tôi vẫn không muốn tôi đi theo nghệ thuật. Thấy tôi lận đận, không ổn định, họ còn bảo hay mở quán phở đi mà sống.
Đức Thịnh hối hận vì không theo học chính quy. Ảnh: Hương Đỗ. |
- Theo anh, điều gì khiến sự nghiệp của mình bị lận đận?
- Thời gian đó, sự chú ý có được từ Đội đặc nhiệm nhà C21 khiến tôi nghĩ nghệ thuật thật đơn giản. Tôi cho rằng nghệ thuật mà để nổi tiếng chỉ cần may mắn với đam mê là đủ. Thế nên, lúc đó thay vì thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi quay sang thi mỹ thuật công nghiệp. Thi được vòng đầu, tới vòng hai thì ngủ quên. Từ đó con đường học vấn cũng dừng. Bây giờ, tôi nhận ra sai lầm lớn nhất của tôi là không đi học.
- Nếu được làm lại, sự lựa chọn của anh là điện ảnh hay hội họa?
- Tôi muốn thi cả mỹ thuật, nhạc viện và điện ảnh. Làm cái gì cũng cần phải có nền móng. Vì không có nền tảng nên những gì tôi có với nghệ thuật hiện nay đều rất bấp bênh. Tôi chỉ mong ổn định được sức khoẻ để bắt đầu đào lại từ móng.
- Anh có nghĩ sự nghiệp bấp bênh là do anh làm dàn trải nhiều việc một lúc?
- “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Tôi hiểu câu nói đấy cách đây vài năm. Về nghệ thuật, mỗi thứ tôi biết một tí. Đó là cái giới hạn khiến tôi không thể và không biết nên tập trung vào thứ gì.
- Tại sao anh không tham khảo ý kiến gia đình?
- Ngày xưa tôi từng cãi lại gia đình để đi theo nghệ thuật nên bây giờ tôi không dám hỏi người thân. Thậm chí, tôi cũng không dám hỏi người ngoài vì suy cho cùng đó vẫn là quyết định của cuộc đời tôi.
Mắc ung thư khi kinh tế còn bấp bênh
- Cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh đối diện với bệnh tật như thế nào?
- Tôi biết tin vào đúng ngày sinh nhật con trai lớn. Ban đầu, còn tưởng là ngủ sái cổ nhưng mãi sau hạch cổ không hết. Trải qua một tháng, xét nghiệm tại 5 bệnh viện, tôi bị chẩn đoán ung thư. Lúc biết tin, tôi buồn vì mình chưa làm được gì cho gia đình, chưa cho các con một ngôi nhà bền vững. Cuộc sống của hai vợ chồng vẫn còn bấp bênh mà tôi lại mắc bệnh nan y. Tôi không biết bệnh tình hôm nay, ngày mai sẽ ra sao. Bây giờ, tôi xác định sống cùng với ung thư để mình tiếp tục làm việc.
Đức Thịnh phải đối chọi với căn bệnh ung thư. Ảnh: Hương Đỗ. |
- Quá trình chữa trị của anh gặp những gì khó khăn?
- Tôi chuẩn bị truyền hóa chất đợt hai. Hóa chất đi tới đâu trong cơ thể, tôi cảm nhận được tới đó. Trong vòng ba ngày sau khi truyền, chân tay tôi liên tục đau nhức. Tất cả đầu ngón tay đều đen sì vì hóa trị. Tuy nhiên, tôi may mắn vì vẫn ăn được, ngủ được, sinh hoạt được điều độ, tinh thần lạc quan.
- Đối diện với bệnh tật, điều gì cho anh sức mạnh để chiến đấu?
- Tôi muốn tử tế hơn với nghệ thuật, để lo lắng sự ổn định cho gia đình. Bây giờ nổi tiếng là em có thể kiếm được tiền tỷ, có thể đóng quảng cáo, đại diện thương hiệu. Nếu Đặc nhiệm nhà C21 là phim bây giờ thì có khi tôi đã kiếm được rất nhiều tiền rồi. Ngày xưa nổi tiếng thì chỉ cho khán giả biết thôi chứ không giàu được. Bây giờ cái tôi cần là nghiêm túc với nghệ thuật để ổn định cuộc sống chứ tôi không cần sự nổi tiếng nữa. Tôi từng đối xử không tốt với nghệ thuật nên bây giờ tôi không có được kinh tế tốt.
- Tại sao anh nghĩ rằng một nghề bay bổng như nghệ thuật lại có thể cho gia đình anh sự ổn định về kinh tế? Sao anh không quay lại với gia nghiệp làm kinh doanh?
- Đến bây giờ muốn kinh doanh cũng không được nữa. Bố tôi bỏ nghề vì con trai không nối dõi. Trong khi đó, nghệ thuật đã ăn vào máu tôi. Nếu bây giờ bỏ nó, tôi mất trắng. Tôi không phải người thất bại trong nghệ thuật, tôi chỉ là người không có nền móng. Những tác phẩm tôi sáng tác vẫn có người sử dụng, vẫn nhận được tiền bản quyền.
Đầu ngón tay của Đức Thịnh bị thâm đen do hóa trị. Ảnh: Hương Đỗ. |
- Vậy mong muốn lớn nhất của anh ở thời điểm hiện tại là gì?
- Tôi mong mình sẽ đạt được thành quả khi tập trung cho nghệ thuật. Ví dụ, nếu làm một dự án phim thì phải nhận phản ứng tốt cả về mặt truyền thông và chuyên môn. Về âm nhạc, phải có thành quả và được công nhận.
Trước đó, vì không có nền móng, tôi chưa bao giờ dám nhận mình là nhạc sĩ hay ca sĩ. Giờ đây, tôi mong ước mình trở thành một nghệ sĩ thực thụ.