Điện thoại màn hình gập là công nghệ kỳ lạ và mang tính cách mạng nhất năm 2019. Những thiết bị này hoạt động ra sao, khi nào mọi người mới có cơ hội sở hữu chúng?
Công nghệ đằng sau smartphone màn hình gập
Chúng ta đã biết về điện thoại nắp gập hồi những năm 2000. Tuy nhiên đó là những thiết bị có thiết kế 2 mảnh kiểu vỏ sò. Nếu bạn cố gắng bẻ đôi smartphone dạng thanh của mình, nó sẽ bị hỏng.
Một bản dựng Samsung Galaxy F dựa trên các tin đồn. Ảnh: LetsGo Digital. |
Một điện thoại màn hình OLED với các linh kiện chuyên dụng sẽ cho phép gập lại mà không vỡ kính, hỏng pin và những thành phần điện tử bên trong. Màn hình OLED hay còn gọi là màn hình diot phát sáng hữu cơ hoạt động bằng cách tạo xung điện thông qua một lưới hợp chất hữu cơ. Màn hình OLED cực kỳ mỏng, linh hoạt, không yêu cầu đèn nền và có thể tạo ra màu sắc đậm hơn màn hình LED.
Hiện tại loại màn hình này được sản xuất chủ yếu bởi Samsung. Kể từ Galaxy S7 Edge có màn hình OLED cong. iPhone X cũng dùng màn hình OLED của công ty Hàn Quốc. Sony giới thiệu ra một số mẫu TV OLED, LG sử dụng loại màn hình này vào chiếc TV có khả năng cuộn tròn ra mắt tại CES 2019 vừa qua.
Các nhà sản xuất như Samsung và Royole đã phát triển màn hình OLED từ năm 2011, công nghệ này đã được ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Vậy tại sao người ta phải mất thời gian quá lâu để tạo ra smartphone màn hình gập?
Bên cạnh màn hình, các công ty còn phải nghiên cứu tìm ra cách để các linh kiện khác cũng bẻ cong được. Đó là kính bảo vệ phủ bên ngoài màn hình, các bản mạch và pin lithium-ion. Về lý thuyết thì vỏ nhôm có thể uốn cong, nhưng nó sẽ gãy sau vài lần bẻ. Vì vậy vỏ điện thoại cũng là một vấn đề phải giải quyết.
Samsung và Royole đã tìm được giải pháp cho các trở ngại kể trên, tuy nhiên công nghệ vẫn đang ở giai đoạn đầu, cần thêm vài năm để mọi thứ trở nên hoàn thiện và có giá thành sản xuất rẻ hơn.
Khả năng ứng dụng của điện thoại màn hình gập
Vậy chúng ta có thể làm gì với một chiếc điện thoại gập? Thật khó để xác định đâu là ứng dụng hữu ích nhất vì các nhà sản xuất đang đưa ra một loạt định hướng hấp dẫn.
Samsung Galaxy F và Royole FlexPai, có thể mở rộng màn hình bằng kích cỡ máy tính bảng. Người dùng có thể sử dụng thiết bị như một chiếc điện thoại thông thường, bỏ vừa vặn vào trong túi quần và thoái mái mang theo bên người. Khi cần thiết có thể mở rộng diện tích màn hình gấp đôi để làm việc, xem video, chơi game, trò chuyện với bạn bè như trên một chiếc máy tính bảng.
Motorola RAZR sẽ hồi sinh với phiên bản màn hình gập. Ảnh: Waqar Khan. |
Ngoài ra, ý tưởng của Motorola RAZR có nhiều điểm tương đồng với điện thoại nắp gập trước đây, giúp thu gọn smartphone lại chỉ còn một nửa. Một số màn trình diễn công nghệ giới thiệu chiếc điện thoại gập lại, quấn quanh cổ tay của người dùng. Apple đã có được bằng sáng chế cho một chiếc điện thoại cuộn tròn đặc biệt.
Công nghệ này quá mới mẻ và đột phá đến nỗi các nhà sản xuất không biết phải làm gì với nó. Đây là điều thực sự thú vị bởi cuối dùng dạng thanh nhàm chán thống trị suốt hơn 10 năm qua đã có một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn.
Những vấn đề của smartphone màn hình gập
Rất nhiều vấn đề đã được smartphone giải quyết tốt trong những năm gần đây. Màn hình rất bền, thời lượng pin cải thiện, dễ sử dụng ngay cả với người dùng mới. Điện thoại gập sẽ đặt ra vài khó khăn khác. Màn hình lớn hơn đồng nghĩa với yêu cầu về pin cao hơn, vật liệu uốn dẻo có thể thay đổi cách hoạt động của smartphone và các mọi người dùng nó.
Trở ngại đầu tiên có thể nghĩ đến là kính phủ ngoài màn hình. Royole trang bị cho sản phẩm của mình màn hình bằng nhựa, loại vật liệu dễ trầy xước, xỉn màu theo thời gian nhưng đổi lại nó có khả năng chịu uốn cong dễ dàng. Một số nhà sản xuất khác đang hợp tác với Corning để tìm ra loại kính có thể uốn dẻo, nhưng sản phẩm thương mại vẫn chưa hoàn thiện.
Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại với những smartphone màn hình gập đầu tiên. Ảnh: Cnet. |
Kế tiếp là phần vỏ máy. Giải pháp bản lề kiểu những điện thoại nấp gập trước đây có nhiều nhược điểm. Các nhà sản xuất sẽ phải đánh đổi vỏ kim loại chắn chắn, sang trọng hiện tại để chọn vỏ nhựa rẻ tiền có thể uốn cong hoặc bỏ công sức, tiền bạc ra nghiên cứu một loại vật liệu cao cấp khác có tính năng này.
Tuổi thọ pin, khả năng tương thích phần mềm, mạch điện và tính tiện dụng cũng sẽ là những trở ngại cho điện thoại gập. Tuy nhiên, đến khi ra mắt rộng rãi trên thị trường, những nhà sản xuất đã có giải pháp cho vấn đề này.
Hãy nhìn vào sự thay đổi của iPad Pro hiện tại so với iPad đời đầu để thấy rằng những dòng thiết bị mới sẽ cần có rất nhiều thời gian hoàn thiện.
Những điện thoại màn hình gập sắp ra mắt
Tính đến nay, smartphone gập duy nhất có thể mua là Royole FlexPai với giá 1.318 USD. Rất nhiều công ty đang làm mọi thứ để tung ra smartphone màn hình gập nhanh nhất. Một số nhà sản xuất đã ấn định ngày ra mắt tại MWC 2019. Trước đó, nhiều khả năng chiếc smartphone màn hình gập Galaxy F sẽ được công bố tại sự kiện diễn ra vào ngày 20/2 của Samsung.
Với mức giá của FlexPai, người dùng không nên mong đợi một chiếc smartphone màn hình gập giá rẻ trong năm 2019. Bản thân thiết bị này cũng rẻ tiền so với mức trên 1.000 USD.
Tại CES 2019, màn hình của FlexPai không vừa khít với thân máy, vỏ nhựa không giải quyết tốt ở phần gập và phần mềm không được tối ưu khi cài đặt trên một chiếc smartphone đặc biệt như thế. Vì vậy để sở hữu thiết bị màn hình gập cao cấp, có khả năng người dùng phải bỏ ra hơn 2.000 USD.
Ngoài Royole FlexPai, danh sách những smartphone màn hình gập có trong năm nay gồm Samsung Galaxy F dự kiến ra mắt 20/2, smartphone màn hình gập, kết nối 5G của Huawei có thể được giới thiệu tại MWC 2019. Cùng sự kiện này có thêm màn giới thiệu của Oppo.
Tin đồn về tiến trình nghiên cứu sản xuất smartphone màn hình gập của Motorola và Sony cũng đã xuất hiện rải rác kèm theo ảnh chụp bằng sáng chế có liên quan của họ. LG, Apple cũng là những công ty đã nộp bằng sáng chế những công nghệ của smartphone màn hình gập.